| Hotline: 0983.970.780

Góp ý Dự thảo Luật Trồng trọt

Thứ Ba 05/12/2017 , 13:41 (GMT+7)

Vừa qua, tại Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Trồng trọt”...

lu160018463
Công tác khảo kiểm nghiệm giống còn lắm nhiêu khê. Ảnh: Nguyễn Quốc Việt

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Sở NN-PTNT các tỉnh miền núi phía Bắc, các trường đại học nông lâm, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, phân bón...
 

Tạo hành lang pháp lý liên quan đến trồng trọt

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã giới thiệu về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt cũng như những điểm mới của dự thảo luật này. Theo đó, dự thảo Luật gồm 7 chương và 126 điều.

Chương I: Quy định chung, gồm 7 điều từ điều 1 đến điều 7.

Chương II: Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch phát triển trồng trọt, gồm 5 điều từ điều 8 đến điều 12.

Chương III: Giống cây trồng, gồm 8 mục 62 điều, từ điều 13 đến điều 74.

Chương IV: Phân bón, gồm 5 mục 18 điều, từ điều 75 đến điều 92.

Chương V: Canh tác, gồm 8 mục 26 điều, từ điều 93 đến điều 118.

Chương VI: Bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm trồng trọt, gồm 7 điều từ điều 118 đến điều 124.

Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều từ 125 đến 126; Hiệu lực thi hành; Điều khoản chuyển tiếp.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, sản xuất trồng trọt đang phát triển theo hướng hàng hóa, một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của toàn ngành có 7 mặt hàng từ trồng trọt là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu.

Về hành lang pháp lý trong lĩnh vực trồng trọt, hiện đang thi hành Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 24/3/2004, Nghị định của Chính phủ về quản lý phân bón và các văn bản QPPL có liên quan. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, các văn bản này đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Bởi vậy, mục đích xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng thị trường.

Về mặt hệ thống trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT hiện nay đã có các luật được ban hành như: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý của ngành thì việc xây dựng và trình ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết.
 

Giảm thời gian công nhận giống

Theo Dự thảo Luật, việc công nhận, đăng ký lưu hành giống cây trồng và phân bón được tiến hành ở cả hai hình thức: vừa công nhận giống mới với giống cây trồng chính, vừa đăng ký lưu hành với giống cây trồng không phải giống cây trồng chính. Phân bón cũng được đăng ký lưu hành qua kiểm nghiệm với phân N, P, K đơn và NPK hỗn hợp và phân hữu cơ; các phân khác thì buộc phải qua kiểm nghiệm.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung phần bảo hộ giống cây trồng vào quản lý giống để đảm bảo thống nhất được quy định giữa hai nội dung này, góp phần làm giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung này cần xin ý kiến để Quốc hội thống nhất bãi bỏ chương bảo hộ giống đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, nay đề nghị chuyển sang quy định tại Luật Trồng trọt.

Dự thảo Luật cũng quy định thay đổi quy trình khảo nghiệm giống cây trồng, giảm thời gian công nhận giống. Cụ thể sẽ giảm trừ 2 giai đoạn khảo nghiệm trước đây (công nhận sản xuất thử sau đó mới công nhận chính thức), nay được giảm xuống chỉ còn một giai đoạn nhưng được bổ sung thêm số điểm kiểm nghiệm, bỏ các Hội đồng cơ sở, chỉ còn một Hội đồng giống quốc gia.

Về vùng sinh thái, dự thảo Luật công nhận giống cũng đã được xem xét thu gọn: thay vì phải công nhận giống ở 7 vùng sinh thái như trước đây, nay chỉ quy định công nhận giống tại 3 vùng chính là miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Quy định bổ sung việc khảo nghiệm các tính trạng chống chịu với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất thuận trong điều kiện đồng ruộng và điều kiện có kiểm soát.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Cục Trồng trọt cũng như Ban soạn thảo xây dựng dự thảo luật này đã tạo hành lang pháp lý, nêu lên nội hàm tất cả các vấn đề liên quan đến trồng trọt. Đặc biệt 2 lĩnh vực giống và phân bón chưa được luật hóa đã được đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn việc xây dựng Luật, ngoài đáp ứng yêu cầu quản lý thì phải phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta.

Ông Nguyễn Hồng Sơn thay mặt Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, sớm trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua, dự kiến vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018.

Nên bỏ các thủ tục công nhận giống cho sản xuất

+ Bỏ tái kiểm định giống sau 5 năm

Nông dân Việt Nam hiện nay đã có đủ trình độ để quyết định việc có sử dụng giống hay không khi họ tham quan các mô hình trình diễn do tác giả tiến hành (bao giờ cũng có những trình diễn này do tác giả hoặc hệ thống khuyến nông các cấp) do vậy không cần thiết việc bắt buộc phải công nhận mới được đưa vào cơ cấu sản xuất của địa phương.

Với đặc trưng là nền kinh tế thị trường hiện nay thì nếu quy định giống được công nhận mới cho lưu hành trong sản xuất như vậy nếu giống được công nhận nhưng khi ra sản xuất làm cho nông dân mất mùa thì ai là người chịu trách nhiệm. Mặt khác nhiều giống sau khi được công nhận không được sản xuất chấp nhận thì gây lãng phí về thời gian, tiền của cho công tác công nhận giống của cơ quan quản lý chuyên ngành. Các công ty trước khi đưa giống ra sản xuất đã khảo nghiệm và sản xuất thử do vậy nên để họ tự chịu trách nhiệm. Chỉ nên quản lý chất lượng giống (chất lượng gieo trồng) và tiêu chuẩn giống (giống đáp ứng các điều kiện là một giống mới – Khác biệt, đồng nhất và ổn định).

Việc cấp phép lưu hành giống cũng như thời hạn 5 năm của hiệu lực quyết định công nhận giống nên bỏ vì: Nếu sau 5 năm tác giả không cần công nhận lại, thì người sản xuất là người vi phạm vì đã sản xuất giống không có trong danh mục công nhận (hết thời hạn hiệu lực của quyết định công nhận giống, vi phạm khoản 1 Điều 31). Trường hợp này cơ quan quản lý chuyên ngành có bắt những người vi phạm luật (nông dân) phải thực hiện luật là phá bỏ giống đang trồng đi không? Những cây công nghiệp (chè, cao su…), cây ăn quả có thời gian hàng mấy chục năm đưa ra thời hạn quyết định 15 năm thì người trồng có phải phá đi nếu không được công nhận lại không?

Nếu vẫn thấy cần thiết là giống cây trồng phải được công nhận mới cho phép sản xuất thì đề nghị Ban soạn thảo tính thời gian và tiền đã chi cho các khâu từ: Nghiên cứu chọn tạo được một giống - Khảo nghiệm – Làm các thủ tục công nhận – Thủ tục xin quyết định cho phép lưu hành giống – trình Hội đồng giống quốc gia thẩm định phê duyệt – Cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành quyết định cho phép lưu hành. Lưu ý là Hội đồng giống quốc gia chỉ có 7 thành viên (Điều 34) cho tất cả các loại giống và 3 tháng mới họp một lần; ngoài ra quyết định này chỉ có hạn trong 5 năm và 15 năm, hết thời gian này muốn được công nhận lại liệu tác giả có lại phải tiếp tục hành trình như trên?

Nguyễn Thanh Minh

(Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng)

Về khảo nghiệm giống cây trồng

Không nên có cách tiếp cận vấn đề khảo nghiệm theo các quy định như thể hiện trong dự thảo. Khảo nghiệm giống cây trồng (đặc biệt là khảo nghiệm DUS) là một hoạt động cần đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong đó nhà nước là chủ đạo. Khảo nghiệm DUS cần kỹ năng đối với cán bộ thực hiện khảo nghiệm do đó khảo nghiệm sẽ dần được hoàn thiện theo thời gian với việc cần tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn. Nếu quy định các điều kiện như trong dự thảo thì các quốc gia có hệ thống khảo nghiệm DUS hàng đầu thế giới như Hà Lan, Đức, Nhật Bản cũng không đủ điều kiện. Nếu thanh tra Việt Nam vào các cơ quan khảo nghiệm của các quốc gia này cũng vẫn phạt họ được nếu áp khoản 4 điều 25 trong dự thảo Luật. Lưu ý là công tác khảo nghiệm DUS của các quốc gia nêu trên được xây dựng từ rất lâu đời và được nhà nước đầu tư hoàn toàn (Hà Lan, Đức từ 1961; Nhật Bản từ 1981). Quy định như vậy chỉ làm cho Luật không thể đi vào cuộc sống mà sẽ làm tan vỡ hệ thống.

Nhìn chung về bố cục quá bất hợp lý giữa các phần: Chương giống thì quá chi tiết trong khi các chương khác thì quá sơ sài. Chẳng hạn vấn đề bảo quản, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm trồng trọt (Chương 6) là quan trọng nhất cần quan tâm vì lĩnh vực này đang là mối quan tâm của xã hội. Chương III về giống cây trồng có phần bảo hộ giống cây trồng được sao chép y nguyên một số Điều từ Luật Sở hữu trí tuệ song lại thiếu rất nhiều điều và nhiều khái niệm nhầm lẫn nghiêm trọng.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm