Cải tiến cơ giới hóa trong khâu gieo giống
PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng Văn phòng thường trực Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Trong canh tác lúa ở ĐBSCL, bước đầu bà con nông dân áp dụng chương trình khoa học kỹ thuật (KHKT) “3 giảm 3 tăng”.
Sau đó, quy trình canh tác tiếp tục được cải tiến thêm nhiều bước như: Ngoài giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV, còn giảm nước tưới (tức thực hành tưới tiết kiệm, khô ướt xen kẽ); giảm thất thoát sau thu hoạch (sử dụng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát sau thu hoạch) và giảm phác thải khí nhà kính.
Những năm gần đây, việc giảm giống đã được Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) khuyến khích, đẩy mạnh bằng các dự án giảm lượng giống gieo sạ.
Qua đó, giúp nông dân ở ĐBSCL thấy được những mô hình canh tác lúa tiên tiến, mang lại hiệu quả, từ đó dần thay đổi nhận thức, thói quen canh tác lạc hậu trong sản xuất lúa.
Thời gian qua, Trung tâm KNQG và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng triển khai chương trình canh tác lúa thông minh với trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm lượng giống gieo sạ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc hưởng ứng của người dân về việc giảm lượng giống vẫn còn rất khiêm tốn. Trong đó, lượng giống gieo từ 80 - 100 kg/ha mới chỉ chiếm 20%, từ 100 - 150 kg/ha chiếm 50%, trên 150 kg/ha vẫn còn chiếm 30%. Chính điều này đã gây khó khăn rất lớn cho việc áp dụng đồng bộ các gói giải pháp trong việc giảm giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới và giảm thất thoát trong thu hoạch…
Để tháo gỡ vấn đề này, Trung tâm KNQG tiếp tục có những chương trình đồng bộ, mạnh mẽ hơn để giúp nông dân giảm giống. Trong đó, chú trọng đến việc giúp nông dân cơ giới hóa về khâu gieo giống vì hiện nay người dân vẫn sử dụng các hình thức gieo sạ bằng tay, bằng máy phun hạt… nên lượng giống sử dụng gieo rất nhiều.
Một số giải pháp đã được sử dụng như sạ hàng rất tốn công lao động và khó phổ biến rộng rãi, sử dụng máy phun hạt nhưng lượng giống vẫn sử dụng rất nhiều…
“Trong thời gian tới, việc sử dụng máy gieo hạt, máy sạ cụm được đánh giá là giải pháp khả quan để giải quyết vấn đề cơ giới hóa trong khâu gieo giống”, PGS.TS Mai Thành Phụng nhận định.
Áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác lúa thông minh
Cũng theo PGS.TS Mai Thành Phụng: Chương trình canh tác lúa thông minh lấy người nông dân làm trọng tâm, các nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ đồng hành giúp người dân có thể tiếp cận và ứng dụng đồng bộ các gói giải pháp kỹ thuật trên đồng ruộng.
Trong chương trình canh tác lúa thông minh, gói canh tác kỹ thuật được sử dụng là “1 phải 6 giảm” trong đó chú trọng việc đào tạo, huấn luyện người nông dân, nắm bắt, hiểu biết về đất trồng, diễn biến tình hình nguồn nước và các giống lúa có thể canh tác được trên các vùng sinh thái khác nhau ở ĐBSCL.
Nhờ đó, năng suất lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh cao hơn so với lúa đối chứng từ 300 - 600 kg/ha, có những chỗ cá biệt cao hơn khoảng 800 kg/ha. Trong khi, chi phí sản xuất giảm hơn so với lúa đối chứng khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/ha, có những nơi giảm 5 triệu đồng/ha.
Lợi nhuận cao hơn từ 15 - 30% so với lúa đối chứng (từ 3 đến 6 triệu đồng/ha). Từ đó, chứng minh rằng người dân ở ĐBSCL hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp canh tác thông minh trên đồng ruộng của mình.
Đối với việc đẩy mạnh sử dụng máy sạ cụm, theo ông Mai Thành Phụng, mô hình ứng dụng giải pháp sạ cụm đã được thực hiện tại một số tỉnh ở ĐBSCL, đã cho thấy hiệu quả rất tốt trong việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và mang lại lợi ích cho người nông dân.
Tuy nhiên, để máy sạ cụm được sử dụng đại trà, cần đi từng bước chắc chắn, mùa vụ nào, địa bàn nào sạ cụm thuận lợi thì sẽ tiến hành gieo trước. Những vùng có điều kiện khó khăn hơn sẽ từng bước tháo gỡ, kèm theo các giải pháp về kỹ thuật và chính sách. Bất cập ở đâu, sẽ có những đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương để tháo gỡ đến đó.
Bên cạnh đó, việc sạ cụm rất cần phân bón lót để lúa ra rễ và phân nhánh sớm, vì thế có thể kết hợp vừa gieo hạt, vừa bón phân hữu cơ và thuốc trừ cỏ…
Ngoài ra, máy sạ cụm nên đi theo hướng làm dịch vụ sẽ cho hiệu quả tối ưu nhất. Bởi vì, một số dịch vụ sẽ có sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp. Đồng thời, làm dịch vụ với giá cả hợp lý, phải chăng sẽ dễ dàng được đông đảo người dân đón nhận.
“Các doanh nghiệp nên kết hợp với các HTX đưa máy sạ cụm từng bước đi vào sản xuất. Khi HTX phát triển, dịch vụ phát triển thì máy sạ cụm sẽ được lan tỏa và có độ phủ tốt hơn trong khâu gieo sạ của người dân ở ĐBSCL”, PGS.TS Mai Thành Phụng khuyến cáo.