| Hotline: 0983.970.780

Giống đào nhập nội ĐMN1 phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc

Thứ Hai 20/08/2018 , 14:05 (GMT+7)

Giống đào ĐMN1 do ThS Đỗ Sỹ An, PGS.TS Lê Quốc Doanh và cộng sự Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chọn tạo từ nguồn giống Đài Loan nhập nội, đã được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép sản xuất thử từ tháng 4/2018.

Đào ĐMN1 là giống chín sớm (cuối tháng 4 đầu tháng 5), cây sinh trưởng khoẻ, năng suất quả cao (sau trồng 2 năm đạt 4,5 - 5kg/cây), rụng lá vào tháng 9; 10, ra hoa và ra lộc trong tháng 1, không bị ruồi đục quả gây hại như một số giống đào địa phương.

13-46-58_do_dmn_1
Giống đào ĐMN1 cho năng suất cao

Quả dạng hình trứng, vỏ màu vàng đỏ, ít lông. Trọng lượng trung bình/quả khoảng 80gram. Thịt quả vàng, giòn, ngọt, ít chua, khi chín có hương thơm đặc trưng. Khả năng bảo quản quả được lâu. Hàm lượng chất khô 9,42%, độ Brix 11,8, vitamin C 3,10 mg/100g, acid hoà tan 0,47%.

Hướng sử dụng và kỹ thuật trồng: Đào ĐMN1phù hợp cho trồng ở các địa phương miền núi cao phía Bắc như Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai)...

Kỹ thuật trồng: Chọn đất có mực nước ngầm thấp, tầng canh tác dày trên 70cm, có cấu tượng tơi xốp, giữ ẩm tốt, có độ mùn khá, dễ thoát nước, như đất rừng mới khai phá, đất dốc tụ, phù sa cổ, feralit đỏ vàng có độ pH 5,5 - 6,5 đều có thể trồng đào ăn quả. Thiết kế vườn trồng theo hướng Bắc - Nam và gần nguồn nước tưới, có rãnh thoát nước chống úng. Trên đất dốc cần tạo các luống bậc thang rộng 3 - 5m theo đường đồng mức. Đào hố: cây cách cây 4m, hàng cách hàng 5m. Kích thước hố: Dài x rộng x sâu = 1m x 1m x 0,6m.

Thời vụ trồng: Tháng 7; 8 (đầu mùa mưa) hoặc tháng 1; 2 (trước khi cây bật lộc xuân). Bón lót 25 - 30kg phân chuồng, 0,1 - 0,2kg đạm urê, 0,3 - 0,5kg supe lân, 0,2 - 0,4kg Kali Clorua, 0,2 - 0,5kg vôi bột (vôi trộn đều với đất rồi lấp đầy hố trước trồng cây 20 - 30 ngày).

Bón cho cây 1 - 3 tuổi: 30kg phân hữu cơ, 0,2 - 0,4kg đạm, 0,8 - 1,5kg lân, 0,3 - 0,5kg kali, 1kg vôi bột (chia phân bón 3 lần vào các tháng 12 - 1; 2 - 3 và 6 - 7).

Cách trồng: Với cây rễ trần, đặt cây vào giữa hố, đổ đất đầy 1/2 hố sao cho mặt bầu ngang bằng với miệng hố, ấn nhẹ cho đất tiếp xúc với rễ cây, tưới nước vào hố để đất bám sát vào rễ cây, khi nước rút lấp đất đầy hố.

Đối với cây trồng bầu thì bóc bỏ vỏ túi nilon, dùng tay ấn nhẹ cho chặt gốc, tưới nước một lần nữa, rồi cắm cọc buộc níu giữ cố định cây. Sau trồng tưới nước giữ ẩm gốc thường xuyên trong 15 ngày. Dùng tay nhổ bỏ cỏ dại quanh gốc. Phun thuốc trừ cỏ dọc theo hàng cây, kết hợp trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi rìa đường đồng mức để chống xói mòn.

13-46-58_do_dmn1

Không dùng cuốc để đào bới xung quanh gốc. Tủ gốc bằng cỏ khô, rơm rạ. Phủ dày ít nhất từ 10 - 15cm quanh gốc cây ngay sau khi trồng, và lập lại vào mùa xuân năm sau. Tủ gốc cách thân cây 10 - 15cm để tránh dịch hại lây nhiễm gốc cây.

Dùng tay nhổ bỏ cỏ dại khi cỏ mọc qua lớp phủ. Khi vườn đào chưa khép tán, nên trồng xen rau, màu ngắn ngày để tăng thu nhập.

Đốn tỉa: Sau trồng 3 - 4 tháng, cắt ngọn thân chính ở độ cao 40cm, loại bỏ hết những cành tăm, cành bụi, chỉ để lại 3 - 4 mầm khỏe phân bố đều các hướng và có độ cao khác nhau. Khi cành cấp 1 dài 50 - 70cm, đốn ngọn để kích thích ra cành cấp 2, nuôi 4 - 6 cành cấp 2. Cành cấp 2 dài 30 - 50cm, đốn ngọn kích thích phân cành cấp 3.

Đốn sau khi thu hoạch: Cắt bỏ những cành đã cho quả, những cành mọc thẳng giữa thân.

Đốn tỉa mùa đông: Loại bỏ các cành vô hiệu, cành gầy yếu, cành mọc thẳng ở giữa thân, chỉ giữ lại những cành cấp 1, cách nhau khoảng 30cm.

Đốn tỉa mùa xuân: Cắt bỏ những chồi xuân dài trên 70cm để cây tập trung nuôi quả.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.