Khó khăn truy xuất nguồn gốc tôm hùm
Ngành nuôi biển nước ta hiện nay được Chính phủ rất quan tâm. Bộ NN-PTNT cũng đã có nhiều đề án riêng cho từng đối tượng nuôi biển như tôm hùm, rong nho, cá biển... Điều này chứng tỏ Bộ NN-PTNT có những nghiên cứu sâu, thấy được tiềm năng và lợi thế của điều kiện tự nhiên cũng như phong tục tập quán nuôi biển của ngư dân để tập trung đầu tư và thu hút đầu tư.
Đối với truy xuất nguồn gốc đối tượng thủy sản nuôi biển nói chung, tôm hùm nói riêng ở nước ta hiện tại, theo ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT) còn có những khó khăn nhất định.
Theo đó, khó khăn thứ nhất là doanh nghiệp cần một khối lượng lớn nguyên liệu thủy sản để đóng gói, xuất khẩu nhưng phải thu gom từ rất nhiều cơ sở nuôi thủy sản quy mô nhỏ lẻ nên lô nguyên liệu lớn sẽ có nhiều nguồn gốc xuất xứ. Từ đó, khả năng truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do phải tập hợp, lưu trữ nhiều thông tin, tốn nhiều thời gian và công sức.
Nguyên nhân là do nuôi biển của nước ta chưa hình thành được các cơ sở nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn. Thực tế cho thấy, trừ một số công ty nước ngoài và doanh nghiệp có liên kết đầu tư quy mô lớn thì đa số cơ sở nuôi biển của chúng ta là quy mô hộ gia đình hoặc hộ kinh doanh cá thể sinh sống ở vùng ven biển, và nghề nuôi thủy sản là sinh kế của gia đình, của cộng đồng.
Mặt khác do nuôi biển với quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên độ đồng nhất của lô nguyên liệu lớn sẽ bị hạn chế nếu người mua không có khả năng tổ chức và quản lý quá trình nuôi, kiểm soát chất lượng sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Ở góc độ thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu không thể mua nguyên liệu ở dạng xô mà phải mua nguyên liệu theo yêu cầu của hợp đồng với đối tác về chủng loại, kích cỡ, trọng lượng, hạng chất lượng... Do khó tiếp cận với từng hộ nuôi nhỏ lẻ nên nhiều doanh nghiệp phải thông qua các đại lý, đầu mối trung gian liên kết cung ứng nguyên liệu cho nhà máy. Khi phát sinh càng nhiều khâu trung gian thì sẽ phát sinh thêm nhiều công đoạn, nhiều đối tượng tham gia chuỗi nuôi và cung ứng nguyên liệu, đóng gói và xuất khẩu. Từ đó sẽ càng có nhiều thông tin truy xuất và khả năng truy xuất nguồn gốc càng khó.
“Cái khó nữa là dù đã có quy định về thực hiện truy xuất, nhưng các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất ban đầu, đóng gói, chế biến và xuất khẩu không phải ai cũng nắm bắt quy định pháp luật thật sự rõ ràng. Do đó, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hoạt động phổ biến, hướng dẫn, thậm chí cần xây dựng tài liệu, hồ sơ mẫu để từng đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các sản xuất ban đầu, thực hiện một cách thuận lợi”, ông Lê Hoàng Lâm cho biết.
Giải pháp
Để truy xuất nguồn gốc đối tượng nuôi biển nói chung, tôm hùm nói riêng được thuận lợi, theo ông Lê Hoàng Lâm, doanh nghiệp phải tự chủ hoặc tổ chức được vùng sản xuất, cung ứng nguồn liệu tập trung cho nhà máy; hoặc liên kết chặt chẽ theo hình thức: “Doanh nghiệp lo đầu ra sản phẩm, Cơ sở nuôi (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ liên kết…) lo sản xuất nguyên liệu; và cả hai bên phải đồng hành, kiểm soát lẫn nhau để đảm bảo được chất lượng sản phẩm và thông tin truy xuất”.
“Chúng ta phải cố gắng hình thành được những mô hình liên kết hay phương thức liên kết thực sự hiệu quả ngay trong công đoạn sản xuất nguyên liệu ban đầu để giảm dần tình trạng nuôi thủy sản manh mún, nhỏ lẻ. Khi làm được điều này sẽ giảm thiểu khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc”, ông Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, để thuận lợi cho hình thành liên kết cơ sở nuôi trong vùng/khu vực và thực thi quy định về nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thì cần có vùng/ khu vực nuôi tập trung; trong khi các địa phương chưa công bố có quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung. Do đó, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 cho rằng, các địa phương cần thực hiện nhanh và công bố công khai thông tin, bởi đây là cơ sở pháp lý, điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp, cơ sở nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.
Điều đáng nói là, việc quy hoạch vùng nuôi thủy sản phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn, một là mở không gian lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn đầu tư vào nuôi biển, nhưng đồng thời cũng tạo không gian ổn định cho các ngành nghề nuôi biển quy mô nhỏ phát triển, tạo sinh kế cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng vùng ven biển. Tránh xu hướng tập trung, ưu tiên thu hút đầu tư vào nuôi biển quy mô lớn, nhưng lại thu hẹp và không có không gian biển cho nuôi quy mô vừa và nhỏ, nuôi đa dạng, nuôi truyền thống.
Thứ nữa, chúng ta cần cụ thể hóa những yêu cầu về thông tin truy xuất phù hợp với từng đối tượng sản xuất ban đầu, nhất là cơ sở nuôi và cung ứng nguyên liệu thủy sản sống. Về vấn đề này, các cơ quan quản lý của địa phương về ATTP, về thủy sản phải tích cực phổ biến, hướng dẫn quy định truy xuất nguồn gốc để các cơ sở thuộc phạm vi quản lý thấu hiểu và thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc không thể thiếu sự đồng hành và cộng hưởng của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp xuất khẩu là đơn vị thu mua và tiêu dùng nguyên liệu từ cơ sở nuôi nên phải là trung tâm điều hành và đầu mối thông tin truy xuất đối với thủy sản nuôi, theo đúng nguyên tắc truy xuất “một bước trước, một bước sau”.
“Doanh nghiệp phải đồng hành cùng với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở nuôi để triển khai quy định, thủ tục về truy xuất nguồn gốc tại cơ sở nuôi. Đồng thời, kết quả triển khai truy xuất nguồn gốc tại cơ sở nuôi phải gắn kết chặt chẽ, liền lạc với thủ tục truy xuất nguồn gốc tại cơ sở đóng gói và chế biến xuất khẩu theo đúng nguyên tắc một bước trước và một bước sau”, ông Lê Hoàng Lâm nói và cho biết, đối với các cơ quan quản lý từ Trung ương và địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác liên quan về các quy định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam và thị trường xuất khẩu.
Hiện nay chúng ta quan tâm nhất là thị trường Trung Quốc, nhưng thị trường này đang có thay đổi lớn quy định về truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường cập nhập quy định và triển khai nhanh chóng công tác phổ biến, hướng dẫn để các doanh nghiệp triển khai kịp thời, đáp ứng đầy đủ, đúng quy định của thị trường nhập khẩu, từ đó tạo thế chủ động, ổn định và phát triển bền vững hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản sống vào thị trường Trung Quốc.
Một khi chúng ta giữ vững và phát triển được thị trường tiêu thụ thì chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng kích thích nuôi trồng, kích thích sản xuất, chế biến và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và phát triển được thị trường mới.
Các bước làm thủ tục truy xuất
Theo Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3, để chứng minh tư cách pháp nhân và nguồn gốc xuất xứ, cơ sở nuôi phải thực hiện đúng Thông tư 17/2018 của Bộ NN-PTNT, theo đó, cơ sở nuôi cần kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu cam kết nuôi thủy sản đảm bảo ATTP quy định tại Thông tư 17/2018 của Bộ NN-PTNT, sau đó trình UBND xã, phường thẩm định, ký đóng dấu xác nhận. Bản cam kết này sẽ được cơ sở nuôi lưu giữ và sao gửi các đối tác thu mua nguyên liệu do cơ sở nuôi cung cấp để chứng minh sự tuân thủ pháp luật hiện hành, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, và là cơ sở để hai bên ký kết các thỏa thuận liên kết, thu mua nguyên liệu thủy sản…
Còn đối với cơ sở đóng gói, xuất khẩu thủy sản sẽ thực hiện theo Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT. Hồ sơ đăng ký thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP xuất khẩu được cơ sở được đăng ký công khai thông qua Dịch vụ công trực tuyến của Bộ NN-PTNT để các đơn vị thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp nhận và tổ chức thẩm định theo đúng quy định tại các thông tư nêu trên
Hiện nay, hoạt động thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cơ sở đóng gói, xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc do 3 cơ quan thực hiện. Cụ thể, khu vực phía Bắc là Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; khu vực Trung Bộ là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung bộ; khu vực Nam bộ là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam bộ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng kí hợp lệ, các cơ quan quản lý sẽ liên hệ cơ sở và tổ chức thẩm định tại hiện trường. Nếu điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở được đánh giá đáp ứng quy định của Việt Nam và Trung Quốc, cơ quan thẩm định sẽ ban hành quyết định chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cấp mã số cho cơ sở theo đúng quy định hiện hành.