Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên trên địa bàn thôn Muỗi của xã Yên Bài vào ngày 14/4/2019 và lan nhanh, hiện toàn huyện có khoảng 10.000 con đã phải tiêu hủy và tốc độ vẫn không có dấu hiệu bị chững lại.
Kéo lợn đem đi chôn. |
Lượng lợn chết rất lớn mỗi ngày khiến cho nhiều xã lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu đất để chôn lấp, nhiều buổi tiêu hủy trở thành một sự kiện nóng giống như giải phóng mặt bằng vậy.
Như mới đây, người dân ở thôn Cơ Giới, xã Thụy An đã tập trung đông người để quyết liệt phản đối việc chính quyền xã tổ chức chôn hơn 6 tấn lợn mắc dịch của gia đình Lê Thị Nhung ngay trong khu vườn rộng hơn 500m2 nhà chị. Đại diện của người dân cho hay họ không đồng ý khi một lượng lớn lợn dịch lại chôn gần khu dân cư (cách khoảng 15-20m), gần các giếng nước sinh hoạt của các hộ như vậy, liệu sau này có bị rò rỉ gây ô nhiễm hay không.
Còn trả lời với báo giới, ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết việc chôn lấp này thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ để dịch không lây lan, quá trình chôn lấp cũng rất cẩn thận khi có lớp bọc bên ngoài và đổ nhiều hóa chất. Dù việc chôn lợn dịch gần nhà dân là không đúng theo quy định về khoảng cách chôn lấp động vật dịch bệnh do Bộ NN-PTNT quy định nhưng theo ông Nguyên bởi huyện chưa có quy hoạch chôn lấp rõ ràng, nếu không chôn ở vườn nhà dân thì còn biết chôn ở đâu nữa?
Không chỉ xã Thụy An thiếu đất để chôn lợn mà còn nhiều địa phương khác của huyện Ba Vì cũng lâm vào tình trạng này. Anh Hứa Bá Trình - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Có hai biện pháp tiêu hủy gia súc bệnh, thứ nhất là chôn, thứ hai là đốt nhưng việc đốt là không thể thực hiện được nên chỉ còn có cách chôn. Hiện có khoảng 21-22 xã trong huyện đang gặp khó khăn vì thiếu nơi chôn lấp.
Rắc vôi bột khử trùng trước khi đem lợn đi chôn. |
Nguyên nhân thứ nhất là chưa có quy hoạch cho việc bố trí quỹ đất chôn lấp gia súc, gia cầm khi bị dịch bệnh.
Thứ nữa là lợn chết rải rác, ví dụ như một xã có 500 hộ chăn nuôi thì nay lợn chết ở 2-3 nhà, mai lại chết ở 2-3 nhà khác. Theo quy định khi lợn chết dịch phải chôn trong vòng 24 giờ nên vẫn phải đào một hố để chôn, từ đầu dịch đến giờ mấy tháng liền thì cả xã cần đến hàng trăm hố, lấy đất đâu ra? Bởi chôn lợn bệnh sát khu dân cư nên dân tình phản đối rất nhiều…
Ngay cả quy định của các ban ngành cũng vênh nhau, như theo Thông tư 07 của Bộ NN-PTNT chỗ chôn lấp gia súc bệnh phải cách nhà dân 30m nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại hướng dẫn khoảng cách xa hơn nên địa phương cũng chẳng biết nghe theo bên nào nữa.
Chuyện khủng hoảng thiếu đất chôn lấp ngoài Ba Vì còn diễn ra ở nhiều huyện khác nhất là trong bối cảnh mỗi ngày thành phố phải tiêu hủy trên dưới 10.000 con lợn, nâng tổng số phải hủy từ đầu dịch đến giờ khoảng hơn 250.000 con lợn trên tổng đàn gần 2 triệu con.