| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Vì sao dịch bệnh luôn khởi phát từ Cẩm Xuyên?

Thứ Hai 27/05/2019 , 06:45 (GMT+7)

“Đại dịch” lợn tai xanh xảy ra năm 2008, 2013, 2016; lở mồm long móng (LMLM) cuối năm 2018 và nay là dịch tả lợn Châu Phi... như một cơn lũ “nuốt” hàng trăm nghìn con gia súc của người chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh.

Một điểm chung đáng quan ngại là tất cả các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đều phát sinh ở huyện Cẩm Xuyên.
 

Trắng chuồng vì dịch

Hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Tuy nhiên, những người công tác trong lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y tỉnh này không thể quên “đại dịch” lợn tai xanh lịch sử năm 2008. Từ một vài con lợn ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên có triệu chứng sốt cao, ăn ít hoặc bỏ ăn, sau hơn 1 tuần mời “thú y làng” về chữa trị không được người dân mới cầu cứu cơ quan chức năng. Ôi thôi, lúc này dịch đã lây lan sang hàng chục xã, phường trong toàn tỉnh.

Hàng trăm con lợn bị dịch LMLM trên đường đi tiêu thụ bị chặn lại ở Hà Tĩnh. Ảnh: TN.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh, chỉ vì sự thiếu kinh nghiệm về dịch bệnh, tin tưởng vào “thú y làng”, chủ quan trong công tác phòng chống dịch của người dân mà ngành chăn nuôi địa phương mất hơn 31.000 con lợn, trong đó huyện Cẩm Xuyên tiêu hủy khoảng 26.000 con.

Bẵng đi 4 năm, đến tháng 3/2013 dịch lợn tai xanh quay lại “điểm mặt chỉ tên” Hà Tĩnh. Các xã Cẩm Thành, Cẩm Vĩnh, Cẩm Hà thuộc huyện Cẩm Xuyên tiếp tục là “mồi lửa” châm ngòi cho sự mất mát của người chăn nuôi toàn tỉnh với 1.875 con lợn thuộc các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên phải tiêu hủy. Riêng huyện Cẩm Xuyên “dính” đến 1.252 con lợn. Năm 2016 dịch lợn tai xanh tiếp tục phát sinh đồng loạt ở Cẩm Nam, Cẩm Dương, Cẩm Thăng (huyện Cẩm Xuyên), buộc phải tiêu hủy 1.770 con/toàn tỉnh 2.144 con lợn.

Ngoài “cơn bão” dịch lợn tai xanh, tháng 12/2018 Cẩm Xuyên cũng là địa phương khởi phát và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch LMLM gia súc. Điều đáng bàn là trước đây bệnh LMLM chủ yếu phát sinh, lây lan trên đàn trâu bò nhưng đợt dịch lần này lại tập trung chủ yếu vào đàn lợn. Bệnh phát sinh, lây lan nhanh, độc lực rất mạnh khiến hơn 2.800 con lợn phải tiêu hủy; trong đó huyện Cẩm Xuyên chiếm đến gần 2.100 con.

Cẩm Xuyên là một trong những huyện có số hộ chăn nuôi và tổng đàn lợn lớn nhất nhì Hà Tĩnh. Ảnh: TN.

Mới đây nhất, vẫn là Cẩm Xuyên khơi mào 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại Hà Tĩnh. 65 con lợn nái, lợn thịt, lợn con của 2 hộ dân ở thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thiên Cầm đã tiêu hủy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã đang căng mình chống dịch. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh nhiều khả năng dịch sẽ tiếp tục lây lan diện rộng.
 

Mối đe dọa từ chăn nuôi nông hộ

Trao đổi với NNVN, ông Trần Hùng thừa nhận, hầu hết các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc có mặt tại Hà Tĩnh thường khởi phát đầu tiên ở huyện Cẩm Xuyên, bởi các lý do: Đây là một trong những huyện có tổng đàn lợn lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh với khoảng 69.000 con lợn (tổng đàn toàn tỉnh hơn 400.000 con). Đáng bàn là tổng đàn lớn nhưng chủ yếu chăn nuôi nông hộ (6.000 hộ), mật độ cao, điển hình là các xã Cẩm Bình, Cẩm Thăng, Cẩm Thành, Cẩm Lạc...

Trong khi đó, người chăn nuôi thường chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng... Thậm chí không ít hộ khi trâu bò bị LMLM thay vì nuôi nhốt để ngăn chặn dịch lây lan, bà con vẫn thả rông, gọi “thú y làng” về chữa trị mà không báo cáo cơ quan chức năng.

“Hộ chăn nuôi lớn quy mô trang trại, gia trại hầu hết ý thức phòng chống dịch rất rốt, họ tự bỏ tiền mua vacxin về tiêm phòng. Nhưng với nông hộ nuôi nhỏ lẻ khi đã phòng dịch lơ là thì thực hiện chống dịch ở những đối tượng này cũng rất khó”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Sự chủ quan trong phòng chống dịch của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân khiến Cẩm Xuyên đứng “đầu bảng” về tỷ lệ khởi phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: TN.

Nguyên nhân thứ 2 là số hộ tham gia buôn bán, vận chuyển gia súc lớn. Địa phương này cũng có khá nhiều điểm tắm rửa cho lợn và các điểm tập kết, đổ lợn cho tể lô. Việc đổ lợn, trung chuyển đi các địa phương trong tỉnh thường đột xuất và ở những thời điểm có sự chênh lệch về giá cả.

“Dù đã cố gắng nhưng việc kiểm soát các hoạt động này rất khó khăn, bởi chủ hàng thường lách đi đường tránh, vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh, lây lan dịch bệnh ra diện rộng”, ông Trần Hùng phân tích thêm.

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên QL1A, cách cổng chào xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên khoảng 600m về phía Nam thường có xe tải vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc vào đổ cho thương lái. Việc dừng đổ lợn chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút vào khung giờ từ 5 - 6h sáng và 17 - 18h chiều hàng ngày.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ tháng 12/2018 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ gần chục chiếc xe tải vận chuyển gia súc bị bệnh, không có giấy tờ kiểm dịch từ các tỉnh phía Bắc đi qua địa bàn. Điển hình là 2 vụ vận chuyển 170 con lợn bị LMLM bắt giữ tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên và xã Phù Việt, huyện Thạch Hà.

Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Rất có thể những chuyến xe chở lợn bị dịch bệnh khác đã vượt qua các chốt kiểm dịch vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Tĩnh và việc phát sinh, lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm cũng có thể từ đó mà ra.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.