| Hotline: 0983.970.780

OCOP Nghệ An: Số lượng đi kèm chất lượng

Thứ Hai 27/06/2022 , 16:52 (GMT+7)

Nghệ An tạo dựng được điểm nhấn rõ nét khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, những mặt hàng gắn trên mình thương hiệu OCOP đều đáng đồng tiền bát gạo.

Sản phẩm OCOP đa dạng cả về chủng loại lẫn mẫu mã, chất lượng. Ảnh: BA.

Sản phẩm OCOP đa dạng cả về chủng loại lẫn mẫu mã, chất lượng. Ảnh: BA.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và gia tăng giá trị, được xem là đòn bẩy hữu hiệu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm Chương trình OCOP hướng đến là tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Bám vào đây, Nghệ An đã có những bước đi mang tính đột phá.

Để phát triển các sản phẩm đặc trưng theo hướng bền vững, nhất thiết phải “làm thật”, phải đổ mồ hôi sôi công sức mới mong có được thành quả tương xứng. Trên thực tế, nông thôn Nghệ An trải dài khắp đồng bằng, trung du, đặc biệt là khu vực miền núi, đi kèm với đó dĩ nhiên là vô vàn sản phẩm mang tính “cây nhà lá vườn”.

Dù vậy nếu đưa lên bàn cân, đong đếm chi ly sẽ thấy rõ không ít lực cản, bởi thế để khoác lên trên mình thương hiệu OCOP không thể triển khai dưới dạng vơ bèo vạt tép, ngược lại phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, từ đó phân loại, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu nhất để tiếp tục “chăm bẵm”, “vun trồng”.

Nhờ cách làm này, tính đến tháng 6/2022 Nghệ An có 249 sản phẩm OCOP trải dài trên đầy đủ các lĩnh vực, từ tiểu thủ công nghiệp, chế biến, thực phẩm, nông nghiệp… mỗi mặt hàng đều có những nét đặc thù riêng biệt, được số đông khách hàng ưu tiên chọn lựa.

Đặc biệt hơn, để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định vững chắc thương hiệu, đồng thời tăng sức cạnh tranh, phần đa chủ thể kinh tế đã chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, chế biến và kinh doanh, qua đó từng bước nâng tầm rõ rệt sản phẩm con cưng.

Rõ nhất là Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (Con Cuông), hiện đơn vị này có 7 sản phẩm dược liệu đạt sao OCOP. Giám đốc Phan Xuân Diện chia sẻ, để các sản phẩm khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, thời gian qua công ty không ngừng đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Mỗi công đoạn đều rất quan trọng, không thể làm sơ sài, qua loa.

Quy trình sản xuất Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát rất đáng chú ý, nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ được sấy khô trong 2 hệ thống máy sấy bơm nhiệt, máy sấy hơi bảo hòa để giảm thiểu tối đa quá trình phơi ngoài trời, đồng nghĩa giảm thiểu tối đá nguy cơ VSATTP.

Dòng sản phẩm của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Anh Khôi.

Dòng sản phẩm của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Anh Khôi.

Ghi nhận tổng quan của Nông nghiệp Việt Nam, những năm qua Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, rõ nhất là thông qua những cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm… nói cách khác luôn tạo ra chất keo kết dính hữu hiệu để các chủ thể vững tâm thực hiện hoạch định dài lâu.  

Nhà nước quan tâm, định hướng sâu sát, các chủ thể nhanh chóng bắt nhịp đã tạo nên bức tranh OCOP đầy nét tươi mới. Thành quả trước mắt mới chỉ là bước khởi đầu, tin rằng với nền móng vững chắc và sự chủ động cần thiết, thương hiệu OCOP Nghệ An còn vươn xa. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.