Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, thuộc 2 tỉnh Đăk Nông và Đăk Lăk, có diện tích hơn 115.000ha, với nhiều loại gỗ quý cùng nai, thỏ, heo rừng, voi sinh sống. Đây là điểm nóng mà lâm tặc luôn hăm he tìm phá. Vì lẽ đó, lực lượng giữ rừng ở đây luôn phải gồng mình bảo vệ.
Cùng chó lội suối, băng rừng
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi đã đến thăm Vườn Quốc gia Yok Đôn. Cùng "ăn nằm" với những người giữ rừng ở đây để thấu hiểu những nỗi vất vả mà họ phải trải qua trong cuộc chiến với lâm tặc.
Sau khi đã ăn uống, anh Nguyễn Văn Phố (37 tuổi, quê Bình Định) lấy chai nước, vác rìu lên vai lên đường tuần tra rừng cùng bốn chú chó.
Anh nói: “Tui đi một mình kiểm tra, tìm dấu vết. Gọi thêm đồng đội tương trợ nếu thấy đối tượng phá rừng. Dắt thêm chó để nó ngửi mùi, có rắn hay thú dữ mình còn biết mà né”.
Hùng hục, mò mẫm trèo lên con dốc cả tiếng đồng hồ, mồ hôi của chúng tôi đổ ra như tắm, anh Phố ra hiệu dừng chân nghỉ ngơi. Việc đầu tiên của anh là lấy nước cho... chó uống. Con chó nào cũng há họng, thở khè khè.
“Tui được giao canh giữ hơn 1.000ha rừng. Quý cỡ gỗ giáng hương bị cưa trộm, tui sẽ bị kỷ luật. Nghề này thấy vậy chứ áp lực lắm”, anh Phố thở từng hơi nặng nề rồi trút ồng ộc chai nước vào miệng.
Một chiều khác, anh Y’Khương (38 tuổi, dân tộc Ê đê) đi dọc sông Sêrêpốk tuần tra. Thuyền máy chạy chừng 500m thì có tiếng giống máy cưa vọng ra từ một khoảnh rừng. Neo thuyền, chúng tôi tức tốc chạy tới vị trí nghi có người cưa cây. Đang chạy, anh Khương bỗng ngã sấp mặt vì vấp dây thép gai. Bật dậy lại chạy, tới nơi hóa ra vợ chồng Ma Rino (32 tuổi, nhà ở Buôn Đôn) đang sử dụng máy... cắt cỏ.
Y’Khương thở phào rồi tiến lại trò chuyện cùng họ. Anh cho biết, “lâm tặc” hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sống quanh khu rừng. Ai cũng nghèo khổ nên cả phụ nữ, đám trẻ choai choai... trộm gỗ rồi đem bán cho các đầu nậu người Kinh từ nơi khác đến.
Anh Ma Rino, nhà ở Buôn Đôn chia sẻ, để các đối tượng chịu hợp tác khi bị xử lý là cả một nghệ thuật. “Mình giải thích nhẹ nhàng, nghe lọt tai họ mới chấp hành. Ngoài ra việc đốt tổ ong, hái phong lan... đều cấm nhưng nếu cứ máy móc xử lý, rất dễ xảy ra xung đột với dân”.
“Cú đêm” giữa rừng
Các chốt của kiểm lâm nằm sâu trong rừng, việc đi lại khó khăn nên thức ăn chủ yếu kiếm được trong những chuyến tuần tra. Mùa này, họ hái thêm nắm hoa nghệ rừng, rau địa liên... về luộc chấm mắm nêm. Đêm ngủ rừng gặp trời mưa, họ bắt ếch, vớt cá dưới suối để cải thiện bữa ăn.
“Anh em đều nuôi thêm heo, gà ở các chốt. Hầu hết các chốt không có sóng điện thoại, đường sá xa xôi nên nhiều thứ phải tự cung tự cấp”, anh Phố cho biết.
Khuya, tôi cùng anh Phan Huy Quý (40 tuổi) và anh Võ Văn Nguyên (32 tuổi, cùng quê Nghệ An) vào rừng. Đây là công việc thường ngày của lực lượng kiểm lâm. Hành trang là chiếc đèn pin tròng lên trán và chiếc ba lô đựng võng, nước uống.
Đi chừng 5km, nhóm chúng tôi tắt đèn xe máy rồi tiếp tục “xé rừng”, vào sâu bên trong. Tìm vị trí cột võng, giăng mùng, các anh dặn: “Nếu phát hiện dấu hiệu người cưa cây, cả nhóm phải tắt hết đèn pin và... chạy bộ tới đó bắt quả tang. Mở đèn đối tượng sẽ phát hiện ngay. Trời tối mịt nên vấp té là chuyện thường, chỉ sợ giẫm trúng rắn độc mới khổ”.
Quá 12 giờ đêm, trời bỗng đổ mưa khiến mọi người đang nằm lật đật dậy, “tăng võng” để trú mưa. Anh Quý cho biết, lâm tặc cũng chọn ngày mưa gió để ra tay nên vào mùa mưa chuyện đem gạo, mùng mền vào rừng ở cả tuần diễn ra thường xuyên.
“Rừng rộng bao la nên bảo vệ từng gốc cây không đơn giản. Giờ họ toàn dùng cưa tay, vì thế khó phát hiện hơn nhiều”, anh chia sẻ.
Hơn 4 giờ sáng, chim đủ loại đa đa, nhồng, cắt, chèo bẻo đã hót râm ran khắp rừng. Thấy tôi đã dậy, anh Quý cười: “Ngủ rừng không quen hả?”. Tôi gật đầu. Anh tiếp tục: “Tụi tui quen rồi nhưng nhiều khi cũng sợ. Trời tối đen mà gặp tiếng động lạ là nghĩ lung tung. Có đêm đang thiu thiu, voi rừng về làm cả nhóm bỏ của chạy lấy người, tìm cách thoát thân”.
Ngoài đi bộ, ngủ rừng, lực lượng kiểm lâm còn sử dụng xe đạp làm phương tiện khi đi tuần tra. Chiếc xe đạp xuyên qua từng cánh rừng để đối tượng trộm gỗ khó phát hiện. Len lỏi vào rừng, ớn nhất lúc xe bị... xẹp lốp. Lúc đó, người lái phải dắt bộ cả chục km, tìm nơi có sóng điện thoại gọi cho đồng nghiệp lên chở về.
Đối mặt "lâm tặc"
Bắt gỗ, lực lượng kiểm lâm bị lâm tặc đánh trả là chuyện thường. Không những thế, nhà cửa, vợ con họ cũng là mục tiêu trả thù...
Bị bắt, các “đầu nậu” không trực tiếp ra mặt nhưng hô hào đồng bào dân tộc cản trở, giành lại gỗ. Vì thế nhiều vụ xô xát xảy ra, tai họa cũng chực chờ với gia đình, vợ con khiến lực lượng kiểm lâm luôn thấp thỏm lo âu.
Giữ rừng Yok Đôn 24 năm, anh Nguyễn Văn Hào, 50 tuổi, gắn bó cả tuổi trẻ cho cánh rừng. Với anh, trong nghề có thể “có người này người kia” nhưng anh luôn làm hết khả năng của mình. Khu rừng rộng cả trăm ngàn héc ta đã in dấu chân người kiểm lâm gạo cội.
Kể về những lần đụng độ với lâm tặc, anh Hào cho biết họ hầu hết là người dân lương thiện bị xúi giục bởi đầu nậu thu mua gỗ. Đồng bào dân tộc vốn hiền lành, chất phác. Nhiều lần họ kéo hàng chục người vây kiểm lâm, giành giật gỗ đều do đầu nậu người Kinh đứng sau giật dây.
Anh Hào quê Nghệ An, cưới vợ sinh con ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Gia đình gần nơi làm việc nên tai họa luôn chực chờ gia đình anh. Mới tháng trước, sau khi truy bắt người đàn ông chở khúc gỗ cà chít từ rừng ra, đúng một tiếng sau nhà anh... bốc cháy. Việc xảy ra khoảng 2 giờ sáng nên vợ con anh không hay biết. May sao chỉ phần mái hiên trước nhà cháy rụi, không lan vào bên trong, vợ con anh thoát nạn.
Trong khi đó, hàng ngày ngụp lặn dưới dòng Sêrêpốk truy tìm gỗ của lâm tặc, anh Nguyễn Đồng Thuận, 51 tuổi, cũng không ít lần đối diện nguy hiểm. Chiều nọ, anh cùng hai đồng nghiệp phát hiện nhiều khúc gỗ dưới đáy sông nên tiến hành trục vớt. Nhóm lâm tặc ở gần đó tốp lái thuyền, tốp đứng trên bờ lăm lăm dao, gậy gộc áp sát nhóm kiểm lâm.
Tình thế nguy nan, anh Thuận nhảy xuống sông hòng đánh lạc hướng để đồng nghiệp chạy về trạm báo tin. Nhắm không đua nổi sức với thuyền máy, anh trèo lên bờ tiếp tục bỏ chạy. Nhóm lâm tặc đuổi theo nhưng các đồng nghiệp xuất hiện tương trợ kịp. Anh may mắn thoát được trận đòn nhừ tử.
Còn anh Vũ Thanh Sơn (40 tuổi, quê Nghệ An) trong một lần tuần tra phát hiện nhóm bảy đối tượng ở buôn Jang Lành (huyện Buôn Đôn) đang đẩy 6 khúc gỗ cà chít chuẩn bị vượt sông Sêrêpốk nên lập tức vây bắt. Các đối tượng dùng gậy, gạch đá tấn công trở lại. Anh Sơn bị đánh dập ngón tay. Suốt mười mấy năm theo nghề, đã có năm nhóm lâm tặc phải vào tù vì chống trả, đánh đập anh trong lúc làm nhiệm vụ.
Nỗi buồn Ngưu Lang
Hầu hết gia đình, vợ con của kiểm lâm viên đều ở xa rừng Yok Đôn từ vài chục đến cả trăm cây số. Mỗi tháng bốn ngày phép, họ tất bật xếp đồ trở về. Với họ, đối diện với lâm tặc, bươn rừng lội suối chẳng là gì so với nỗi cô đơn, xa vợ xa con.
Một chiều mưa Tây nguyên, từ TP Buôn Ma Thuột tôi ghé thăm gia đình anh Y’Khương. Căn nhà đìu hiu nằm giữa buôn Ea Kmar, xã Ea Bhôk (Cư Kuin, Đăk Lăk). Chị H’Diêm, 32 tuổi, vợ anh Khương đang mải mê đưa võng ru con ngủ. Vợ chồng anh là người dân tộc Ê Đê.
Chị H’Diêm tâm sự nhiều lúc thấy chạnh lòng vì thiếu thốn tình cảm của chồng. Chưa kể, một mình chăm hai đứa con (Mi La 13 tuổi, Mi Lai 10 tháng) khiến chị kiệt sức.
“Hồi mới sinh Mi Lai, ổng về có mấy bữa lại xuống Buôn Đôn rồi. Chăm con quá vất vả, mình kêu đứa cháu gái nhà gần đây qua ở phụ giúp”, chị Diêm nhớ lại. Hàng ngày ngoài chăm con, nấu nướng, chị lên rẫy coi ngó 6 sào đất đang trồng cà phê.
Mái ấm của anh Nguyễn Văn Phố chẳng khác mấy. Vợ giáo viên mầm non, hai đứa con học tiểu học ngày nào cũng ngóng cha về. Một lần, ngồi nghỉ chân trên đỉnh đồi trong chuyến tuần tra rừng, anh Phố kể nhiều đêm, nhất là những ngày mưa gió, anh ứa nước mắt nhớ vợ nhớ con. Cứ nghĩ bữa nay con mình không có ai đón đưa đi học khiến anh buồn vô cùng.
“Không tiện nói tên chứ anh em giữ rừng Yok Đôn nhiều người bị... vợ bỏ lắm. Trách sao được vì mình cứ đi hoài làm vợ con thiếu thốn tình cảm”, anh Nguyễn Văn Phố rầu rầu rồi nói tiếp: “Vợ tui quê Quảng Ngãi. Cuộc sống cô ấy đã vất vả từ nhỏ nên cô hiểu cho công việc của tui. May sao, cả gia đình vẫn ấm êm qua gần chục năm theo nghề”.