| Hotline: 0983.970.780

Góc nhìn từ sự cố mất mùa ở Hà Tĩnh

Thứ Sáu 14/07/2017 , 08:05 (GMT+7)

Đã bước vào giữa vụ lúa hè thu, nông dân Hà Tĩnh phần nào nguôi ngoai thất bát khủng khiếp vụ đông xuân trước.

16-39-33_nh1
Giống Thiên ưu 8 tại Quảng Bình, Quảng Trị đạt năng suất hơn 3 tạ/sào

Ông cha ta đã đúc kết trong câu thành ngữ: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, SX nông nghiệp phải biết nhìn trời, ngó đất, không vì thời đại khoa học kỹ thuật công nghệ mà coi thường khí hậu, thời tiết, bài học đắt giá hơn 20 ngàn ha lúa đúng thời kỳ trổ bông, trong vòng chưa đầy tuần lễ bị bệnh đạo ôn cổ bông “nghiền” sạch, câu hỏi đặt ra: Do giống, do thời tiết hay do con người?!
 

Vì đâu nên nỗi

Lời chỉ trích gay gắt trước nạn mất mùa nghiêm trọng của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đối với ngành nông nghiệp tỉnh này là không kiểm soát được dịch bệnh, gây mất mùa nghiêm trọng. Theo ông Sơn, cần xem lại công tác quản lý nhà nước đối với ngành nông nghiệp như công tác quản lý, giống, cơ cấu thời vụ để có biện pháp xử lý. Mất mùa không chỉ có mỗi giống lúa Thiên ưu 8 mà cả các loại giống như P6, KD18, KD đột biến, NA2, Nhị ưu 383, HT1 và nhóm X..., trong đó Thiên ưu 8 là giống bị thiệt hại nặng nề nhất.

Nói về giống lúa Thiên ưu 8, đây là giống lúa có bản quyền thuộc sở hữu của Cty CP Giống cây trồng Trung ương, chọn tạo từ năm 2007… Năm 2014 một số tỉnh khu vực Bắc Trung bộ trong đó có Hà Tĩnh đã tiếp nhận giống lúa này về SX thử nghiệm, năng suất luôn đạt từ 65-70 tạ/ha, là giống ngắn ngày, tránh lũ hợp với thời tiết khu vực miền Trung, kháng trừ sâu bệnh tốt nên nông dân rất ưa chuộng.

Tháng 3/2015, Thiên ưu 8 được Bộ NN-PTNT công nhận, được phép lưu hành, SX đại trà ở các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung. Nhìn lại 2 năm 2015-2016, Hà Tĩnh đã đưa Thiên ưu 8 vào cơ cấu SX, năm 2015 gieo cấy trên tổng diện tích 4.196ha, năm 2016 gieo cấy trên 20.239ha, năng suất vụ xuân đạt 58-60 tạ/ha, vụ hè thu đạt từ 55-58 tạ/ha, cao vượt xa so các giống truyền thống.

Vụ xuân 2017, Hà Tĩnh đưa Thiên ưu 8 vào cơ cấu bộ giống chủ lực, nguồn giống Cty cấp là 762 tấn, bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ Nhà nước (tương đương SX 11.000-12.000ha). Ngoài ra còn một lượng giống khá lớn trong dân để giống từ vụ trước.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, cho biết, kể từ khi gieo cấy đến thời kỳ làm đòng, lúa đẹp mơn mởn, ai nấy chắc chắn năm nay sẽ được mùa to, không ngờ lúa trổ bông đúng vào giai đoạn thời tiết ẩm thấp (từ 18-25/3), mưa rét liên tục, chỉ sau một đêm sáng ra thăm đồng cả ruộng lúa bông héo dần, kiểm tra phát hiện thấy nơi cổ bông lúa bị một vòng nâu đỏ mờ, lúc đó mới tá hỏa ra lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông, lúc này nông dân mới thi nhau đổ xô ra đồng phun thuốc BVTV, nhưng càng phun lúa càng trắng bông.
 

Cần đánh giá khách quan

Hiện tại việc xác định nguyên nhân đang phải chờ các cơ quan chuyên môn tiến hành các thí nghiệm lây nhiễm nhân tạo để xác định có hay không chủng nòi mới của nấm gây bệnh đạo ôn cổ bông.

Liên quan đến ý kiến cho rằng do giống, phải khẳng định nguyên nhân này không loại trừ. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách khách quan rằng đã có sự sai khác khi so sánh điều kiện thời tiết, thời gian trổ, tỷ lệ nhiễm bệnh và năng suất lúa của Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận trong khu vực khi gieo cấy giống Thiên ưu 8. Theo đó, ngay trên địa bàn Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh cũng là địa phương gieo cấy khá lớn diện tích lúa Thiên ưu 8 (1.735ha). Ông Bùi Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, đặc thù sản xuất NN vụ xuân ở huyện thường hay bị gặp các đợt rét đậm, rét hại vào thời điểm cuối vụ nên lịch thời vụ gieo cấy được thực hiện sớm hơn 5 ngày so với các huyện khác trong tỉnh, lúa trổ sớm hơn tránh được đợt rét đậm. Vì thế các xã vùng Thượng được mùa giống Thiên ưu 8, còn các xã đồng bằng, ven biển do lúa trổ chậm hơn nên có một phần diện tích bị bệnh đạo ôn cổ bông gây mất mùa, cả Thiên ưu 8 và các giống lúa khác.

16-39-33_nh3
Sự cố lúa Hà Tĩnh nhiễm đạo ôn cổ bông cần đánh giá khách quan nguyên nhân

Giáp Hà Tĩnh, Quảng Bình được đánh giá được mùa Thiên ưu 8. Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh nói: Chưa bao giờ Quảng Bình được mùa to như vụ xuân năm nay, năng suất bình quân trên 60 tạ/ha. Đặc biệt, Thiên ưu 8 được chọn là một trong những giống lúa chủ lực của tỉnh đưa vào sản xuất đại trà. Cũng theo ông Hoài, mặc dù vụ xuân vừa rồi có một số ít diện tích bị nhiễm đạo ôn trên lá, nhưng nhờ phát hiện sớm và xử lý dứt điểm nên không ảnh hưởng đến sản lượng chung của tỉnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phấn khởi cho biết, lịch sử gần chục năm nay, vụ xuân 2017 Quảng Trị được mùa to. Chúng tôi cơ cấu 5 loại giống chủ lực, trong đó giống lúa Thiên ưu 8 gieo cấy hơn 3.000ha. Qua theo dõi cho thấy, giống lúa này phù hợp với khí hậu, thời tiết đất đai nên Thiên ưu 8 liên tục được mùa, đặc biệt không bị nhiễm sâu bệnh nên năng suất cuối vụ bình quân đạt từ 60 – 65 tạ/ha. Có nhiều diện tích đạt gần 70 tạ/ha.

“Nông dân Quảng Trị đã sản xuất giống Thiên ưu 8 hơn 3 năm nay và được ghi nhận đánh giá rất cao. Tôi nghe thông tin ngoài Hà Tĩnh mất mùa giống lúa này cũng hơi ngạc nhiên. Tại sao ở đây được mùa to mà ở Hà Tĩnh lại mất?”, ông Đồng nói.
 

Hỗ trợ nông dân

Sau sự cố dịch bệnh, các cơ quan chức năng từ Bộ NN-PTNT đến tỉnh, huyện, xã đều đã vào cuộc để thống kê thiệt hại, đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân. Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký trờ trình đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, giúp Hà Tĩnh 33.958.860.000đ để tỉnh sớm khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2017, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân. “Hà Tĩnh đang là tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương. Vì vậy, căn cứ cơ chế hỗ trợ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; kính đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 70% kinh phí từ ngân sách Trung ương, tương ứng với số tiền 23.771.200.000 đồng”, văn bản nêu.

Trước đó, Cty CP Giống cây trồng Trung ương hỗ trợ 400 tấn giống cho nông dân kịp thời sản xuất vụ hè thu.

Nói về nguyên nhân bước đầu gây nên dịch bệnh đạo ôn cổ bông ở Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong trả lời chất vấn cử tri (bằng văn bản), phân tích, trước hết là do thời tiết vụ xuân 2017 có nhiều biểu hiện trái với quy luật thời tiết của vùng. Các đợt không khí lạnh muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm và trùng với giai đoạn lúa trổ tập trung đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, hơn nữa tác động của các đợt không khí lạnh vào nửa cuối tháng 4, độ ẩm cao, kết hợp gió mùa Đông Bắc phổ biến cấp 3, 4 đã tạo điều kiện thuận lợi cho bào tử nấm nảy mầm, phát tán gây bệnh diện rộng.

Giống Thiên ưu 8 có đặc điểm trỗ nhanh, thời gian bắt đầu đến kết thúc chỉ trong vòng 5-7 ngày và trổ tập trung vào thời điểm 20 – 25/4, đúng vào giai đoạn thời tiết thuận lợi cho nấm phát sinh gây hại. “Nếu so sánh với điều kiện các địa phương khác trong vùng, thời gian trổ giống Thiên ưu 8 khác với Quảng Bình (từ 10 – 18/4); Quảng Trị (từ 10 – 15/4), trong khi các đợt không khí lạnh xuất hiện từ 20 – 22/4”, văn bản trả lời chất vấn nhấn mạnh.

16-39-33_nh2
Sự cố lúa Hà Tĩnh nhiễm đạo ôn cổ bông cần đánh giá khách quan nguyên nhân

Như vậy, để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh đạo ôn cổ bông ngoài yếu tố thời tiết, giống, cũng cần xem lại công tác quản lý, cơ cấu sản xuất, dự tính, dự báo dịch bệnh của ngành nông nghiệp tỉnh này. Bởi, theo phản ánh của người dân công tác dự báo sâu bệnh chậm, thiếu chính xác nên mới dẫn đến việc khi phát hiện bệnh thì chỉ mấy ngày sau trên 20.000ha lúa bị “ngốn” sạch.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm