| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác nuôi lợn an toàn sinh học

Thứ Ba 16/05/2017 , 14:35 (GMT+7)

Giữa cơn khủng hoảng giá lợn lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, vẫn có một bộ phận chăn nuôi nông hộ tồn tại, thậm chí phát triển khá ổn định nhờ liên kết theo chuỗi và chăn nuôi bằng cám sinh học.

09-03-06_20160917_143319
Liên kết theo chuỗi là hướng đi hiệu quả bền vững với chăn nuôi lợn nông hộ

Trong tất cả các mô hình chăn nuôi lợn hiện nay, nhóm chăn nuôi nông hộ đang có giá thành cao nhất so với chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn. Do quy mô chăn nuôi nhỏ (thường vài chục đến 100 con), không chủ động được từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến quản lý chuồng trại, thú y nên chăn nuôi nông hộ thường có tỉ lệ hao hụt lớn, chi phí cao nên trong đợt khủng hoảng giá lợn hiện tại, những hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ bằng cám công nghiệp là chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Mặc dù hình thành chưa lâu cũng như chưa nhiều, song thực tế từ cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ ra rằng, các chuỗi hay mô hình chăn nuôi lợn sinh học, chăn nuôi hữu cơ liên kết theo chuỗi khép kín cho thấy là hướng đi hiệu quả, bền vững với người nông dân trong bối cảnh chăn nuôi ngày càng cạnh tranh khó khăn, khắc nghiệt.

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, ở cụm 5, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chia sẻ, trước đây gia đình ông nuôi lợn theo hình thức công nghiệp nên thường xuyên lúc được lúc thua do giá lợn hơi biến động mạnh. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường, mùi hôi do chăn nuôi lợn gây ra ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình hàng xóm.

Cách đây một năm, thông qua hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội và UBND huyện Phúc Thọ, gia đình ông và một số hộ dân khác quyết định chuyển sang nuôi 80 nái và trên 100 lợn thịt theo mô hình cám sinh học.

Cái được lớn nhất theo ông Thỉnh, khi chuyển sang nuôi lợn bằng cám sinh học là hạn chế mùi hôi thối, đầu ra sản phẩm khá ổn định do có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, nên dù hiện giá lợn hơi công nghiệp xuống sâu nhưng sản phẩm lợn sinh học của ông Thỉnh và các hộ dân trong mô hình vẫn bán được giá bình quân 35.000 đồng/kg.

Đến lúc này, ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) mới thấy quyết định chuyển một phần lợn của trang trại sang chăn nuôi theo mô hình sinh học là đúng đắn. Trước đây, HTX Hoàng Long được biết đến là một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất tại Thủ đô khi sản lượng/nái/năm cũng như giá thành sản xuất ngang ngửa với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Long nhận thấy việc làm chủ khâu con giống, thức ăn và chăn nuôi thôi chưa đủ, bởi khâu giết mổ, chế biến tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào thương lái. Vậy là giữa thời điểm giá lợn hơi tại Việt Nam lên cao nhất từ năm 2015 - 2016, HTX Hoàng Long bắt tay vào xây dựng cơ sở giết mổ và chuyển một phần trang trại sang chăn nuôi bằng thức ăn sinh học.

May mắn là cuối năm 2016, chuỗi A - Z của HTX Hoàng Long đi vào hoạt động cũng là lúc giá lợn hơi giảm sâu nhất trong lịch sử. Nhờ hệ thống cửa hàng thực phẩm A - Z nên hiện tại HTX đã chủ động tiêu thụ được trên 30% sản lượng lợn đơn vị nuôi ra mỗi tháng. Qua đó, giúp HTX Hoàng Long tiếp tục cầm cự, duy trì được thời gian dài hơn rất nhiều so với các trang trại chỉ chăn nuôi đơn thuần.

Thành công nhất là các hộ nuôi lợn trong mô hình của Công ty CP Trang trại Bảo Châu (Bảo Châu Organic Farm), bởi giá lợn hơi trong chuỗi do họ tham gia đang được thu mua tới 70.000 đồng/kg.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đại Thắng, Giám đốc Bảo Châu Organic Farm chia sẻ, do thiết lập được quy trình chăn nuôi an toàn, không sử dụng kháng sinh, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên thịt lợn hữu cơ của Bảo Châu có chất lượng, hương vị khác biệt so với lợn chăn nuôi thông thường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đại Thắng, vì tiêu chuẩn khắt khe nên bình quân mỗi năm đơn vị chỉ sản xuất và tiêu thụ được khoảng 300 tấn lợn hơi. Nếu muốn phát triển quy mô lớn hơn cần thời gian rất dài. Với kinh nghiệm nhiều năm đi trước, ông chia sẻ, các hộ chăn nuôi nông hộ nhỏ nên lựa chọn phát triển theo chuỗi bằng những cách tương tự nếu muốn tiếp tục duy trì nghề nuôi lợn trong tương lai.

Hiện giá thành chăn nuôi lợn của Việt Nam đang thuộc tốp cao trên thế giới. Trong khi giá lợn mảnh (lợn móc hàm) của các nước chỉ dao động bình quân 30.000 - 35.000 đồng/kg thì lợn móc hàm cửa Việt Nam là 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Với lộ trình mở cửa và giảm thuế trong những năm sắp tới, chăn nuôi lợn trong nước cần phải phân khúc rõ ràng để lựa chọn hướng đi phù hợp.

Với chăn nuôi công nghiệp nâng cao năng suất, hạ giá thành còn với chăn nuôi nông hộ không còn con đường nào khác ngoài liên kết theo chuỗi và chăn nuôi theo mô hình sinh học, hữu cơ (doanh nghiệp lớn và nước ngoài không làm).

 

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.