Liên quan đến vụ việc, ông Đoàn Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp cho biết, sau khi báo chí thông tin, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, truy quét, chấn chỉnh tình trạng trên.
|
Quả ươi và hạt sau khi thả vào ly nước |
Theo đó, từ ngày 4 đến 26/4, cơ quan chức năng đã phát hiện và trục xuất 201 lượt người vào rừng khai thác ươi, xử lý 22 vụ vi phạm. Trong đó có 11 vụ chặt cây ươi trái phép, 4 vụ vận chuyển hạt, 4 vụ người dân vào rừng tỉa cành lấy hạt và 3 vụ người vào rừng thu lượm ươi.
Cơ quan chức năng đã tạm giữ 15 xe máy, 199 kg hạt ươi, 2 cưa tay, 2 búa, 6 dao và phá hủy 7 chòi của các đối tượng khai thác, lập biên bản 24 người, 22 cây ươi bị cưa hạ tại các tiểu khu 55, 65, 66, 70, rừng phòng hộ Bù Đốp. Song không bắt được đối tượng chặt cây trái phép nào. Đa số cây ươi bị chặt hạ có đường kính từ 15- 75cm, chiều cao từ 15- 29m với trữ lượng gỗ là 29,380m3. Sau khi ươi rừng chặt hạ, các đối tượng chỉ lấy hạt.
Ông Thảo thông tin thêm: Ông Nguyễn Văn Thành, quyền giám đốc BQL rừng phòng hộ Bù Đốp ký biên bản cho phép khai thác cây ươi, huyện không hề biết. Ông Thành thuộc sự quản lý của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước. Vì vậy, việc xử lý ông Thành thuộc thẩm quyền của Sở. Ông Thảo khẳng định huyện không ký xác nhận cho bất kỳ trường hợp nào khai thác ươi.
“Chỉ có ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng công an xã Phước Thiện thay mặt UBND xã ký vào đơn công nhận cho dân trong vùng vào rừng khai thác ươi là sai thẩm quyền. UBND xã Phước Thiện đã tiến hành kỷ luật khiển trách. Đồng thời huyện không bao che việc khai thác ươi rừng trái phép”, ông Thảo cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Đoàn Văn Thảo phát biểu về các vụ khai thác ươi rừng trên địa bàn |
Trả lời về trách nhiệm của người đứng đầu huyện khi để rừng trên địa bàn mình quản lý bị chặt phá, ông Thảo không trả lời câu hỏi, mà chỉ nói rằng, huyện đã chỉ đạo tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng nhằm ngăn chặn người vào rừng khai thác ươi. Đồng thời tuyên truyền vận động không vào rừng khai thác trái phép...
Ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng KL huyện Bù Đốp, người từng có hàng chục năm bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc chặt phá cây ươi, và hiện đang ươm một diện tích cây ươi giống khá lớn, cho biết: Tại các cánh rừng có cây ươi, khi cây ra bông, rất dễ thấy, bởi bông ươi đỏ rực. Đến khi ra trái và chín, càng dễ phát hiện hơn, bởi những trái ươi chín khô, do quả còn dính một lá khá to nên không rụng thẳng xuống gốc mà bay la đà trên không trung, quay tròn trong gió, như cánh sao, gió càng mạnh trái bay càng xa. Vì thế, nó còn có tên là trái đười ươi bay. Đây là nguyên nhân khiến cây ươi dễ bị phát hiện và chặt hạ.
Văn bản xin khai thác ươi của một người dân được ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng công an xã Phước Thiện ký xác nhận |
Hạt ươi có khoảng 3% chất béo, tinh bột và sterculin, bassorin. Trong phần vỏ hạt có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tanin. Phần đường trong hạt chủ yếu là galactose, pentose và arabinose. Hạt ươi vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi yếu hầu, thanh trường thông tiện. Bên trong trái ươi là hạt nhỏ bằng đầu ngón tay út, màu nâu sậm. Chỉ cần thả 2 hạt vào ly nước to, đợi vài phút, hạt nở ra đầy ly, phần thịt trong hạt rất mềm và thơm. Bỏ thêm chút đường vào ly, ăn rất ngon và mát. Được biết, phần lớn hạt ươi Việt Nam hiện nay bị thương lái thu mua, chuyển ra phía Bắc rồi bán sang Trung Quốc. |