Đặc sản ở xã đảo
Thôn Liên Minh, thuộc xã Trân Châu, huyện đảo Cát Hải (thành phố Hải Phòng) là ngôi làng có địa hình cao nhất ở Cát Bà và nằm sâu trong núi, là một trong 4 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cát Bà. Ở đây hiện vẫn còn giữ được giống gà bản địa thuần chủng, thường ngủ trên cây và tự kiếm thức ăn nên thịt rất ngon và chắc.
Về Liên Minh, không khó để bắt gặp những đàn gà đặc sản, lông vàng rực, bóng mượt, tràn đầy sức sống chạy đầy đường. Theo người dân địa phương, giống gà này đã có từ lâu, do đặc thù là “đảo của đảo”, nằm biệt lập với bên ngoài bởi những vách núi đá cao, nên đến nay gà Liên Minh vẫn chưa bị lai tạp.
Gà Liên Minh số lượng không có nhiều và chủ yếu nuôi chăn thả tự nhiên, ban ngày ra đồng bãi tự kiếm mồi, tối về ngủ trên cây vải, còn một số ít ngủ ở chuồng.
Do không nuôi quy mô công nghiệp mà chỉ là hộ gia đình nên sản lượng ít, chỉ đủ tiêu thụ cho người dân Cát Bà và làm quà biếu với giá khoảng 250.000đ/kg, cao hơn nhiều so với các loại gà khác.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cát Hải cho biết, gà Liên Minh là một trong những sản phẩm đặc trưng của đảo Cát Bà, là một trong 18 đặc sản của Hải Phòng được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gà Trân Châu”.
Gà thịt thương phẩm ở 6 tuần tuổi nặng 603g, 20 tuần tuổi nặng 1,7kg, hiện tại có 17 hộ ở thôn Liên Minh nuôi giống gà này với số lượng khoảng hơn 3.000 con.
Đây là giống gà bản địa, là đặc sản của địa phương, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như các biện pháp để mở rộng quy mô.
“Giống gà này rất ngon và giá trị kinh tế cao, có thể nhân rộng ra các địa phương khác. Chúng tôi rất quan tâm trong bảo tồn và phát triển giống gà này để nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Nam cho hay.
Theo tìm hiểu, gà Liên Minh thích hợp với nuôi chăn thả, chịu đựng tốt điều kiện thức ăn nghèo dinh dưỡng, khả năng đề kháng rất cao.
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ nguồn gen, gà Liên Minh có khối lượng sơ sinh nặng trung bình 30,02 g/con, khối lượng lúc 6 tuần tuổi đạt hơn 603 g/con, 20 tuần tuổi đạt trung bình gần 1,9 kg/con đối với con trống và hơn 1,56 kg/con đối với con mái.
Kích thước các chiều đo của gà Liên Minh ở 12 tuần tuổi trung bình vòng ngực là 27,2cm, dài lưng 21,3cm, dài lườn 16,34cm, dài đùi 22,24cm, dài chân 10,63cm.
Theo một số nghiên cứu, gà Liên Minh nuôi tại hộ theo phương thức chăn thả, thường đẻ trứng ở 197,5 ngày tuổi, tương ứng với khối lượng cơ thể 2,25 kg/con, số lượng trứng 75,6 quả/mái/năm, khối lượng trứng trung bình 49,8g.
Giống gà này sinh sản ở độ tuổi khá cao, từ 2 - 3 năm tuổi, đây cũng là một trong những lý do làm cho năng suất sinh sản của giống thấp và khó phát triển rộng rãi ra sản xuất nếu tiếp tục nuôi theo tập quán truyền thống của địa phương.
Bảo tồn và nhân rộng
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã tạo ra được đàn gà Liên Minh hạt nhân gồm 300 con, có năng suất cao hơn so với quần thể.
Cụ thể, khi 8 tuần tuổi, gà trống tăng từ 708g lên 800g, gà mái 553g lên 616g ở thế hệ 1; thế hệ thứ 2 có khối lượng 716g đối với con trống và 605g đối với con mái; đến thế hệ thứ 3 có khối lượng 723g đối với con trống và 617g đối với con mái.
Ở 20 tuần tuổi, gà trống từ 1.650g lên 1.850g, gà mái 1.550g lên 1.665g; đến thế hệ thứ 2 có khối lượng 1.972g đối với con trống và 1704g đối với con mái.
Tuổi vào đẻ của gà giảm từ 26 tuần tuổi xuống 24 tuần tuổi; năng suất trứng trung bình tăng từ 75 lên 90 quả/48 tuần đẻ.
Gà thương phẩm ở 8 tuần tuổi có khối lượng trung bình 695g; ở 18 tuần tuổi, tỷ lệ nuôi sống là 94,29 - 97,43%, khối lượng cơ thể là 1,815 - 1,99 kg/con và mức tiêu tốn thức ăn là 3,63 - 3,94 kg/con.
Tuy nhiên, do việc chăn nuôi gà Liên Minh theo hình thức nhỏ lẻ, chăn thả tự do làm gà bị lai tạp, hơn nữa người dân tự chọn lọc và nhân giống tại mỗi gia đình nên xảy ra hiện tượng cận huyết, khối lượng cơ thể gà giảm dần qua các thế hệ.
Mặt khác, cũng giống như một số giống gà nội khác, gà Liên Minh có năng suất trứng và tốc độ sinh trưởng rất thấp. Năm 2008, gà Liên Minh được phát hiện và đưa vào danh sách bảo tồn trong tình trạng nguồn gen đang ở mức độ đe dọa nguy hiểm.
Để bảo tồn và phát triển giống gà quý này, trong giai đoạn 2013 - 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Hải Phòng được Bộ KH-CN cho phép chủ trì thực hiện nhiệm vụ quỹ gen “Khai thác và phát triển giống gà Liên Minh tại Hải Phòng”.
Kết quả, bước đầu nhiệm vụ đã đánh giá được các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống gà Liên Minh, đồng thời đã tạo ra được đàn gà hạt nhân gồm 300 con, có năng suất cao hơn so với quần thể.
Dù vậy, quy mô cũng như hệ thống sản xuất cung cấp con giống chưa đồng bộ, một số nội dung trong quy trình chăm sóc gà Liên Minh sinh sản và thương phẩm như mức protein, năng lượng trong khẩu phần thức ăn vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn của gà Ri, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển của giống gà này.
Để nâng cao năng suất sinh sản và khả năng phát triển của giống, đồng thời đáp ứng nhu cầu về sản xuất cũng như tiêu dùng hiện nay, đòi hỏi phải mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ.
Đó là cần mở rộng quy mô nuôi giữ đàn hạt nhân, hoàn thiện quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cho giống gà Liên Minh, trong đó cần xác định mức protein và năng lượng cho gà sinh sản, thương phẩm.
Mặt khác, cần tổ chức liên kết với doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn về chăn nuôi gà Liên Minh sinh sản để cung cấp thương phẩm giống cho các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tại các huyện trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Đồng thời, xây dựng các mô hình chăn nuôi gà Liên Minh thương phẩm để nâng cao trình độ nắm bắt kỹ thuật cho người chăn nuôi.
Để góp phần phát triển rộng rãi việc chăn nuôi gà Liên Minh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ TP Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án như: “Sản xuất thử nghiệm gà Liên Minh tại Hải Phòng và một số tỉnh lân cận”, “Xác định mức protein và năng lượng thích hợp trong chăn nuôi gà Liên Minh thương phẩm”…
Qua đó, bước đầu giúp người dân cải thiện được những hạn chế liên quan đến nguồn gen, con giống cũng như các giải pháp chăn nuôi hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.