Mỗi năm khai thác hàng triệu m3 gỗ rừng trồng
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 76.500ha. Hằng năm, địa phương này trồng mới trên 11.000ha rừng, sản lượng khai thác trên 1 triệu m3 gỗ rừng trồng (đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác).
Đặc biệt, Tuyên Quang hiện có trên 36.900ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (cao nhất cả nước) và tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65% (đứng thứ 3 cả nước).
Với lợi thế về rừng, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp khá hiệu quả. Nổi bật nhất là tỉnh triển khai các cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 8 nhà máy chế biến lớn đã đi vào hoạt động, gồm: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 130.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến gỗ Tuyên Quang 5.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ xã Thái Bình, huyện Yên Sơn 20.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Ha Hang 7.500 tấn sản phẩm/năm... Tổng vốn đầu tư là, của các công trình dự án là 1.328,6 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động vào tháng 1/2024.
Ngoài 8 nhà máy chế gỗ biến lớn, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn có trên 300 cơ sở chế biến lâm sản nhỏ do các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư sản xuất, đây là các vệ tinh quan trọng của các nhà máy chế biến gỗ lớn.
Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động chế biến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của cả nước. Khách hàng của Woodsland là các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như IKEA (Thụy Điển), Home Depot và Walmart (Mỹ), Tilling (Úc) và các khách hàng khác nữa. Doanh thu của Woodsland năm 2021 là trên 2,000 tỷ đồng.
Hiện nay, tổng diện tích mà Công ty Cổ phần Woodsland đã và đang liên kết, hợp tác để thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng từ 2015 đến nay là 28.051ha, bao gồm 5 Công ty TNHH Lâm nghiệp và 10 nhóm hộ gia đình.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Woodsland cho biết, khi doanh nghiệp triển khai phát triển dự án nhà máy chế biến gỗ và vùng nguyên liệu tại tỉnh Tuyên Quang, luôn được UBND tỉnh và ngành NN-PTNT quan tâm, đã ban hành các chính sách khá cụ thể để phát triển rừng bền vững.
Trong đó, có Nghị quyết 03 về hỗ trợ cây giống chất lượng cao; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, định hướng tới 2035, trong đó có các cơ chế, nội dung có liên quan tới phát triển, quy hoạch vùng trồng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Diện tích rừng trồng được quy hoạch là rừng sản xuất tại tỉnh Tuyên Quang khá lớn, được xếp là một trong những tỉnh có diện tích lớn của cả nước. Tỉnh Tuyên Quang cũng luôn khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp chế biến tới đầu tư tại địa phương.
Liên kết bền chặt, lợi ích lâu dài
Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy. Tỉnh đã sớm triển khai điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân 3 loại rừng, phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho 5 nhà máy chế biến lớn trong tỉnh với diện tích trên 200.000ha. Giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đào tạo lao động…
Nhờ odongf bộ các chính sách, ngành lâm nghiệp của Tuyên Quang tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm, GRDP ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt gần 2.000 tỷ đồng (đóng góp trên 4% giá trị tăng trưởng GRDP), tạo việc làm cho gần 40.000 lao động. Kinh tế rừng đang giúp hàng nghìn hộ dân ở Tuyên Quang có thu nhập khá và làm giàu. Một trong những thành công này phải kể đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng.
Hiện, giữa các công ty lâm nghiệp, 8 nhà máy chế biến gỗ và các HTX, nhóm hộ đã xây dựng được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng. Điển hình có Công ty Cổ phần giấy An Hoà có chính sách liên kết với hộ trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu giấy (đầu tư 21,097 tỷ đồng để hỗ trợ cây giống cho 2.130 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trồng 3.860 ha rừng trồng sản xuất); Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững (FSC) 18.017 ha rừng cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Mô hình hợp tác, liên kết giữa Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang với các tổ chức (Công ty TNHH Lâm nghiệp) và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được thực hiện khá thành công. Đến nay, Công ty đã chủ động liên kết hợp tác với 5 Công ty TNHH lâm nghiệp thuộc tỉnh với hình thức cùng đầu tư xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng để tạo vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Sau khi rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC/FM, Công ty trực tiếp thu mua lại sản phẩm gỗ rừng trồng để phục vụ chế biến gỗ. Bước đầu, việc hợp tác cùng thực hiện xây dựng các phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC) đã đạt được thành công.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các đơn vị mà công ty hợp tác, liên kết đã được tổ chức chứng nhận của FSC đánh giá và cấp cho 3 chứng nhận với tổng diện tích của 5 công ty lâm nghiệp quản lý là 11.462 ha rừng. Song song với việc hợp tác này, công ty cũng đã tài trợ kinh phí để hỗ trợ thí điểm 1 nhóm hộ gia đình tại huyện Yên Sơn với diện tích 1.460 ha.
Ông Nịnh Văn Lìn, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết, việc thực hiện ký kết các hợp đồng liên kết giữa các hộ dân và những công ty lớn là rất cần thiết, bởi vừa đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định lâu dài cho doanh nghiệp vừa đảm bảo sự yên tâm cho người trồng rừng. Với sự liên kết với Công ty Cổ phần Woodsland, người dân xã Tiến Bộ đã hình thành vùng rừng có chứng chỉ FSC lên đến 1.700ha. Việc trồng rừng đã giúp xã Tiến Bộ có khoảng 20 hộ thu tiền tỷ.
Phát triển lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo nên những khu rừng có chất lượng cao, năng suất vượt trội, từng bước tạo được vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung có chất lượng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ- HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2021. Kết quả sau 4 năm thực hiện chính sách, có 3.160 hộ gia đình được nhận hỗ trợ trên 7 triệu cây giống, tương đương diện tích 4.560ha.