| Hotline: 0983.970.780

Giám sát an toàn thực phẩm trường học sau vụ ngộ độc ở Trường iSchool-Nha Trang

Thứ Năm 24/11/2022 , 19:12 (GMT+7)

Rà soát các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm, các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM, chiều 24/11, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 1.800 trường học có bếp ăn tập thể.

Liên quan đến vấn đề chỉ đạo, quản lý an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM ký kết liên tịch và thống nhất về kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường. Trong đó, chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện công tác giám sát việc chế biến cũng như giá thành bữa ăn hàng ngày. Mặt khác, trong các chỉ đạo Sở cũng yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc kiểm soát, đảm bảo nguồn thực phẩm trong các bếp ăn, nhà ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Theo ông Hồ Tấn Minh, TP.HCM có nhiều cơ sở giáo dục tổ chức căn tin, bếp ăn tập thể nên công tác quản lý cũng còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, tất cả các công việc liên quan an toàn thực phẩm, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thực hiện đầy đủ các video hướng dẫn cho cán bộ y tế, lãnh đạo nhà trường giải quyết các tình huống theo đúng quy định.

“Tháng 10, Sở tổ chức khoảng 12 lớp tập huấn cho hàng ngàn chuyên viên phụ trách công tác y tế trong ngành liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện thực hiện công việc này. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu phòng GD-ĐT các địa phương phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát để giảm thiểu những chuyện không may xảy ra”, ông Hồ Tấn Minh nói.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin thêm, hiện tại, với sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, ngành giáo dục đã thành lập các đoàn đi giám sát các cơ sở giáo dục, đặc biệt một số đơn vị có học sinh tiểu học và trẻ mầm non.

"Trong tuần này, tuần sau, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ phối hợp với Ban Quản lý ATTP TP.HCM rà soát để nắm tình hình thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) theo đúng quy định”, ông Hồ Tấn Minh chia sẻ thêm.

Theo Ban quản lý ATTP TP.HCM, đợt 1 - năm học 2021-2022, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP đối với bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học đối với 1.708 cơ sở. Đợt 2 - năm học 2022-2023, thanh tra kiểm tra 2.231 cơ sở. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở vi phạm, còn lại đa số cơ sở chấp hành nghiêm về thủ tục, nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, được lấy tại những đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận (ISO; chuỗi thực phẩm an toàn; HACCP; VietGAP; GLOBAL…).

Ngày 22/11, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn số 6141 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, Nghị định, thông tư liên tịch... liên quan đến ATTP trong trường học. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, ATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về ATTP, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh...

Bữa trưa của học sinh Trường iSchool Nha Trang ngày 17/11.

Bữa trưa của học sinh Trường iSchool Nha Trang ngày 17/11.

Trước đó, trưa ngày 17/11, tại Trường iSchool Nha Trang, có 840 học sinh (trong tổng số 1.382 học sinh) đã ăn cơm bán trú tại trường với các món: cơm gà, sốt trứng; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo. Bữa xế (13h30): bánh ngọt Paparoti, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.

Chiều tối cùng ngày, nhiều trường hợp trẻ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nôn, ói, mệt... Đến ngày 24/11, đã có 662 học sinh Trường iSchool Nha Trang nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Các mẫu thức ăn tại Trường iSchool được Viện Pasteur Nha Tranh nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân, độc tố gây ngộ độc thực phẩm qua kết quả xét nghiệm mẫu phát hiện vi khuẩn Salmonella spp, trong mẫu cánh gà chiên (2,4 × 106 MPN/g).

Ngoài ra, còn có vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên (3,5 x 103 CFU/g) và mẫu nước mắm (1,0 x 103 CFU/mL). Chủng Bacillus cereus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu (HBL: Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin). Và vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên (1,3x102 CFU/g).

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.