| Hotline: 0983.970.780

Giao người dân dán nhãn RAT

Thứ Tư 14/11/2012 , 10:44 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT Hà Nội vừa tiến hành sơ kết triển khai Chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi rau an toàn (RAT) từ cơ sở SX đến nơi tiêu thụ.

Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT Hà Nội vừa tiến hành sơ kết triển khai Chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi rau an toàn (RAT) từ cơ sở SX đến nơi tiêu thụ. Dù bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận, song chặng đường đưa sản phẩm RAT đến bàn ăn người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn.

VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình, đoàn công tác của Cục tiến hành đi thực tế kiểm tra việc triển khai chương trình tại vùng rau xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội).

Qua trao đổi, một số hộ SX-KD RAT tâm sự, từ khi tham gia chương trình, sản lượng rau được bán ra tại Văn Đức tăng đáng kể, thương lái đến đặt hàng nhiều hơn, giá bán tăng so với trước khi dán tem. Tuy nhiên, do mới thí điểm thực hiện ở một số hộ SX-KD tự nguyện nên có hộ gắn nhãn, hộ không.

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, đơn vị đầu mối được Sở NN-PTNT giao thực hiện chương trình, để phục vụ dán tem quản lý RAT theo chuỗi, Chi cục BVTV phải cử 8 cán bộ kỹ thuật phối hợp với các cán bộ địa phương chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát nông dân SX RAT trên địa bàn xã. Tăng cường đào tạo, huấn luyện nông dân hiểu thế nào là IPM-RAT và VietGAP nhằm nâng cao nhận thức cho bà con. Chi cục cũng tiến hành cấp phát nhãn nhận diện cho HTX quản lý 1 tuần/lần. Hàng ngày, cán bộ kỹ thuật Chi cục và cán bộ HTX tiến hành dự tính sản lượng rau để cấp phát nhãn và đóng ngày thu hoạch phù hợp.

“Giai đoạn đầu từ cuối năm 2011 đến đầu 2012, cán bộ kỹ thuật Chi cục, trạm BVTV Gia Lâm và HTX cùng phối hợp thực hiện công tác gắn nhãn. Nhưng từ tháng 3/2012 trở đi, công việc gắn nhãn chủ yếu do các địa phương thực hiện. Sau đó, Chi cục lấy 55 mẫu rau đi kiểm tra phân tích, kết quả các mẫu đều đảm bảo, không có mẫu nào bị vượt ngưỡng quy định", ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, cho biết.


Sơ chế, đóng gói RAT tại HTX Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội)

Số liệu khảo sát tại vùng rau Văn Đức cho thấy, hiện sản lượng rau bán buôn qua các chủ ô tô, xe máy tại Văn Đức chiếm khoảng 90% sản lượng vùng rau, tương đương 35 - 40 tấn/ngày, trong đó lượng rau được gắn nhãn nhận diện khoảng 25 - 30 tấn (đạt 70 - 75%). Sản phẩm rau sau khi gắn nhãn đã được tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và đưa đi các tỉnh khác, trong đó sản lượng rau tiêu thụ tại Hà Nội chiếm khoảng 70%, còn lại 30% được đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Qua trao đổi với một số lái buôn, chúng tôi ghi nhận sự tích cực từ phía người tiêu dùng khi sản phẩm rau gắn nhãn bán thuận lợi và nhanh hơn do người mua yên tâm về chất lượng.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt khẳng định, RAT gắn nhãn tại Văn Đức bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao, thể hiện qua giá rau Văn Đức luôn cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Qua thông tin trên tem nhãn, người tiêu dùng một số tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Bình, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn đã gọi điện đặt hàng mua rau Văn Đức. Như vậy, đã có tín hiệu tích cực từ việc quản lý RAT theo chuỗi thông qua khâu gắn tem nhãn, người tiêu dùng bắt đầu ấn tượng và có lòng tin khi mua được RAT có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng. Đây là tiền đề tốt để thực hiện các công đoạn tiếp theo trong chuỗi kiểm soát RAT.

 VẤT VẢ DÁN TEM

Tuy nhiên, Chi cục BVTV Hà Nội thừa nhận, do đang trong quá trình thí điểm nên việc gắn tem, nhãn với RAT đối với cán bộ Trạm BVTV, HTX và người nông dân hiện khá vất vả, lúng túng và mất nhiều thời gian. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Chử Đức Nhị chia sẻ: Tập quán canh tác của người dân đa phần thu hoạch rau lúc chiều muộn, sẩm tối nên công việc gắn nhãn rất muộn, nhiều lúc 9 - 10h đêm cán bộ Trạm BVTV huyện và cán bộ HTX mới xong việc. Từ việc dán tem muộn, một số chủ hàng vì vội nên xếp thẳng rau vào xe không qua đóng bao túi. Cách thức gắn tem hiện nay rất mất nhiều thời gian vì phải kẹp vào quai túi, dán tem chống vỡ. Hơn nữa, việc gắn nhãn cho RAT chủ yếu với sản phẩm bán buôn nên nhãn chưa đến được tận tay người tiêu dùng.

Ông Nhị đề nghị, một khi tiến hành dán tem nhận diện, các cơ quan chức năng phải mạnh tay với mặt hàng rau không có tem mác tại các chợ đầu mối. Nếu xe rau nào không có tem nhãn thì không cho vào chợ, lúc đó buộc các chủ buôn và người trồng rau phải phấn đấu để được chứng nhận an toàn và tự gắn tem, cán bộ BVTV và HTX khi đó không phải vất vả, lọ mọ đêm hôm như hiện nay.

“Cục Chế biến NLTS&NM nhanh chóng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lí các vùng RAT để người dân được hưởng lợi. Đặc biệt, các đơn vị cần dành kinh phí cho truyền thông nhiều hơn nữa để giới thiệu, quảng bá mô hình, sản phẩm tới đông đảo người dân. Dù biết chặng đường xây dựng RAT cho Thủ đô còn rất nhiều việc khó khăn phía trước, nhưng chúng ta phải cố gắng làm thôi, không thể cứ ăn rau bẩn, thịt bẩn mãi được",  Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu.

Về vấn đề này, đại diện Sở Công thương Hà Nội khẳng định, không thể cấm bán mặt hàng rau, củ, quả tại các chợ đầu mối không có tem, nhãn bởi vi phạm luật tự do buôn bán. Do đó, vẫn phải vận động, tuyên truyền dần để người SX và người tiêu dùng quen dần với sản phẩm RAT có tem mác. Sở Công thương Hà Nội đang tiến hành đề nghị TP Hà Nội ưu tiên cho phép xe ô tô tải chở RAT được lưu thông 24/24h trong TP để chở rau đến các điểm bán lẻ một cách nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện hơn.

Trước vấn đề khó khăn đặt ra trong việc dán tem nhận diện cho RAT, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp yêu cầu Chi cục BVTV Hà Nội cần xác định rõ việc dán tem là nhiệm vụ của ai. “Có thể, ban đầu cán bộ BVTV và HTX làm nhưng về lâu dài nên giao cho phía người dân tự dán dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan Quản lý thị trường, BVTV và HTX. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để làm sao việc gắn nhãn sản phẩm đến được tay người tiêu dùng biết lựa chọn sản phẩm, nên sau dán tem nhãn với mặt hàng RAT bán buôn, sắp tới Hà Nội cần mở rộng việc dán tem với RAT bán lẻ", ông Tiệp lưu ý.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm công nhận các vùng SX rau VietGAP, vùng RAT bởi số cơ sở hiện tại quá ít. Đặc biệt, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc tiêu thụ RAT bởi đây là khâu yếu nhất hiện nay. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị các cơ quan của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Hà Nội nghiên cứu phương án xây dựng Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp của Bộ NN-PTNT trở thành nơi chuyên trưng bày và giới thiệu các mặt hàng RAT cho Hà Nội và các vùng lân cận.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm