| Hotline: 0983.970.780

GS Nguyễn Bảo Vệ - Mở được nền tảng, nghĩ nhiều điều hay

Thứ Sáu 04/12/2020 , 08:10 (GMT+7)

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ) là nhà khoa học gắn bó, rất thân thiện với bà con nông dân và các địa phương ở ĐBSCL...

GS Nguyễn Bảo Vệ. Ảnh Lê Hoàng Vũ.

GS Nguyễn Bảo Vệ. Ảnh Lê Hoàng Vũ.

Hàng tuần, trên một số Đài Truyền hình, ông đã chia sẻ nhiều thông tin, chuyên đề rất hữu ích và dễ hiểu cho bà con nông dân và ngành nông nghiệp. Nhân dịp Báo Nông nghiệp Việt Nam kỷ niệm 75 năm, Giáo sư đã có cuộc chia sẻ riêng.

Thưa Giáo sư, ông có thể chia sẻ đôi chút về truyền thông truyền tải kiến thức đến nhà nông?

Trước đây nông dân chỉ có cái radio. Đối với radio thì nông dân chỉ nghe mà không thấy được, nhưng nó cũng đã hỗ trợ cho nông dân khá hiệu quả. Bà con nghe radio rồi cũng làm được theo hướng dẫn.

Sau này khi có ti vi, từ trắng đen đến màu, nông dân không chỉ nghe mà còn thấy được hình ảnh. Ví dụ, hồi trước mình nói đến một bệnh hay con côn trùng thì bà con nông dân chỉ nghe rồi tự tưởng tượng ra. Bây giờ nhờ có những hình ảnh, nông dân thấy tận mắt nên dễ hiểu hơn.

Nhưng mà ti vi vẫn có những hạn chế, muốn xem lại phải canh chờ. Từ khi có internet, điện thoại thông minh, đã khắc phục được nhược điểm này. 

Bây giờ Báo Nông nghiệp Việt Nam của mình có cả online, nông nghiệp ti vi. Nông dân có điện thoại muốn xem cái gì thì họ có thể tìm lại để xem.

Hiệu quả trong việc truyền tải thông tin khuyến nông qua các phương tiện truyền thông ngày càng hỗ trợ một cách tích cực cho người nông dân. Nhờ có phương tiện truyền thông rất hiện đại như thế này mà gần như mọi người đều có thể xem được.

Đấy là một điều mà tôi cho là rất hiệu quả trong công tác nông nghiệp. Thành tựu trong nông nghiệp của mình rất ngoạn mục thời gian vừa qua. Trong đó có sự đóng góp của các phương tiện truyền thông mà điển hình là Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Giáo sư suy nghĩ thế nào về sự truyền tải kiến thức tới người nông dân?

Tôi hay nói rằng làm nông là một nghề nhưng nông dân bị nhiều thiệt thòi, cái nghề không được đi học một cách chính thức.

Tôi cũng thường nghe nói nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Chẳng hạn như đại dịch Covid-19 vừa qua, nhưng ai là người làm cái này. Người nông dân làm ra sản phẩm này, nhưng thử hỏi bao nhiêu người được đào tạo bài bản. Ở đây gần như là cha truyền con nối hoặc tự mình tìm tòi nên thiếu hẳn một cái gọi là hướng dẫn.

Xuất phát từ cái đó mà tôi nghĩ rằng, mình có điều kiện đào tạo một cách chánh quy từ ở ghế nhà trường, bậc đại học, rồi thạc sỹ, tiến sỹ. Tức là mình có điều kiện tiếp cận những cơ sở khoa học để làm nông nghiệp tốt. Bây giờ người nông dân thiếu hẳn nền tảng này.

Vì vậy, tôi luôn trăn trở làm sao phải chuyển tải những thành tựu về khoa học, làm sao tiếp cận vô đồng ruộng cho nông dân. Tiếp cận vô đồng ruộng rồi thì phải chuyển tải cái đó cho nông dân có thể hiểu và làm được.

Giáo sư Nguyễn Bảo Vệ: 'Xu hướng của tôi là hướng dẫn về nền tảng khoa học, còn kỹ thuật để họ tự sáng tạo ra giải quyết yêu cầu khoa học đó'.

Giáo sư Nguyễn Bảo Vệ: "Xu hướng của tôi là hướng dẫn về nền tảng khoa học, còn kỹ thuật để họ tự sáng tạo ra giải quyết yêu cầu khoa học đó".

Tôi lúc nào cũng nghĩ như thế này, người nông dân thiếu nền tảng khoa học nhưng họ rất sáng tạo trong công việc. Vì vậy, xu hướng của tôi là hướng dẫn về nền tảng khoa học, còn kỹ thuật để họ tự sáng tạo ra giải quyết yêu cầu khoa học đó.

Với cách phối hợp này tôi thấy người nông dân đang làm rất tốt. Người nông dân thiếu nền tảng chứ không phải kỹ thuật. Chẳng hạn mình nói sạ hột lúa như thế nào để nó có thể bám đất tốt. Mình nói trên nền tảng khoa học thôi, người nông dân tự nghĩ ra được kỹ thuật để đáp ứng được điều đó.

Trong khuyến nông của mình qua các phương tiện truyền thông cố gắng chuyển tải nền tảng khoa học thay vì nói những kỹ thuật đơn thuần.

Giáo sư góp ý gì cho tờ báo ngành Nông nghiệp và những người làm báo viết về nông nghiệp?

Bây giờ cách chuyển tải của Báo Nông nghiệp Việt Nam rất cải tiến. Ngày xưa chỉ có tờ báo giấy đưa cho nông dân họ có thể xếp lại để dành xem nhưng không phải ai cũng có. Cái dễ dàng nhất bây giờ là internet nên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chuyển qua nhiều hình thức, nhiều kênh, thông tin, hình ảnh đều được lưu trữ trên mạng. Đó là một bước tiến của Báo.

Tôi rất hoan nghênh cách chuyển tải được cập nhật mới như thế này, nhưng mà tôi cũng chú ý thêm phần nội dung.

Như tôi đã nói, nội dung mình đưa về mặt kỹ thuật nhưng cũng cần khai thác sâu về nền tảng khoa học. Người nông dân thiếu hẳn nền tảng nên ngay cả các nhà khoa học cộng tác cũng cần phải chuyển tải cho nông dân, cũng suy nghĩ cách đưa những nền tảng cơ sở. Bây giờ chỉ cần mở ra được nền tảng đó cho nông dân thì họ tức khắc nghĩ ra được rất nhiều cái hay.

Thứ hai, Báo Nông nghiệp Việt Nam là một kênh truyền thông chính thống. Bây giờ bùng nổ thông tin như thế này, thông tin qua những lăng kính rất khác nhau. Một tin đó mà đứng ở góc độ lăng kính này sẽ phân tích khác. Một góc độ khác thì sẽ cho ra màu sắc khác.

Tôi có kỳ vọng Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa những thông tin này không qua một lăng kính nào. Có những cái cần tìm thông tin thì tôi lên mạng vào Báo Nông nghiệp Việt Nam là hoàn toàn yên tâm. Có nghĩa là thông tin đó chính thống không qua lăng kính nào. Ở Báo Nông nghiệp Việt Nam tôi thấy được cái đó.

Ngay cả các nhà khoa học cũng xem những thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Đâu phải ai trong ngành cũng hiểu được hết nên cần phải tham khảo. Thời gian qua Báo Nông nghiệp Việt Nam làm tốt cái này rồi, tôi kỳ vọng giữ vững giá trị đó.

Thứ ba, Báo có đưa tin nhưng cố gắng không đưa tin theo dạng phong trào. Phong trào thì biết rồi, có thể bơm nó lên, bơm xuống nên tôi rất buồn khi nghe nông dân nói “khuyến cáo cái gì đó nhiều thì làm ngược lại hay hơn, trúng hơn”. Nói cái đó thì mình rất buồn, nhiều khi những cái phong trào mình đẩy nó lên người ta nghe đó rồi làm. Kỳ vọng của tôi là mình sẽ có những phân tích để người nông dân hiểu được những mặt được, mặt chưa được một cách chân phương để họ tự chọn lựa.

GS Nguyễn Bảo Vệ là nhà khoa học rất gần gũi thân thiết với nông dân ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

GS Nguyễn Bảo Vệ là nhà khoa học rất gần gũi thân thiết với nông dân ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

Giáo sư có thể chia sẻ đôi chút về những kỷ niệm của ông với Báo Nông nghiệp Việt Nam?

Tôi nhớ cách đây chắc gần 20 năm rồi, lúc đó có một chương trình ở bên tỉnh Trà Vinh sản xuất lúa giống. Năm đó có chủ trương làm giống lúa ở vụ đông xuân để lấy giống cho vụ hè thu. Năm đó, ĐBSCL cũng bị xâm nhập mặn, nếu như để nước mặn xâm nhập vô đồng ruộng thì sẽ chết lúa. Vậy là phải canh con nước, nửa đêm mới có con nước. Tối đó có phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tham gia cuộc chiến này.

Tôi nói, thôi anh em ngủ đi để tôi ra canh, nhưng anh em đâu có chịu, muốn đi coi thực tế. Lúc đó, thân bơm của một hệ thống cống nằm tuốt ở đáy kênh, sâu khoảng 3 thước nước. Mà muốn lấy được nước ngọt thì phải múc sâu ở dưới 3 thước nước. Khi đó, 12 giờ đêm trời rất lạnh, anh em Báo Nông nghiệp Việt Nam nói, thầy để cho em trải nghiệm. Anh em xông xáo nhảy xuống lặn múc nước, hỡi ơi ta nói mình mẩy ướt nhem.

Tôi luôn nghĩ cánh phóng viên họ tác chiến rất tốt, luôn muốn tiếp cận với thực tế để thông tin sát thực.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm