Ngày 27/10, sự kiện kêu gọi đầu tư và giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam, công nghệ nổi bật nhất được giới thiệu tại sự kiện lần này là phương pháp giảm bao bì nhựa thông qua sử dụng rơm rạ (SFC).
SFC là dự án sáng tạo nhằm mục đích sử dụng rơm rạ, chất thải nông nghiệp để phát triển màng chống tia cực tím có thể phân hủy sinh học được thiết kế đặc biệt cho bao bì thực phẩm.
Dự án giải quyết vấn đề thực phẩm tiếp xúc với ánh sáng có hại và sự phụ thuộc của ngành sản xuất thực phẩm vào bao bì nhựa không phân hủy sinh học, góp phần gây ô nhiễm rác thải nhựa.
Bằng cách biến rơm rạ thành màng phân hủy sinh học, SFC cung cấp giải pháp thay thế bền vững cho vật liệu gốc dầu mỏ, giảm ô nhiễm nhựa và giảm thiểu chất thải nông nghiệp. Dự án hướng tới ngành sản xuất thực phẩm, cung cấp vật liệu đóng gói chống tia cực tím hiệu suất cao và giải quyết nhu cầu giảm rác thải nhựa.
Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam thuộc mạng lưới đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPPIN) và được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Liên minh đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa khu vực sông Mê Kông.
IPPIN là một chương trình quan trọng ở cấp khu vực về đổi mới sáng tạo nhằm hạn chế rác thải nhựa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Quan hệ đối tác IPPIN với Việt Nam là một minh chứng về ý nghĩa của quan hệ đối tác hiện đại, hợp tác để giải quyết những thách thức khó khăn chung ở trong nước và khu vực.
Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Australia tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Cả Việt Nam và Australia đều phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường với những tác động rõ ràng đến an ninh lương thực và sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Sự hợp tác giữa các cơ quan khoa học của Australia và khu vực tư nhân là rất quan trọng, mang đến những sự thay đổi thành công, các giải pháp thiết thực, có thể được nhân rộng được tại sự kiện này.
CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia của Australia là đối tác thực hiện chương trình IPPIN. Ngoài việc giới thiệu những công nghệ đổi mới đang được phát triển trong khu vực, sự kiện còn là cơ hội để tăng cường kết nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tôn vinh kỹ năng khởi nghiệp của các nhà đổi mới tại địa phương.
Cố vấn cao cấp của CSIRO tại Việt Nam, Tiến sĩ Kim Wimbush, cho biết: CSIRO cam kết xây dựng môi trường có khả năng chống chịu và bền vững.
Thông qua các chương trình như IPPIN, nâng cao năng lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương bằng cách kết nối các nhà đổi mới, nhà nghiên cứu, chính phủ và ngành công nghiệp để cùng nhau hành động, giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Ông Kim Wimbush tin tưởng vào những ý tưởng đổi mới được giới thiệu tại sự kiện trong việc cấm hầu hết các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên toàn quốc vào năm 2031.
Cùng với việc giải quyết ô nhiễm nhựa ở quy mô trong nước, phái đoàn EPW đã mở rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với việc thành lập IPPIN.
Trung tâm Kết nối Đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam là một thành phần quan trọng của IPPIN và do CSIRO hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam thực hiện.