Có thời điểm cận kề thẻ đỏ
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian qua, với những nỗ lực rất lớn của các địa phương, các bộ ban ngành dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua 3 lần thanh tra, phía Ủy ban châu Âu (EC) đã khẳng định Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) như cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường quản lý, giám sát đội tàu, xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc…
Tuy nhiên những tồn tại vẫn tương đối lớn và chưa đạt đủ những yêu cầu để có thể gỡ được thẻ vàng IUU, thậm chí có thời điểm cận kề nguy cơ bị thẻ đỏ. Theo đó, 4 nội dung quan trọng mà phía EC đã nêu trong quá trình thanh tra là khung pháp lý, quản lý và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc.
Thứ trường Phùng Đức Tiến cho biết, thứ nhất, về khung pháp lý, Việt Nam đã có Luật Thủy sản 2017 hiệu lực từ năm 2019 và một loạt các Nghị định, Thông tư… đều có sự tham vấn từ phía châu Âu và nhận được phản hồi với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như vậy, Việt Nam đã đủ điều kiện để thực thi pháp luật, hướng đến việc tháo gỡ thẻ vàng.
“Thứ hai, quản lý và giám sát đội tàu là bài toán rất lớn cần phải giải quyết. Mặc dù chúng ta đã lắp 95% thiết bị giám sát hành trình nhưng số tàu còn lại chính là những đối tượng có nguy cơ cao xảy ra vi phạm, vẫn còn tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng ta đã có 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó có 3 tàu của Bình Định, 1 tàu của Khánh Hòa, 2 tàu của Bình Thuận”, Thứ trưởng thông tin.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng cho biết, nhiều tỉnh khi được thông tin về trường hợp tàu cá của địa phương vi phạm chỉ lập biên bản, không xử lý hành chính theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nên việc thực thi pháp luật chưa đảm bảo đồng đều, chưa hiệu lực, hiệu quả.
“Thanh tra của EC đã khẳng định nhiều lần, nếu không quản lý được đội tàu, vẫn còn tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, Việt Nam sẽ không thể gỡ được thẻ vàng IUU. Thế nên đây là vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ ba, về truy xuất nguồn gốc hải sản, quản lý sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm đánh bắt trên biển, Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Thú y và Cục Kiểm ngư rà soát, xem xét lại.
“Bên cạnh 4 nội dung mà EC đã chỉ rõ, có thể thấy sự đầu tư cho hạ tầng nghề cá cũng rất yếu kém, tàu vào bến không đủ chỗ, bắt buộc phải vào bến cóc dẫn đến lực lượng chức năng không thể quản trị được. Ngoài ra, sự quan tâm của chính quyền cấp ủy tại các địa phương cũng như sự đầu tư từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế. Thế nên việc quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật chưa đảm bảo theo yêu cầu của thanh tra EC”, Thứ trưởng phân tích.
“Việc bị cảnh cáo thẻ vàng IUU ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con ngư dân cũng như ngành thủy sản Việt Nam. Nếu như trước đây thủ tục để xuất khẩu sang châu Âu chỉ mất từ 1 - 3 ngày thì hiện nay là 2 - 3 tuần, từ đó gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến sản phẩm. Không những thế, không gỡ được thẻ vàng còn ảnh hưởng đến vị thế của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ
Ngày 13/2/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4.
Theo đó, về khung pháp lý, cơ chế, chính sách, Quyết định đặt ra mục tiêu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Quyết định nêu nhiệm vụ cần rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.
Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.
Về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, cần thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định; thuyền trưởng phải thông báo trước 1 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp Nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.
Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, Quyết định yêu cầu phải chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để ngăn chặn, xử lý phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kiêm Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT), cho biết, theo quy định, tàu cá dưới 15 mét chỉ được khai thác ở vùng bờ, vùng lộng chứ không được khai thác ở vùng khơi.
“Tàu dưới 15 mét mà khai khác ở vùng khơi sẽ vi phạm pháp luật. Biện pháp quan trọng nhất hiện nay để giải quyết vấn đề này là 100% tàu cá xuất nhập bến đều phải được kiểm soát. Lực lượng biên phòng cần phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tuần tra tại các cửa sông, cửa biển để kịp thời ngăn chặn tàu cá dưới 15 mét khai thác ở vùng khơi và vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.