Gian nan cấp chứng nhận GlobalGAP
Bắc Giang được biết đến là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước. Tuy nhiên đến nay chưa có diện tích vải nào được cấp chứng nhận hữu cơ. Hiện toàn tỉnh có hơn 20 ha vải được cấp chứng nhận GlobalGAP còn hiệu lực. Nếu so với nhu cầu của các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu thì diện tích này như “muối bỏ biển”.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Bắc Giang cho biết: Bắc Giang có diện tích vải trên 28.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 180.000 - 200.000 tấn. Trong đó, vải chín sớm có diện tích hơn 6.700 ha, sản lượng 60.000 tấn; vải chính vụ hơn 22.000 ha, sản lượng 125.000 - 135.000 tấn.
Tỉnh đã được cấp 202 mã số vùng trồng với diện tích 16.000 ha, sản lượng hàng năm trên 130.000 tấn, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Tặng, mặc dù diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn an toàn của Bắc Giang hiện nay tương đối lớn (chiếm gần 70% diện tích), tuy nhiên diện tích được cấp chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ còn rất khiêm tốn, nguyên nhân chủ yếu do muốn sản xuất hữu cơ phải chuyển toàn bộ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học sang các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, điều này dẫn tới chi phí cho đầu tư sản xuất tăng cao.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn nhiều hạn chế, việc chứng nhận sản xuất hữu cơ phải có thời gian chuyển tiếp, một số hộ sản xuất cần có thêm thời gian để thay đổi tư duy và thói quen canh tác.
Nguyên nhân khác là các nước có yêu cầu, tiêu chuẩn cao như EU đòi hỏi vải quả khi xuất khẩu phải có chứng nhận GlobalGAP, trong khi chi phí cấp chứng nhận tương đối cao. Không những vậy, chứng nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 12 tháng, đây là thời gian không dài nên gây khó khăn cho quá trình tổ chức triển khai sản xuất của người dân.
Ngoài ra, giá thành sản xuất vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ cao, trong khi thị trường tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
“Vấn đề đặt ra là phải tổ chức sản xuất một cách bài bản để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường có hàng rào kỹ thuật cao. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, giá bán, lợi nhuận, tạo động lực cho người dân an tâm sản xuất”, ông Đặng Văn Tặng nêu vấn đề.
Xây dựng 4 mô hình sản xuất vải chuẩn hữu cơ
Cũng theo ông Đặng Văn Tặng, Bắc Giang xác định để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ vải thuận lợi, người dân cần tập trung nâng cao chất lượng quả vải, sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Để làm được điều này, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng đề án sản xuất và phát triển cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, diện tích sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ chiếm 70% tổng diện tích.
Tập trung xây dựng 4 mô hình với quy mô 40 ha sản xuất vải đạt tiêu chuẩn hữu cơ, chứng nhận 120 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản…
Theo ông Tặng, để đạt được mục tiêu này, Bắc Giang sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp:
Tại các vùng sản xuất, tiến hành lựa chọn những hộ có đủ trình độ thâm canh và điều kiện về sản xuất (đất đai, nguồn nước…) đảm bảo đủ các tiêu chí sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ.
Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình sản xuất hữu cơ, đưa ra những biện pháp đồng bộ về phòng trừ sâu bệnh trên quả vải (phòng trừ sâu đục cuống quả, biện pháp canh tác, bón phân, tưới nước, tỉa cành, sử dụng các thuốc BVTV thảo mộc để phòng trừ hiệu quả sâu đục cuống quả...).
Giao cho cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Ngoài ra, tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất vải hữu cơ 50% giá trị phân bón trong 3 năm; 100% chi phí cấp chứng nhận sản xuất GlobalGAP, hữu cơ; hỗ trợ số hóa vùng sản xuất cũng như cấp mã số vùng trồng để truy suất nguồn gốc; mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...