| Hotline: 0983.970.780

Hình thành hệ sinh thái để phát triển ngành tôm bền vững

Thứ Năm 13/02/2025 , 19:55 (GMT+7)

Bạc Liêu Hình thành hệ sinh thái phát triển ngành tôm với sự gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và liên kết chuỗi từ con giống, nuôi thương phẩm, thức ăn, chế biến…

Tôm nước lợ đối mặt nhiều thách thức

Chiều 13/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025. Tại TP Bạc Liêu, đoàn đã đi khảo sát thực địa vùng, khu nuôi tôm công nghệ cao, khu an toàn dịch bệnh của Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu, Công ty Long Mạnh, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, thăm nhà máy chế biến tôm Công ty Trang Khanh…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Việt Úc trong phát triển ngành hàng tôm, nhất là về nghiên cứu, sản xuất con giống. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Việt Úc trong phát triển ngành hàng tôm, nhất là về nghiên cứu, sản xuất con giống. Ảnh: Trọng Linh.

Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu đã có những bước tiến đáng kể. Kỹ thuật nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được nhiều công ty, doanh nghiệp, người nuôi tôm mạnh dạn đầu tư, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong sản xuất.

Tuy nhiên, những năm gần đây nuôi trồng thủy sản vẫn chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết cực đoan, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, áp lực về chi phí thức ăn, chất lượng con giống, giá bán không ổn định, điệp khúc được mùa mất giá khiến người nuôi tôm đôi lúc ngán ngại.

Thời điểm hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đã có chiều hướng tăng giá, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu. Đây cũng là tín hiệu vui cho người nuôi tôm tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích thả nuôi trong năm 2025.

Bạc Liêu còn là địa phương đứng đầu khu vực ĐBSCL và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 22% cả nước). Toàn tỉnh có 360 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm sú, tôm thẻ chân trắng, trong đó 220 cơ sở sản xuất, công suất thiết kế 40 tỷ post/năm, 140 cơ sở ương dưỡng, 30 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh, có công suất khoảng 1,1 tỷ post/năm.

Trong năm 2024, Bạc Liêu sản xuất được 38 tỷ post, gồm tôm sú 14 tỷ post, tôm chân trắng 24 tỷ post và 900 triệu con tôm càng xanh giống. Số lượng giống sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi tôm trong tỉnh và xuất bán ngoài tỉnh. Trong đó Tập đoàn Việt Úc đã được Bộ NN-PTNT cấp phép sản xuất tôm thẻ chân trắng giống bố, mẹ. Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh và có 20 công ty, cơ sở sản xuất giống được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh.

Ông Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu cho biết, hiện nay giá tôm đang ở mức cao, rất hấp dẫn đối với người nuôi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là dịch bệnh ngày càng gia tăng, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là mầm bệnh trong nguồn nước khá cao. Ông Phi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người nuôi tôm nên giảm mật độ nuôi, áp dụng quy trình an toàn sinh học để giảm rủi ro. Nếu cơ sở nuôi mà không đảm bảo được yếu tố an toàn sinh học thì không nên đầu tư thả giống.

Ông Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu cho biết, Việt Úc đang áp dụng công nghệ chọn tạo con giống theo hướng tăng trưởng nhanh và có khả năng chống chịu tốt. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Úc Bạc Liêu cho biết, Việt Úc đang áp dụng công nghệ chọn tạo con giống theo hướng tăng trưởng nhanh và có khả năng chống chịu tốt. Ảnh: Trọng Linh.

Về sản xuất tôm giống, hiện nay Việt Úc đang áp dụng công nghệ chọn tạo con giống theo hướng tăng trưởng nhanh và có khả năng chống chịu tốt về dịch bệnh, môi trường, có thể nuôi được trong điều kiện độ mặn thấp.

Qua buổi làm việc, ông Trình Trung Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Úc Bạc Liêu đề xuất với Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu về các tác nhân gây bệnh mới trên tôm hiện nay và có giải pháp phòng trị hiệu quả. Đồng thời, xây dựng lại chiến lược phát triển ngành tôm tôm để kiểm soát dịch bệnh. Nhanh chóng xây dựng các chuỗi sản xuất với sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách cho ngành nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nhanh chóng nghiên cứu các mô hình nuôi tôm giảm phát thải, thích nghi với biến đổi khí hậu và có năng suất, gắn liền với phát triển bền vững.

Xây dựng chiến lược ngành tôm

Tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu cho biết: Đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và đầu tư giai đoạn 2 đạt 97% khối lượng dự kiến hoàn thành. Đã tuyển chọn 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này, gồm 4 lĩnh vực: Trình diễn quy trình nuôi tôm kết hợp với thiết bị phụ trợ, chế phẩm sinh học, sản xuất tôm giống và nghiên cứu sản xuất thức ăn tôm. Đồng thời, thực hiện Công văn 9027/BNN-TS ngày 28/11/2024 của Bộ NN-PTNT về việc hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, UBND tỉnh giao các đơn vị có liên quan phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tham mưu thực hiện các ý kiến đề nghị của Bộ NN-PTNT đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị kiểm nghiệm, kiểm định, trang thiết bị làm việc cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Đoàn công tác thăm Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Long Mạnh, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh. 

Đoàn công tác thăm Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Long Mạnh, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh. 

Ngoài ra, bố trí nhân sự quản lý, điều hành hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các đơn vị trực thuộc. Đề xuất giải pháp, chính sách, kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị tư vấn, nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ của dự án để hoàn thành trong năm 2025.

Đoàn công tác thăm nhà máy chế biến tôm của Công ty Trang Khanh, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh. 

Đoàn công tác thăm nhà máy chế biến tôm của Công ty Trang Khanh, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, để phát triển hệ sinh thái ngành tôm cần nhiều yếu tố như quy hoạch vùng nuôi, con giống, nuôi thương phẩm, nhà máy thức ăn, nhà máy chế biến. Quy hoạch vùng nuôi phải đảm báo yếu tố môi trường của khu vực, của tỉnh, trong đó có môi trường nông nghiệp, môi trường nuôi thủy sản. Khu vực nuôi phải có doanh nghiệp đi đầu, dẵn dắt, liên kết với hợp tác xã, nông dân. Nghiên cứu sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng, có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ hao hụt ít và hệ số tiêu tốn thức ăn thấp. Vùng nuôi tôm phải đảm bảo an toàn sinh học. Vùng nguyên liệu phải gắn với nhà máy chế biến. Nhà máy chế biến phải gắn với thị trường xuất khẩu…

Xem thêm
Lão nông U70 với phương pháp detox thải độc cho cá

HẢI DƯƠNG 'Con người có thể detox thải độc cơ thể thì con cá cũng vậy. Khi tôi chia sẻ phương pháp thải độc tố cho cá, nhiều người không tin', ông Thường chia sẻ.

Ngư dân miền Trung tất bật chuẩn bị mùa biển mới

Đối với các ngư dân, chuyến biển đầu năm rất được xem trọng. Chuyến mở biển thuận lợi thì hoạt động khai thác hải sản cả năm sẽ bội thu tôm cá.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Vùng bãi ngang tấp nập, các cảng cá đìu hiu

Những ngày đầu tháng Giêng, các cảng cá tỉnh Quảng Trị đìu hiu, tàu thuyền cập cảng thưa thớt. Trong khi đó, vùng bãi ngang tấp nập, ngư dân có nguồn thu lớn.