Tăng nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy cấp cơ sở
Theo thống kê của Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022, địa bàn thành phố xảy ra 188 vụ cháy làm 20 người chết, 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 18,1 tỷ đồng.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ hoả hoạn, Trung tướng Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội là địa bàn tập trung nhiều trụ sở làm việc các cơ quan và khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Không những vậy, mật độ dân số của thủ đô rất đông, tốc độ đô thị hoá mạnh khiến nhu cầu sử dụng điện cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy cấp cơ sở lại chưa đáp ứng yêu cầu về con người và trang bị phương tiện dẫn đến năng lực phòng cháy chữa cháy tại chỗ còn yếu, công tác tổ chức chữa cháy ban đầu vẫn còn kém hiệu quả.
Ông Hải cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công an thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra 100% cơ sở, xử phạt 291 trường hợp, phạt tiền gần 2,8 tỷ đồng, thu hồi 19 giấy phép kinh doanh karaoke. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đình chỉ 336 cơ sở, tạm đình chỉ 176 cơ sở, 428 cơ sở đã kiến nghị, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục các nội dung tồn tại.
Trước những khó khăn, tồn tại như trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3521 27/9/2022 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đoàn kiểm tra do đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng đoàn; Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố làm Phó trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra còn có các thành viên là đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa và Thể thao, Công Thương, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND thành phố và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra đột xuất đối với tổ chức, đơn vị về việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và báo cáo UBND thành phố. Thời gian kiểm tra dự kiến từ ngày 28/9 đến ngày 31/12/2022.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền
Cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Kế hoạch nhằm mục đích siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cũng như ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng, bỏ trống địa bàn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo Kế hoạch, đối tượng kiểm tra là một số cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao (cơ sở kinh doanh karaoke, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu chung cư, tập thể cũ...) trên địa bàn. Trước mắt, tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Kế hoạch cũng đề ra nội dung kiểm tra đột xuất trách nhiệm, nhận thức của cơ sở trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ sở theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp phát hiện có vi phạm, giao UBND cấp huyện chỉ đạo xử lý theo quy định; đồng thời, xem xét, đánh giá công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn quản lý.
Chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ"
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn song hành với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này.
Đặc biệt, thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và duy trì 86 mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy...
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã định kỳ tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cấp, ngành cần chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đúng quy định tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Các địa phương, đơn vị tăng cường tập huấn nghiệp vụ, đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy, đặc biệt là cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.