Cần tăng cường khuyến cáo về thị trường tiêu thụ trái cây |
TS Nguyễn Như Hiến, Phó Trưởng văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt cho biết, Nam Bộ có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển cây ăn trái. Tính đến năm 2017 diện tích cây ăn trái Nam Bộ đạt 431,4 ngàn ha, trong đó ĐBSCL có 335,2 ngàn ha (chiếm 59,99%). Diện tích có xu hướng tăng, xuất khẩu rau quả tăng mạnh. Tuy nhiên, thực trạng SX trái cây còn phân tán, manh mún, chạy theo phong trào. Đặc biệt là phong trào “cam sành xuống ruộng” diễn ra tại các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang… Năm 2017, diện tích cam của Nam Bộ đạt 40,4 ngàn ha, tăng 5,76% so với năm 2016.
PGS.TS Võ Văn Thao, ĐH Cần Thơ đánh giá: “Mô hình cam xuống ruộng về lâu dài xảy ra nhiều hệ lụy cho môi trường nhất là thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước. Bởi trồng mật độ quá dày, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của cây và sâu bệnh lây lan nhanh. Nông dân sử dụng lượng lớn phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, đặc biệt là thuốc diệt cỏ 2,4D, Paraquat.
Quy cách, chất lượng trái cây không đồng đều, khối lượng trái cây đạt chứng nhận còn ít. Nhiều lô hàng cam, thanh long đã bị nước ngoài trả lại do nguyên nhân này. Bên cạnh đó, công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập. Mối liên kết giữa SX, chế biến, tiêu thụ chưa phổ biến.
Doanh nghiệp chưa tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận SX theo GAP chưa nhiều… ảnh hưởng không nhỏ đến việc kí kết thu mua, tiêu thụ và hợp đồng xuất khẩu".
TS Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, SX cây ăn trái còn manh mún, cần quan tâm đến các giải pháp để phát triển bền vững và ổn định. Bền vững về chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với bền vững về thị trường, hiệu quả kinh tế. Cần tuyên truyền áp dụng SX an toàn sinh học, hạn chế tối đa phân bón và thuốc trừ sâu, chất điều hòa sinh trưởng hóa học. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây. Hình thành tổ chức HTX, THT, có quy chế SX theo quy trình sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng... Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương có khuyến cáo chính xác cho nông dân, nhất là về thị trường...
TS Trần Văn Khởi phát biểu tại hội nghị |
Sầu riêng phát triển "nóng" Hiện cây sầu riêng đang được bà con rất quan tâm và phát triển rất nóng. Thời gian qua giống sầu riêng rất sốt, các trại SX giống thường xuyên cháy hàng. Nhất là giống ngoại như Musangking (Thái), ruột đỏ (Malaysia) giá lên đến vài trăm ngàn đồng/cây. Hiện bà con đang rất thiếu thông tin về chất lượng các loại sầu riêng này. TS Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho hay, giống sầu riêng ruột đỏ có nguồn gốc Malaysia, đã trồng thử nghiệm và cho trái ở miền Đông. Ngoài hình thức ruột màu đỏ bắt mắt thì chất lượng giống không có gì vượt trội so với các giống khác đang được trồng tại Việt Nam. Theo TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT Chợ Lách (Bến Tre), bước đầu đánh giá sầu riêng Musangking có ưu điểm trái đẹp, màu cơm vàng, thịt mịn. Nhược điểm là tỷ lệ cơm thấp (18%), cơm bao không kín hạt, phần dính cùi lớn, còn xơ... |