| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 24/10/2019 , 09:12 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:12 - 24/10/2019

Giờ làm hay năng suất?

Luật hóa chế độ làm việc 44 giờ/tuần hay 48 giờ/tuần, cũng không quan trọng bằng thỏa ước lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động về lương bổng lẫn đãi ngộ.

Nếu người lao động không được nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo năng lượng bản thân, thì số giờ làm thêm cũng không đạt hiệu quả như mong muốn của người sử dụng lao động (Ảnh minh họa).

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 14 dự kiến kéo dài 38 ngày, từ ngày 21/10 đến ngày 27/11. Kỳ họp có thời gian kỷ lục này hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý của người dân cả nước vì những tranh biện từ các Đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng bỏng. Ngay phiên góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã xuất hiện nhiều ý kiến thú vị.

Người lao động nên làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần hay 48 giờ/tuần? Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nên giữ nguyên chế độ 48 giờ/tuần vì “phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý”.

Bởi lẽ, giảm thời gian làm việc sẽ dẫn đến giảm tiền lương, làm chậm kế hoạch tăng lương. Ngược lại, giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, người lao động vẫn phải tìm kiếm việc để làm, dẫn đến hệ lụy khó lường.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM có quan điểm hoàn toàn trái ngược: “Tôi thực sự bất ngờ với nhận định này, vì tôi nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói công nhân không muốn làm thêm giờ, dù thực tế họ cần làm thêm giờ. Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc vì không có thời gian…”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nghẹn ngào đến mức bật khóc khi nói về sự vất vả của những người công nhân ở các nhà máy hôm nay.

Người lao động không tự nguyện mà họ cần làm thêm. Vì vậy, vai trò của Quốc hội là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, có thời gian giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm hoàn toàn có lý khi cho rằng: "Sẽ không có tiến bộ xã hội khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động". Thế nhưng, giải pháp như thế nào lại là câu chuyện khác!

Trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động phổ thông tất yếu sẽ bị ảnh hưởng, vì sự thay thế của dây chuyền máy móc và công nghệ hiện đại. Tăng giờ làm không đồng nghĩa với tăng năng suất, khi chất lượng lao động không được cải thiện.

Luật hóa chế độ làm việc 44 giờ/tuần hay 48 giờ/tuần, cũng không quan trọng bằng thỏa ước lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động về lương bổng lẫn đãi ngộ.

Nếu người lao động không được nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo năng lượng bản thân, thì số giờ làm thêm cũng không đạt hiệu quả như mong muốn của người sử dụng lao động. Thu nhập của người lao động phụ thuộc vào năng suất lao động, nghĩa là thời gian làm việc trực tiếp tại công xưởng từ 48 giờ/tuần sẽ giảm tự động giảm xuống 44 giờ/tuần, khi tính chuyên môn và kỹ năng mềm của người lao động được tăng lên.