| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội thử nghiệm xử lý rơm rạ sau thu hoạch

Thứ Hai 12/12/2011 , 11:06 (GMT+7)

Việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch không chỉ bảo vệ môi trường mà đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Xử lý rơm rạ sau thu hoạch không chỉ bảo vệ môi trường mà đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thành phố Hà Nội hiện có tổng diện tích gieo cấy lúa khoảng 200.000 ha/năm, hàng năm có trên 1 triệu tấn rơm rạ khô (1ha lúa cho khoảng 6 tấn rơm rạ khô).

Hiện nay việc làm đất cơ bản được thực hiện bằng máy nông nghiệp, số lượng trâu bò nuôi lấy sức kéo giảm, việc dùng rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò cũng giảm theo, việc đun nấu bằng rơm cơ bản đã được thay thế bằng các loại bếp ga, bếp điện; chăn nuôi theo hướng công nghiệp, không cần dùng chất độn chuồng; Người dân không quan tâm đến việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp...

Hệ quả là lượng rơm rạ sau thu hoạch không được sử dụng, ước tính có khoảng 80% lượng rơm rạ dư thừa sau thu hoạch được nông dân đốt huỷ hoặc thả xuống dòng chảy gây ô nhiễm cảnh quan môi trường, phá huỷ các công trình công cộng, hạn chế tầm nhìn gây tai nạn giao thông, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng.

Tận dụng nguồn rơm rạ dư thừa, thu gom xử lý làm phân bón, hay sản xuất nấm ăn thì ngoài việc khắc phục được các vấn đề trên còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Để từng bước giải quyết vấn đề trên, vụ mùa 2011 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Cty Cổ phần Công nghệ sinh học xây dựng mô hình “Thử nghiệm xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học” với qui mô 650 tấn rơm, triển khai tại 8 quận, huyện ven nội thành có diện tích cấy lúa; phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật - Viện Di truyền xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất nấm rơm trái vụ tại 4 điểm: Tân Hưng - huyện Sóc Sơn; Đốc Tín - huyện Mỹ Đức; Đông Xuân - huyện Quốc Oai và Hồng Thái - huyện Phú Xuyên, mỗi điểm thử nghiệm 1 tấn rơm.

Việc triển khai mô hình trước mắt cũng gặp những khó khăn như: Nhận thức của người dân còn hạn chế, tính tự giác chưa cao; Việc xử lý rơm rạ mang tính chất xã hội, không mang lại hiệu quả kinh tế tức khắc cho người dân, chưa thu hút được người dân hưởng ứng tham gia. Đặc biệt ở những nơi dễ kiếm tiền; Một số nơi hệ thống chính trị chưa thực sự vào cuộc trong công tác chỉ đạo thực hiện; Ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong việc thu gom để xử lý…

Tuy nhiên đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội nên được các cấp các ngành quan tâm ủng hộ. Đặc biệt được sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN - PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ và Cty CP Công nghệ sinh học, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật - Viện Di truyền trong công tác tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cấp phát chế phẩm, giống vật tư, đồng thời thống nhất với các cơ sở thực hiện mô hình bàn cách triển khai thực hiện. Cử cán bộ kỹ thuật cùng với các đơn vị phối hợp trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo mô hình. Bước đầu mô hình đạt được một số kết quả như sau:

Mô hình thử nghiệm xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR:

Mô hình được triển khai tại các quận, huyện Hà Đông (quy mô 20 tấn), Thanh Oai (140 tấn), Chương Mỹ (130 tấn), Sóc Sơn (110 tấn), Thường Tín (10 tấn), Hoài Đức (100 tấn), Đông Anh (100 tấn). Qua theo dõi cho thấy, mô hình thử nghiệm xử lý rơm rạ thành phân bón: sau 10 ngày ủ nhiệt độ đống ủ đạt từ 50 -520C, rơm rạ đã chuyển màu nâu, vi khuẩn nấm mốc phát triển tốt. Sau 15 ngày đảo đều tỷ lệ rơm hoai mục đạt 70-75% và sau 30-35 ngày rơm đã hoai mục thành phân hữu cơ có màu nâu đen, không có mùi hôi.

Trung bình 1 tấn rơm rạ khô thu được từ 600-700kg phân hữu cơ, do thời vụ muộn nên cơ bản các điểm sau khi ủ được 15 ngày đưa ra làm phân trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rơm rạ, như: Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, các điểm còn lại ủ để đưa ra trồng rau.

Mô hình thử nghiệm sản xuất nấm rơm trái vụ:

 Thời gian ủ từ sau khi thu hoạch lúa mùa, rơm được phơi khô sau đó đem ủ. Qua theo dõi cho thấy thời gian từ khi ủ rơm đến khi thu hoạch được nấm ăn khoảng trên 20 ngày, hiện nay các điểm đang thu hoạch nấm, và thu đến hết tháng 11, ước năng suất bình quân 120 kg nấm tươi/1 tấn rơm khô, với giá bán hiện nay là 40.000đ/kg. Như vậy 1 tấn rơm khô trong thời gian khoảng 50 ngày thu được 4.800.000đ, trừ chi phí còn lãi được khoảng trên 2.000.000đ. Phế thải sau khi thu hoạch nấm tiếp tục được xử lý làm phân hữu cơ trả lại cho đồng ruộng.

Qua kết quả bước đầu trong việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch có thể đánh giá như sau:

Về ưu điểm: Kỹ thuật đơn giản dễ áp dụng, xử lý được ở mọi nơi: trong vườn nhà, ngoài bờ đồng, góc ruộng đều được; Kích thích mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, nhất là trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ; Kích thích mở rộng mô hình sản xuất nấm rơm trái vụ, tạo ra sản phẩm rau an toàn, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa; Từ kết quả mô hình sẽ giảm thiểu được việc đốt rơm rạ, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.

Một số tồn tại: Một số nơi thực hiện mô hình còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu tập trung, chưa tuân thủ theo đúng qui trình kỹ thuật, đặc biệt là khâu đảo trộn đống ủ, thiếu nguồn nước tưới nên chưa đánh giá được hết ưu điểm của mô hình; Bà con nông dân ngại việc thu gom rơm rạ sau thu hoạch và chưa quen với công việc xử lý; Một số nơi lãnh đạo địa phương chưa thực sự vào cuộc trong công tác chỉ đạo.

Để hạn chế được việc đốt huỷ rơm rạ bừa bãi cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Có chế tài xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường đối với cá nhân đốt huỷ; Lựa chọn các tổ chức, cá nhân làm nòng cốt, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, là những tổ chức có lực lượng đông đảo hội viên tham gia, hoạt động phong trào hiệu quả, có tính cộng đồng cao; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và vận động người dân chấp hành; Gắn xử lý rơm rạ sau thu hoạch với xây dựng các mô hình, như xử lý rơm rạ bằng sản xuất nấm rơm, nấm mỡ, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ, sản xuất rau an toàn…; Các địa phương cần quản lý tốt các hộ làm dịch vụ tuốt lúa, qui định địa điểm tuốt để dễ dàng thu gom và xử lý tại chỗ.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Xử lý rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ thành phố tới các cơ sở và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện trong nhiều năm liên tục.

Đề nghị UBND Thành phố:

Có chế tài qui định cụ thể việc xử lý vi phạm đối với việc đốt rơm rạ và xả rác xuống các công trình thuỷ lợi, làm ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường; Ra quyết định thành lập ban chỉ đạo ở tất cả các cấp về xử lý rơm rạ sau thu hoạch; Tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện mô hình trong năm 2012 và các năm tiếp theo, để khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình; Giao chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2012 cho từng quận, huyện, thị xã để thực hiện; Phát động phong trào thi đua trên địa bàn toàn thành phố về xử lý rơm rạ sau thu hoạch góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Trung tâm Khuyến nông xây dựng đề án xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch giai đoạn 2012 - 2016 và các giai đoạn tiếp theo.

UBND các quận, huyện, thị xã:

Trên cơ sở kế hoạch được giao, cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm kinh phí tổ chức tập huấn, kinh phí thu gom và kinh phí cho ban chỉ đạo; Giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, HTX; Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp Trạm Khuyến nông để hướng dẫn, chỉ đạo bà con nông dân thực hiện; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm