Ban đầu chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hết sức khiêm tốn với chỉ vài ba tấn hàng mỗi năm, gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ, liên kết. Tuy nhiên nhờ quá trình cố gắng không ngừng nghỉ, trên hết là sự tận tâm với nghề, Hợp tác xã Giò me Đức Tuấn dần vụt sáng thành điểm đến đáng tin cậy của số đông thực khách.
Đến nay, với việc tiêu thụ hơn 100 tấn hàng/năm, công tác kinh doanh ngày một có chiều sâu, tạo ra nguồn thu ổn định, đồng thời giải quyết công ăn việc làm xuyên suốt cho khoảng 30 công nhân lành nghề, Hợp tác xã Giò me Đức Tuấn chính là điểm sáng OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hiện cơ sở này có 3 dòng sản phẩm chính gồm giò ba chỉ cuộn, giò bắp và giò nạc. Lấy chất lượng làm thước đo, luôn kiên định với tiêu chuẩn “3 không” (không chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia), sự kiên định đã tạo nên khác biết lớn.
Qua các bước kiểm nghiệm, các mặt hàng chủ lực của Hợp tác xã Giò me Đức Tuấn đều được cơ quan chức năng công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phần thưởng tương xứng nhất là khi khoác lên mình chiếc áo OCOP, đây được xem là bước đệm hoàn hảo để từng bước nâng tầm thương hiệu, từ đó mở rộng thị phần rộng khắp cả nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam nơi thực phẩm chế biến sẵn được người dân ưa chuộng.
Điểm độc đáo của “Giò me Đức Tuấn” là qua quá trình “bồi đắp” không ngừng vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có, đó là giá trị cốt lõi, là những gì tinh tuy nhất mà những người cầm cương tại cơ sở này xác định phải gìn giữ cho bằng được.
Dù vậy họ ý thức được rằng, trong vòng xoay thần tốc không được phép an bài, ngược lại phải từng bước nâng tầm toàn diện để phù hợp với nhịp đập thời cuộc. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đã vạch sẵn nhất thiết phải tập trung đầu tư, hoàn thiện trang thiết bị hiện đại vận hành theo quy trình khép kín nhằm nâng năng suất sản xuất, sẵn sàng đáp ứng số lượng đơn hàng ngày càng tăng cao.
Đứng ở cương vị đầu tàu, hiển nhiên ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã giò me Đức Tuấn hiểu rõ hơn ai hết từng đường đi nước bước: “Để có được sản phẩm ưng ý đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ các bước, trong đó khâu chọn nguyên liệu đặc biệt quan trọng. Đầu vào được chúng tôi lựa chọn kỹ lưỡng, phải là những con bê có nguồn gốc rõ ràng, được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên. Chúng tôi xác định đặt chất lượng lên hàng đầu, như thế mới xứng đáng là sản phẩm OCOP điển hình”.
Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn trên địa bàn Nghệ An. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo đã góp phần nâng tầm toàn diện ngành hàng nông nghiệp của tỉnh nhà, đáp ứng cả về số lượng, chất lượng lẫn giá trị kinh tế.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP, vinh dự đứng thứ hai cả nước về nội dung này. Theo Đề án phát triển, giai đoạn 2023 - 2025 Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với những gì đã gầy dựng được mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay.