| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Người dân lo mất nghề mưu sinh vì cấm chăn nuôi trong đô thị

Thứ Tư 19/08/2020 , 06:13 (GMT+7)

Sau khi Hà Nội có quy định cấm chăn nuôi trong đô thị, người dân như ngồi trên “đống lửa”, trong khi chính quyền loay hoay tìm cách triển khai chính sách cho phù hợp.

Đàn trâu chăn thả dưới chân cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Ảnh: Hưng Giang.

Đàn trâu chăn thả dưới chân cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Ảnh: Hưng Giang.

Sống nhờ chăn nuôi

Từ ngày 1/8, Hà Nội áp dụng Nghị quyết 02 chấm dứt chăn nuôi trong đô thị, quy định này khiến nhiều người chăn nuôi rơi vào tương lai “bất định”, nhiều hộ dân đứng giữa ngã 3 đường không biết tiếp tục chăn nuôi hay dừng hẳn, hoặc chuyển đổi sang nghề nghiệp khác.

Ông Nguyễn Văn Tiến, 60 tuổi, ở phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) có thâm niên nuôi trâu hơn 30 năm ở bãi bồi ven sông Hồng. Hiện đàn trâu của ông Tiến có hơn 200 con đang chăn thả dưới chân cầu Vĩnh Tuy, ông hoang mang, lo lắng khi nghe tin chính quyền thành phố quyết định chấm dứt chăn nuôi trong đô thị.

“Kinh tế gia đình tôi sống nhờ vào đàn trâu này, nếu cấm thì gia đình tôi đói luôn. Tôi năm nay hơn 60 tuổi rồi, ai người ta thuê mướn vợ chồng già như chúng tôi nữa. Gia đình tôi rất tiếc khi không được chăn nuôi nữa, nhưng đây là chủ trương, chính sách của Nhà nước thì phải chấp hành.

Nếu cấm thì địa phương phải có giải pháp, lộ trình di chuyển đàn trâu cho hợp lý còn bắt tôi di chuyển ngay không thể được. Nhà nước tạo điều kiện giãn nợ ngân hàng, tạo điều cho gia đình tôi có chỗ ăn, ở, việc làm ổn định”, ông Tiến nói trong tiếc nuối.

Gia đình ông Tiến không có đất nông nghiệp để sản xuất, chỉ sống ở bờ sông bãi bến kiếm sống nhờ nuôi trâu, 2 con trai ông không có nghề nghiệp ổn định. Trong khi đó ông vẫn đang nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tiến, so với trồng trọt thì chăn nuôi lợi nhuận cao hơn nhiều, trồng cây ăn quả khi mới ra hoa, đơm quả thì mưa đá, gió rét rụng sạch, còn trồng cây ngắn ngày thì bắt đầu vào vụ thu hoạch nước ngập hết. Nếu có hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cũng không học được, do tuổi già không còn tiếp thu nhanh, nghề không phù hợp nữa.

Người chăn nuôi Hà Nội lo lắng trước quy định cấm chăn nuôi trong độ thị. Ảnh: Hưng Giang.

Người chăn nuôi Hà Nội lo lắng trước quy định cấm chăn nuôi trong độ thị. Ảnh: Hưng Giang.

Còn anh Nguyễn Văn Long, tổ dân phố 22 (phường Long Biên) đang nuôi 40 con lợn. Trước đây anh Long nuôi lợn ở trong làng, thấy bẩn quá, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống trong khu dân cư nên chuyển ra vùng bãi. Song ra nuôi chưa được bao lâu thì thành phố lại cấm, trong khi nợ tiền thức ăn, tiền thuê đất… anh chưa trả được.

Anh Long chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi đang trông vào đàn lợn nuôi 40 con. Khu vực nuôi ngoài bến bãi, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường. Tôi không làm được nghề gì nên phải nuôi lợn thôi, vừa chống thất nghiệp lại tận dụng nguồn thức ăn thừa.

Tôi đã gắn bó với con gà, đàn lợn quen rồi, cấm thì tôi sẽ bán hết đàn lợn và để đất trống thôi. Chúng tôi mới học hết lớp 4 thì đi xin việc ai nhận nên vẫn chưa định hướng được nghề gì cả. Tương lai phía trước khá mờ mịt”.

Giống như người chăn nuôi trong nội đô, những người dân ngoại thành Hà Nội cũng đang loay hoay khi chưa chọn được nghề nghiệp để thay đổi. Anh Hoàng Văn Dương, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) đang nuôi 20 con lợn, hoang mang, buồn bã trước quy định chấm dứt chăn nuôi trong thị trấn.

"Tôi đi làm bảo vệ 10 năm lương không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên phải quay về chăn nuôi. Hai vợ chồng không công ăn việc làm gì cả, 2 con nhỏ đang học tiểu học, còn mẹ già 80 tuổi nữa chỉ biết trông chờ vào đàn lợn.

Muốn nuôi lợn để con cái được học hành đến nơi đến chốn, nếu mà thành phố cấm thì gia đình tôi sẽ rất khó khăn, không biết xoay xở thế nào để đảm bảo cuộc sống. Pháp luật của Nhà nước thì mình phải chấp hành thôi, nhưng phải có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn, việc làm phù hợp cho người dân", anh Dương nói.

Loay hoay tìm hướng đi mới

Theo UBND phường Long Biên (quận Long Biên), trên địa bàn đang có hơn 30 hộ đang chăn nuôi, trước năm 2019 rất nhiều người nuôi lợn trong khu dân cư.

Nhờ  tuyên truyền, nhiều chính sách hỗ trợ, kể cả hỗ trợ bằng vật chất nên số hộ chăn nuôi đã giảm hẳn, đến cuối năm 2020 sẽ chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư. Đối với khu vực ngoài bến bãi, lộ trình đến hết năm 2021 không còn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND phường Long Biên cho biết: “Đa số các hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn, nếu có điều kiện chẳng ai chăn nuôi làm gì. Các hộ dân có độ tuổi từ 50-60 nên tuyên truyền họ bỏ chăn nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp là không đơn giản.

Chúng tôi cũng đang trông chờ vào các chỉ đạo, định hướng của cấp trên để giải quyết công ăn, việc làm cho người dân một cách phù hợp. Phải nói là, chính sách xóa bỏ chăn nuôi trong nội thành, nội thì là đúng đắn, vấn đề là triển khai như thế nào, lộ trình ra sao và các chính sách đi kèm để chính sách có thể triển khai vào cuộc sống và người dân chấp nhận được”.

Cũng theo ông Kiên, trường hợp cấm hết chăn nuôi thì người dân sinh sống bằng gì, con cái họ sẽ thế nào. Nhận thức và am hiểu pháp luật họ không cao nên họ cũng không nhất trí và ủng hộ ngay. Nếu mà dừng chăn nuôi thì đất đấy làm gì, chẳng lẽ bỏ hoang rất lãng phí?

Chuyển đổi nghề nghiệp đối với họ là quá khó, họ là nông dân thuần túy, không có bằng cấp gì đi xin việc ai nhận, cái này không đơn giản chút nào. Nhu cầu, năng lực của người ta có đáp ứng được không khi đi học nghề?

Các hộ chăn nuôi lợn đang loay hoay tìm hướng đi mới phù hợp sau quy định cấm chăn nuôi trong đô thị. Ảnh: Hưng Giang.

Các hộ chăn nuôi lợn đang loay hoay tìm hướng đi mới phù hợp sau quy định cấm chăn nuôi trong đô thị. Ảnh: Hưng Giang.

Trước bài toán việc làm sau quy định cấm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) nhấn mạnh: "Mình không thể cấm hoặc ép người dân chăn nuôi một vài con được. Bản chất ở đây là nông thôn, các khu trang trại người dân chủ yếu ươm cây giống nên nuôi tăng gia vài chục con gà, vài con lợn theo kiểu tận dụng cơm thừa canh cặn thì không thể cấm được hết.

Người ta là nông dân, chăn nuôi đã ăn sâu vào tiềm thức bây giờ cho người ta đi học cái gì nữa họ cũng không thích, cho nên chuyển sang nghề khác không dễ đâu. Phải tuyên truyền dần dần để người dân họ nhận thức và tự chuyển đổi thôi".

Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn huyện gần 30.000 con; tổng đàn trâu, bò hơn 7.000 con; đàn gia cầm hơn 300.000 con. Huyện Gia Lâm có 2 thị trấn cấm chăn nuôi là thị trấn Yên Viên hiện có 5 hộ chăn nuôi, thi trấn Trâu Quỳ có 26 hộ chăn nuôi.

Ông Hoàng cho rằng, quy định cấm chăn nuôi trong độ thị phù hợp với thực tế địa phương, đa số người dân hưởng ứng, đồng tình. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02 sẽ rất khó khăn.

Thứ nhất, chỉ hỗ trợ cơ sở giáo dục, chứ không chi trả hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi đi học, chuyển đổi nghề nghiệp. Thứ hai, người chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ nên hỗ trợ vay vốn cực kỳ khó tiếp cận, đòi hỏi phải có hồ sơ, chứng từ rất phức tạp. Việc thực hiện phải từng bước, có lộ trình và tuyên truyền, vận động chứ không thể cấm ngay được.

Theo Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, khu vực không được phép chăn nuôi gia sức gia cầm, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm, được quy định gồm các phường của các quận thuộc thành phố Hà Nội; 4 phường Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi (thị xã Sơn Tây); các thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), Phùng (huyện Đan Phượng), Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), Trâu Quỳ, Yên Viên (huyện Gia Lâm), Văn Điển (huyện Thanh Trì); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thời hạn di dời hoặc chấm dứt hoạt động cơ sở chăn nuôi là từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/12/2023.

Để hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định hình thức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ chi phí học nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.