| Hotline: 0983.970.780

Gian nan lấy mẫu chất cấm

Thứ Tư 23/09/2015 , 09:58 (GMT+7)

Việc lấy mẫu nước tiểu đàn heo ở các trại chăn nuôi khá phức tạp ở nhiều nơi, do trại tập trung hầu hết vùng xa khu dân cư, đường chật hẹp, đi lại khó khăn, bình quân chỉ lấy mẫu được 3-4 trại/ngày./ Vấn đề chất cấm vô cùng nghiêm trọng

Trong khi đó, cả nước đang có cả hàng trăm nghìn trang trại, chưa nói tới việc có không ít chủ trại đang ra sức chống đối, đưa ra nhiều lý do để bất hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu nước tiểu đàn heo.

Chúng tôi tiếp tục về Đồng Nai, đây vốn là một địa bàn rộng lớn với tổng đàn heo hiện có lên đến gần 1,5 triệu con, trong đó trang trại chăn nuôi chiếm khoảng 70%. Vì thế ngành nông nghiệp địa phương đã và đang ráo riết “đánh” chất cấm.

Trong 8 tháng đầu năm, đã tổ chức 2 đợt kiểm tra chất cấm tại 84 cơ sở chăn nuôi, lấy 84 mẫu nước tiểu, kết quả phát hiện có 17/84 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, chiếm tỷ lệ 20%.

Ngoài ra, còn thanh tra đột xuất 10 cơ sở chăn nuôi khác, tổ chức lấy 6 mẫu thức ăn và 12 mẫu nước tiểu, hiện có kết quả của 9 mẫu nước tiểu, trong đó phát hiện 3/6 mẫu có chất cấm chiếm tỷ lệ đến 50%. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

Chủ trại gây khó

Theo ông Nguyễn Công Thành, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y Đồng Nai, do các trại nuôi heo của các hộ dân phần lớn nằm xa khu dân cư, đường sá đi vào khó khăn, trong khi đoàn kiểm tra đi xe ô tô lại đông người (gồm cán bộ Chi cục, Trạm thú y huyện, Công an tỉnh, xã) nên có khi phải bỏ xe ngoài lộ đi bộ vào các trại chăn nuôi mất 1-2 km là chuyện thường.

Vì vậy, trong 1 ngày đoàn kiểm tra lấy mẫu cao nhất là 3-4 trại. Chỉ riêng ở huyện Trảng Bom gồm 240 trại với tổng số heo trên 200 ngàn con trải dài trên 16 xã, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, mới lấy mẫu xét nghiệm chất cấm có 4 xã gồm Giang Điền, Bắc Sơn, Tây Hòa và Đông Hòa, tổng cộng có 20 mẫu nước tiểu của 20 trại heo.

Thậm chí, có trường hợp chủ trại chăn nuôi bất hợp tác, ủy quyền cho người quản lý ở đó làm việc với đoàn kiểm tra, nhưng đến khi mẫu xét nghiệm có kết quả chất cấm thì phủ nhận, kiện cáo.

Cụ thể là trại của bà Phạm Thị Mai Trang ở ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom nuôi 530 con heo, vừa qua đoàn kiểm tra lấy mẫu phát hiện có chất cấm, huyện ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng nhưng bà Trang không chấp nhận, cho rằng biên bản lập lấy mẫu nước tiểu trước đó do bà Phạm Thị Hương Huyền ký thay chủ trại là không đúng, bởi bà không ủy quyền cho bà Huyền ký biên bản. Vì vậy, đến nay bà Trang nhất quyết không nộp phạt.

Trong khi đó, ông Trần Minh Thành, đại diện đoàn kiểm tra cho rằng, trước khi lấy mẫu, đoàn đã điện thoại cho bà Trang và được bà này đồng ý cử bà Hương Huyền làm đại diện ký biên bản trước sự chứng kiến của các thành viên nên không thể có chuyện “biên bản lấy mẫu” là không có cơ sở pháp lý. Từ đó, Chi cục Thú y chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến chất cấm của trại bà Trang cho Phòng CS điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) tỉnh Đồng Nai để điều tra xử lý.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu chúng tôi, ngày 18/9 khi PC46 kết hợp với cán bộ Chi cục Thú y quay trở lại trại heo của bà Trang lấy mẫu, đồng thời truy xuất nguồn gốc chất cấm đã gặp sự phản kháng quyết liệt. “Đoàn vào trại lúc 1 giờ trưa mà nhùng nhằng mãi đến 8 giờ tối mới xong. Hiện vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc chất cấm, chỉ nghi vấn từ thức ăn hỗn hợp có trộn với premix 4%” - một thành viên trong đoàn cho biết.

Ngày 21/9, chúng tôi liên hệ với ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu thông tin về chất cấm trên địa bàn tỉnh. Ông Trong cho biết vấn đề này bên Chi cục Thú y đang triển khai, lúc nào có báo cáo với tỉnh sẽ thông tin chính thức. Tuy nhiên, ông cũng đang cân nhắc nên cung cấp như thế nào cho hợp lý, bởi lo ngại dư luận thông tin chất cấm sẽ ảnh hưởng đến lợi ích người chăn nuôi địa phương.

Không chỉ có bà Trang, tại xã Đông Hòa còn có hộ ông Nguyễn Hữu Trung nuôi 325 con heo. Vừa qua, huyện Trảng Bom cũng ra quyết định xử phạt 15 triệu vì phát hiện có chất cấm. Thế nhưng, ông Trung vẫn không chịu nộp phạt vì cho rằng mình không sử dụng chất cấm, còn đoàn thanh tra tự ý lấy mẫu đi xét nghiệm là “không đúng”. “Trong quá trình lấy mẫu, ông này còn yêu cầu rất phi lý là không cho các thành viên trong đoàn mặc quần áo, đội nón, mang ủng bảo hộ mà bắt buộc phải cởi hết ra chỉ mặc mỗi cái quần đùi vì sợ đoàn giấu bỏ thuốc” - ông Thành kể.

Vất vả lấy mẫu

Xác định “đánh” chất cấm là một “trận chiến” lâu dài, sau đợt sơ kết ngày 16/9 nhằm đánh giá lại công tác thanh - kiểm tra chất cấm của Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, bắt đầu ngày 21/9, Chi cục tiếp tục thành lập 2 đoàn kiểm tra phối hợp cùng Phòng CS phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) lên đường “đánh” chất cấm tại 2 huyện là Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ.

Tuy nhiên, do PC49 chỉ cử 1 cán bộ công an phối hợp, trong khi lại có 2 đoàn kiểm tra nên đoàn phải chọn địa bàn nào phức tạp, có khả năng chủ trại chống chế cao thì bố trí cho công an đi cùng.

Ngày 22/9, theo chân đoàn kiểm tra chất cấm của anh Trần Minh Thành, Phó phòng thanh tra Chi cục làm trưởng đoàn đến 3 trại chăn nuôi ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả của các thành viên trong khi lấy mẫu.

Theo đó, phải chọn bầy heo trong chuồng có trọng lượng từ 70-90 kg, sau đó tắm heo sạch sẽ rồi một thành viên xộc vào chuồng, tay cầm sẵn ca nhựa chạy theo bầy để hứng nước tiểu. Do heo ít chịu đứng yên mà thích chạy vòng quanh không chịu “tè” nên người lấy mẫu phải thật sự kiên nhẫn, riêng công đoạn này có khi phải mất cả giờ đồng hồ.

15-05-12_2
Đổ nước tiểu heo vào 3 bịch nylon. Trong đó có 1 bịch (mẫu) đem đi xét nghiệm chất cấm

Tại trại chăn nuôi của ông Hồ Văn Ngà ở ấp 5, nuôi 25 nái, 40 con heo thịt, khi đoàn vào thì chủ trại đã cho bầy heo ăn no nên cứ thế mà “ụt-ịt” chạy vòng quanh khiến cho việc lấy mẫu kéo dài mất nhiều thời gian. “Sau khi hứng đủ nước tiểu thì đổ vào 3 bịch nylon (mẫu), mỗi bịch chứa khoảng 250-300 ml, chủ trại giữ lại 1 bịch, còn lại 1 bịch lưu tại Chi cục và 1 bịch được niêm phong mã hóa gửi đi xét nghiệm” - anh Thành nói.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, qua 3 năm kiểm tra (2012-2015), ở địa phương chỉ phát hiện chất cấm có trong nước tiểu của heo thịt có trọng lượng từ 70 kg trở lên. Tuy nhiên, do mức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP đối với hành vi sử dụng chất cấm trên đối tượng chăn nuôi trang trại hiện chỉ có 10-20 triệu đồng vẫn còn thấp so với lợi nhuận trong việc sử dụng chất cấm nên không đủ sức răn đe.

“Tôi đề nghị điều chỉnh mức xử phạt theo giá trị lô hàng phát hiện chất cấm và tiêu hủy toàn bộ lô hàng dương tính với chất cấm” - ông Quang nói dứt khoát.

ĐỖ QUYÊN

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân từ 1/1/2025

Từ 1/1/2025, thêm 3 quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân. Một số trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.