| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Ngao chết do hiện tượng sương muối

Thứ Sáu 20/04/2018 , 08:47 (GMT+7)

Đến nay có thể xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh và yếu tố môi trường nuôi...

15-49-53_nh1
Hiện tượng ngao, sò chết tại Hà Tĩnh từ đầu tháng 4 đến nay không liên quan đến dịch bệnh và môi trường nuôi

Chiều 18/4, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin với NNVN, từ kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III và Trung tâm Quan trắc Cảnh báo Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc – viết tắt là Trung tâm (Viện Nghiên cứu môi trường Thủy sản I), đến nay có thể xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh và yếu tố môi trường nuôi.

Như NNVN đưa tin, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn các huyện Lộc Hà, Thạch Hà và Cẩm Xuyên xảy ra hiện tượng ngao, sò chết hàng loạt, với hơn 100ha. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, cơ quan chức năng đã đến kiểm đếm thiệt hại, lấy 5 mẫu bệnh phẩm tại các xã Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) gửi Chi cục Thú y vùng III xét nghiệm. Kết quả cho thấy, cả 5/5 mẫu đều không phát hiện thấy ký sinh trùng Perkinsus.

“Song song với xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Chi cục đã đề nghị Trung tâm hỗ trợ kiểm tra, xác định nguyên nhân ngao chết. Theo kết quả phân tích, các chỉ số môi trường nuôi không có sự bất thường và không phát hiện thấy mối quan hệ giữa tảo độc hại với hiện tượng ngao chết”, ông Hoàng nói.

Cụ thể, Trung tâm đã tiến hành phân tích các chỉ tiêu về nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD và sắt trong 7 mẫu nước thu tại vùng nuôi ngao huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên. Tất cả các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT: 2015/BTNMT.

 Đối với việc định lượng tảo độc hại, trong 7 mẫu thu từ vùng ngao chết, Trung tâm ghi nhận được 6 loài tảo độc hại thuộc ngành tảo Khuê và tảo Giáp, với mật độ dao động lần lượt từ 0 - 640 tb/l và 0 - 60 tb/l, thấp hơn giới hạn cảnh báo theo thông tư 33/2015/TT-BNNPTNT.

“Từ kết quả khảo sát thực địa kết hợp kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường nuôi cơ bản, Trung tâm nhận định, nguyên nhân ngao chết là do mật độ nuôi dày; ngao thương phẩm bị yếu sau quá trình sinh sản; hiện tượng sương muối xảy ra trùng thời điểm bãi ngao phơi bãi vào ban đêm và thời gian phơi bãi kéo dài; thời tiết năm nay ít nắng nên không có tác động của bức xạ mặt trời làm cho sương muối tan chậm so với các năm trước, kéo dài thời gian tác động bất lợi lên bãi ngao”, báo cáo kết quả quan trắc đột xuất viết.

15-49-53_nh3
Kết quả phân tích mẫu của cho thấy ngao chết không phải do dịch bệnh

Để khắc phục thiệt hại, hạn chế việc ngao tiếp tục chết, Trung tâm Quan trắc Cảnh báo Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo người nuôi trồng san thưa mật độ để giảm sự cạnh tranh thức ăn và không gian sống ở những bãi nuôi có mật độ cao; khi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để làm giảm mật độ. Không nên thả giống mới ở thời điểm hiện tại; đồng thời, thu gom xác ngao chết, tiêu hủy đúng quy định; vệ vinh, cải tạo bãi ngao theo hướng dẫn của cơ quan chức năng...

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.