| Hotline: 0983.970.780

Giám đốc Khuyến nông Quốc gia tặng áo cho 'hiệp sĩ khuyến nông' U70

Thứ Tư 18/05/2022 , 17:41 (GMT+7)

Sau khi Báo NNVN đăng bài 'Facebooker U70 ngày ngày đạp xe 40km để livestream khuyến nông không công', Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã về thăm nhân vật trong bài viết.

Tạo nguồn cảm hứng cho cả hệ thống 30.000 người

Và buổi sáng ngày 18/5 là một dịp như thế, sau khi đi thăm mô hình trồng dưa lưới trong giá thể nội địa ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xe chở chúng tôi đã vòng xuống thị trấn Thanh Miện để đến nhà “hiệp sĩ khuyến nông” Vũ Văn Tiến - nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện vừa hay lúc ông kịp cất đôi ủng chuyên dùng để lội ruộng vào.

Nghỉ hưu từ năm 2020, hiện đã 65 tuổi nhưng ông vẫn ngày ngày đạp xe trung bình 40km trong và ngoài huyện để tư vấn cho nhà nông một cách không công bằng livestream hỏi đáp trực tiếp trên từng thửa ruộng, ô chuồng, chỉ chỗ nào quá xa thì mới chịu dùng xe máy.

Sau cái bắt tay thật chặt, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao cho ông Tiến bộ quần áo đồng phục khuyến nông mà mình đã cất công lấy số đo “từ xa” và bảo ông mặc thử. Đây chính là bộ đồng phục khuyến nông mà vừa qua Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT dự khai mạc diễn đàn về khuyến nông cộng đồng đã chứng kiến anh em trong ngành mặc. Nó hoàn toàn hợp với dáng người của ông Tiến khiến cho sự tự hào hiện lên trên cả nụ cười lẫn ánh mắt.

Chị Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương cùng chia sẻ với đồng nghiệp của mình niềm vui riêng mà chung ấy khi trước đó đơn vị đã được tặng 2 bộ quần áo đồng phục này.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao cho ông Tiến bộ quần áo đồng phục khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao cho ông Tiến bộ quần áo đồng phục khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Thanh cho hay, lãnh đạo Bộ NN-PTNT rất quan tâm đến hệ thống khuyến nông, vừa qua đã phê duyệt đề án xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng. Ngoài những người làm khuyến nông được hưởng lương Nhà nước còn có những con người tự nguyện. Nó cũng giống như bao câu chuyện làm từ thiện khác, khi mình đang có sức, có nghề thì tự nguyện đóng góp công sức cho xã hội.

"Đừng nghĩ rằng phải có tiền mang đi cho người khác mà giúp người khác làm ra tiền, giúp người khác làm giàu còn ý nghĩa hơn rất nhiều lần. Có rất nhiều cách tiếp cận khuyến nông. Nếu làm khuyến nông mà chỉ chăm chăm vào mấy đồng tiền của Nhà nước thì chưa đủ thuyết phục. Làm thế nào để yêu khuyến nông như một dạng sinh nghề, tử nghiệp? Câu chuyện của ông Tiến đã thực sự tạo động lực, cảm hứng rất tốt cho cả hệ thống khuyến nông trên 30.000 con người. Thay mặt hệ thống ấy tôi biểu dương ông, cảm ơn ông”, người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bày tỏ.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang giúp các địa phương về xây dựng hoạt động khuyến nông cộng đồng, Hải Dương cũng đang xin làm mô hình nhưng đây mới là giai đoạn đầu, vẫn còn đang thử nghiệm.

Câu chuyện của ông Tiến chính là một dạng của khuyến nông cộng đồng, nhưng giờ làm thế nào kết nối hoạt động này với lực lượng đang làm khuyến nông để trao đổi, học tập nhau về phương pháp truyền tải thông tin, cùng giúp cho bà con trong sản xuất nông nghiệp, tiến tới kết nối được với doanh nghiệp, với thị trường để tiêu thụ nông sản.

Lúc đó tự nhiên hoạt động này sẽ sinh lời cho xã hội và trong đó có chính những người cán bộ khuyến nông. Không phải ai cũng có thời gian, có tiền của để đi làm tự nguyện khuyến nông mãi được nhưng chính ông Tiến là một minh chứng rằng cứ làm đi thì sẽ có của cải, cho xã hội và cho cả chính mình.  

Ông Tiến trong bộ đồng phục khuyến nông đang chỉ cho ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cách ông làm livestream khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến trong bộ đồng phục khuyến nông đang chỉ cho ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cách ông làm livestream khuyến nông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến cảm ơn ông Thanh cùng mọi người đã đến thăm, tặng quà và tâm sự bản thân gia đình mình kinh tế vững vàng, ngoài nhà ở thị trấn này còn đang có nhà ở trên Hà Nội: “Tôi chè không, rượu không, thuốc không, những ngày cuối cùng của cuộc đời thì cố gắng thêm cho dân được đồng nào hay đồng đấy. Dân rất cần khuyến nông nhưng cần con người như thế nào? Cán bộ khuyến nông phải giàu thì mới hướng dẫn cho dân làm giàu được. Bây giờ loạn phân, loạn thuốc, loạn giống, loạn thầy rồi, từ đó mình làm thế nào để chọn lọc ra những thứ chuẩn nhất để sau đó vụ thứ nhất cho không nông dân, vụ thứ hai thì bán".

"Buôn phải có lãi, bán phải có công nhưng đừng đòi hỏi vội, một khi đã giúp cho nông dân rồi thì “gái có công, chồng chẳng phụ”. Tôi làm hướng dẫn khuyến nông, bảo vệ thực vật cho 9 HTX nhưng họ trả bao nhiêu thì trả. Huyện Thanh Miện có 6.700ha lúa, cấy nhiều nhất là cô Thìn Ái 150 mẫu, còn rất nhiều người khác cấy vài chục mẫu, chỉ cần giúp cho người ta giảm 1 lần phun thuốc là được lợi mấy chục triệu, họ cảm ơn mình ít tiền là chuyện bình thường. Nhưng tôi lại dùng tiền ấy để đi làm từ thiện cho quê hương hết”, “hiệp sĩ khuyến nông” Vũ Văn Tiến tâm sự.

Ông Tiến mỗi ngày đạp trung bình 40km để làm khuyến nông không công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến mỗi ngày đạp trung bình 40km để làm khuyến nông không công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đôi bàn chân không bao giờ đi giày

Giơ đôi bàn chân với những vệt cháy nắng in hằn hình cái dép, ông Tiến kể, mùa nào cũng không đi giày dù rét mấy bởi vì nếu đi thì không làm sao mà lội ruộng được. Khuyến nông có những điều tối kị là không được say xỉn, không được có những hành động, lời nói khiến cho nông dân không còn tôn trọng mình nữa. Phải coi nông dân là người nhà của mình, thấy ai có chuyện buồn hay gia cảnh éo le thì hỏi thăm, chia sẻ hay tặng chút quà động viên...

Trước đây khi máy chiếu, máy ảnh còn đắt, chưa sắm được ông Tiến phải dùng cuốn lịch tường để vẽ các vòng đời của sâu bệnh. Còn khi muốn tổ chức tập huấn ở đâu thì ông đi thăm đồng rất kỹ, xem ruộng lúa nhà ông, bà nào đang bị bệnh gì rồi nói luôn tại buổi họp thì mới thuyết phục được với nông dân. Sau này khi máy móc hạ giá, ông đã tự trang bị đầy đủ cả máy ảnh, máy chiếu, laptop và điện thoại thông minh.

Ông Tiến chỉ cho ông Thanh thấy đôi bàn chân không bao giờ mang giày, bị cháy nắng của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tiến chỉ cho ông Thanh thấy đôi bàn chân không bao giờ mang giày, bị cháy nắng của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm. Sáng nay tôi đi điều tra bướm cùng ông Giám đốc HTX ở xã Ngô Quyền rồi sau đó đi thăm 1 hộ nuôi trồng thủy sản, tất cả đều có livestream rồi chia sẻ vào nhóm facebook Thanh Miện quê ta là cả huyện đều xem được. Cán bộ khuyến nông mà biết cách thì dễ làm giàu chính đáng chứ tôi không nói đến chuyện tham ô tham nhũng. Như tôi làm 7 năm đề tài với Sở Khoa học và Công nghệ với nhiều đề tài như trồng ngô không cần làm đất, đều có công cả. Hay nghỉ hưu rồi mà ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc ThaiBinhseed năm ngoái vẫn còn mời đi làm nhưng tôi từ chối vì làm như thế chỉ được cho mình ông ấy thôi, tôi còn muốn giúp cho nhiều nông dân nữa...”.

Cận cảnh đôi bàn chân không bao giờ đi giày, bị cháy nắng của ông Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh đôi bàn chân không bao giờ đi giày, bị cháy nắng của ông Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nghe những câu tâm sự tự đáy lòng trên, anh Thanh đồng cảm: “Ông quả là đam mê, câu chuyện của ông mang tính gợi mở bởi bản thân cán bộ khuyến nông mà nghèo thì không thể nói được ai, không thể giúp được ai cả. Làm thế nào có thu nhập chính đáng, dựa trên sự tăng lên về thu nhập của người khác chứ không phải làm giàu bằng cách làm cho người khác nghèo đi. Phương pháp làm khuyến nông của ông là rất hay.

Bây giờ trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, có một nội dung là phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Nội dung đó nhiều địa phương đang rất bí, chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn ra những phác thảo trong đó hạt nhân là cán bộ khuyến nông cơ sở, còn thành viên phải là những người đam mê, có kinh nghiệm như ông. Bản thân hoạt động khuyến nông cộng đồng là phi lợi nhuận nhưng lại có nhiều hình thức khác, hoạt động khác để tạo ra thu nhập cho các cá nhân. Chúc cho ông sức khỏe để mãi giữ “lửa” các hoạt động khuyến nông cộng đồng”.

Ra về, ông Tiến đã tặng cho ông Thanh gói quà là một túi to rễ cà gai leo mà bà con tặng cho mình để duy trì sức khỏe.

"Tấm gương của ông Tiến đã gợi mở rất nhiều điều. Chúng ta đừng tính toán nhiều, hãy làm nghề đi, hãy yêu nghề đi, rồi nghề sẽ đáp lại xứng đáng. Tất nhiên ai cũng cần phải có sinh kế, có cuộc sống riêng nhưng hãy tin tưởng vào nghề nghiệp của mình, hãy cống hiến thì nó sẽ mang lại giá trị riêng cho bản thân. Còn chưa làm việc này đã nghĩ đến làm việc khác, chân ngoài chân trong thì không bao giờ có thành công cả. Nếu cho mình làm lại thì mình vẫn phải làm nghề, theo nghề đến cùng", ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.