Nuôi tôm hùm là nghề khá phổ biến tại nhiều địa phương ven biển vùng duyên hải miền Trung.
Do chưa SX được tôm hùm giống, người nuôi lệ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, chất lượng con giống kém nên dẫn tới hệ lụy tôm thường chết trong giai đoạn đầu thả nuôi, con nào sống thì cũng chậm lớn.
Trong nuôi trồng thủy sản, không có con giống nào nằm ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng như tôm hùm. Người nuôi lệ thuộc hoàn toàn vào con giống được đánh bắt từ tự nhiên, bằng nhiều nghề như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn…
Tôm hùm giống thường có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; thậm chí còn được đánh bắt bằng thuốc gây mê hoặc thuốc nổ, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, con nào sống cũng èo uột, chậm lớn.
“Việc phải thành lập Hiệp hội Tôm hùm VN nhằm đảm bảo lợi ích của người nuôi, đó cũng là đầu mối để Nhà nước quản lý. Việc đấu tranh thương mại, tạo cạnh tranh cho tôm hùm xuất khẩu cũng là điều cần quan tâm”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám. |
Ông Phạm Văn Tỏa ở thôn Xuân Thành, phường Xuân Thạnh, TX Sông Cầu (Phú Yên) có thâm niên 12 năm trong nghề nuôi tôm hùm lồng thương phẩm, đang sở hữu 3.000 con tôm nuôi trong 50 lồng bè.
Ông Tỏa cho biết: “Người nuôi tôm hùm lồng thường mua phải những con giống bị chết ngay sau khi thả nuôi do người đánh bắt sử dụng ánh sáng phối hợp với lưới mành tận thu cả những con tôm giống bé tí.
Lũ tôm này lại không được bảo quản tốt nên người nuôi luôn phải chịu hao hụt từ 20 - 50%. Mà con giống đâu phải rẻ, hiện tôm hùm bông có giá dao động từ 150.000 - 350.000 đ/con”.
Nguồn giống không đảm bảo, người nuôi không chỉ bị thiệt hại vì tôm chết trong giai đoạn đầu thả nuôi mà trong quá trình sinh trưởng, tôm cũng thường phát sinh dịch bệnh.
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tôm hùm bông nuôi lồng ở các tỉnh duyên hải miền Trung thường gặp gặp một số dấu hiệu bệnh lý như trắng râu, long đầu, đầu to, đỏ thân, đen mang…
Trong đó nguy hiểm và “mãn tính” nhất là bệnh đỏ thân và đen mang. Tôm hùm bị đỏ thân thường chỉ sống được từ 3 - 7 ngày sau khi phát bệnh. Bệnh này xuất hiện ở mọi kích cỡ tôm giống.
Thu hoạch tôm hùm thương phẩm
Thiệt hại vì dịch bệnh trên tôm hùm là rất lớn.
Cuối năm 2006 đầu 2007, tại các vùng nuôi tôm hùm lồng ở Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận bùng phát bệnh sữa, gây chết nhiều lồng tôm gây thiệt hại đến hơn 160 tỷ đồng cho những hộ nuôi.
Đến đầu năm 2012, bệnh này tiếp tục “lấn” ra các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa “nuốt” thêm của người nuôi tôm hàng trăm tỷ đồng.
Trong đợt này, riêng Phú Yên có hơn 7.550/24.200 lồng nuôi tồm hùm từ 6 - 10 tháng tuổi bị lâm bệnh làm chết gần 500.000 con.
Người nuôi tôm hùm lồng ở TX Sông Cầu bị thiệt hại nặng nhất với 7.000 lồng, chết khoảng 390.000 con tôm thương phẩm, thiệt hại khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung” diễn ra ngày 31/3 tại Phú Yên trong khuôn khổ Festival Thủy sản VN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: “Các đơn vị chuyên môn tiếp tục thành lập tổ công tác điều tra dịch tễ, xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh trên tôm hùm ở các vùng nuôi trọng điểm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm xử lý dịch bệnh. Viện Nghiên cứu NTTS III tiếp tục thử nghiệm phác đồ điều trị mới đối với bệnh tôm sữa; sớm ban hành quy trình phòng chống dịch bệnh. Bổ sung một số bệnh trên tôm hùm vào danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch. Viện cũng đảm nhận nhiệm vụ quan trắc môi trường, thông báo kịp thời kết quả quan trắc và dự báo tình hình đến các địa phương để phòng tránh; tập trung nghiên cứu ô nhiễm trầm tích ở những vùng nuôi tập trung, đề xuất biện pháp xử lý". |
Cũng thời điểm này, vùng nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cũng bị dính bệnh, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Qua nghiên cứu từ các vùng tôm bị bệnh nói trên, ngành chuyên môn thấy được nguyên nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm là do vi khuẩn tựa Ricketsia; đây là loài vi khuẩn Gram, ký sinh nội bào, không di dộng, sinh trưởng và phát triển trong tế bào chất của tế bào, không sinh trưởng và phát triển trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo.
“Bộ NN-PTNT đã đưa ra phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm, đang phổ biến, tập huấn cho những hộ nuôi ở khu vực duyên hải miền Trung”, ThS Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ NTTS (Tổng cục Thủy sản) cho biết.
TS Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu NTTS III lo lắng: “Hiện một số tỉnh ở duyên hải miền Trung chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm. Những vùng đã được quy hoạch thì mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng, phá vỡ quy hoạch nuôi. Những lồng nuôi tôm hùm phải “chung sống” với lồng nuôi cá biển và các loài thủy sản khác gây ảnh hưởng đến phát triển của tôm”.
Nghề nuôi tôm hùm lồng đang gặp khó nhất về nguồn giống.
Giá đã đắt, nguồn khai thác ngày càng giảm nên không cung ứng đủ cho nhu cầu nuôi; chất lượng con giống kém khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro. Con tôm hùm giống cũng đang bị thả nổi về công tác kiểm soát, kiểm dịch nên tôm có mầm bệnh cũng không ai biết.
Thêm vào đó, công nghệ nuôi tôm hùm hiện nay vẫn theo cách truyền thống là mỗi bè có khoảng 10 lồng, mỗi lồng thả nuôi khoảng 100 con. Con tôm hùm khoái ăn tươi nên thức ăn cho chúng là các loại cá tạp, cua, sò…
Khi tôm ăn không hết, còn thức ăn thừa chúng ăn đi ăn lại vừa gây bệnh cho tôm vừa gây ô nhiễm môi trường nước. Đó là một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh; đặc biệt là các bệnh tôm sữa, đen mang… Nguyên nhân ban đầu được các nhà chuyên môn cho là do thức ăn kém phẩm chất.
Năm 2014 Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020. Đây là căn cứ để các tỉnh mạnh nghề này xây dựng, điều chỉnh chi tiết các vùng nuôi cho phù hợp. Việc khai thác tôm hùm giống cũng phải được các địa phương có vùng phân bố giống đưa vào quy củ, khai thác hợp lý.
Quản lý theo hình thức cấp giấy phép khai thác tôm hùm giống cho những hộ chuyên làm nghề này để có thể kiểm soát được hình thức khai thác nhằm bảo đảm chất lượng giống. Trước mắt, tập trung nghiên cứu SX thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tự nhiên.
Theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, các địa phương phát triển mạnh nghề khai thác tôm hùm giống cần xây dựng mô hình đồng quản lý, dựa vào cộng đồng để kiểm soát việc khai thác đi theo hướng bền vững. Đặc biệt, công tác SX con giống tôm hùm nhân tạo sẽ được Bộ quan tâm đầu tư nghiên cứu, nhập công nghệ SX trong thời gian tới.