Con người rất dễ bị đồng hóa trong cơn lốc này cũng như những yếu tố bản địa rất dễ bị nuốt chửng nếu mỗi vùng miền không có nhìn nhận và ứng xử đúng mức cả ở cấp độ cộng đồng và từng cá nhân.
Ở Việt Nam cũng vậy, sau những quay cuồng, bỡ ngỡ, mọi thứ dường như đang lấy lại quỹ đạo tự tại để đối thoại với thế giới phẳng. Tôi đã nhìn thấy những vùng lõm neo đậu hồn dân tộc ở đây đó, trên dải đất hình chữ S này trong một sự vận động đang diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Như những câu chuyện nhỏ về khởi nghiệp dưới đây…
Đánh thức những tài sản vô hình
Nếu tất cả mọi nơi đều giống nhau hoặc na ná nhau thì chẳng có lí do gì con người phải di chuyển từ nơi này đến nơi kia, xa xôi hàng vạn dặm để trải nghiệm sự khác biệt. Nhận thức điều này, việc bảo tồn các giá trị văn hóa đã có những tín hiệu tích cực. Khắp khu vực Tây Bắc, các bản du lịch cộng đồng của người Thái, người Mông, người Dao, người Pà Thẻn với những đặc sắc văn hóa bản địa đã và đang hình thành. Các địa phương đã biết bảo lưu các giá trị, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để giới thiệu với du khách, từ ẩm thực đến những lễ hội, phong tục tập quán... Điều đáng ghi nhận là đã xuất hiện nhiều điểm sáng từ phía những cá nhân.
Trong dịp về Sơn La năm 2023 tôi đã được mục sở thị mô hình được cho là thành công của vợ chồng người Mông Tráng A Chu và Hàng Thị Sua tại huyện Vân Hồ. A Chu học Đại học Bách khoa và đã đi làm tại Hà Nội, nhưng rồi sau đó anh đã về khởi nghiệp trên chính quê hương mình. Bằng những tri thức được đào tạo trong trường đại học và những tích lũy từ cuộc sống, Tráng A Chu đã xây dựng một homestay mang tên anh. Sau khi cưới vợ là Hàng Thị Sua, hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, vợ A Chu đã ủng hộ để chồng khởi nghiệp tại quê nhà, tìm tòi học hỏi, vay vốn ngân hàng để kiến tạo nên một homestay dung hòa giữa bản sắc văn hóa Mông với những tiện ích hiện đại tại bản Hua Tạt. Địa phương cũng rất tạo điều kiện, còn “xui” A Chu mượn sổ của anh em trong họ để vay theo chính sách dành cho hộ nghèo để được hưởng lãi suất tốt hơn.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Sơn La đã bất ngờ đến thăm cơ ngơi của Tráng A Chu như một sự động viên, khích lệ mô hình phát triển kinh tế điển hình của đồng bào dân tộc Mông ở địa phương trong làm du lịch cộng đồng.
Hiện tại, bằng những kinh nghiệm và tiêu chí đã xác định, vợ chồng Tráng A Chu tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở kinh doanh của mình ra diện tích đất còn lại, nâng số phòng riêng lên 9 phòng để phục vụ được nhiều du khách hơn.
Thực ra, mô hình thành công tại Hua Tạt bắt nguồn từ sự gặp gỡ của nhiều yếu tố. Bản văn hóa Hua Tạt nằm trong khuôn khổ hợp tác liên vùng giữa tỉnh Sơn La và vùng Midi - Pyrénees của Pháp. Dự án này do Trường Đại học Toulouse Le Mirail triển khai. Đại học Pháp ngữ và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là hai đơn vị có vai trò điều phối. Hội đồng vùng Midi - Pyrénees đã xây dựng nhà văn hóa và du lịch bản Hua Tạt với mục đích giúp đồng bào nơi đây thoát nghèo tiến tới xây dựng cuộc sống văn minh bằng chính việc gìn giữ các di sản văn hóa, phát triển nghề thủ công và nông nghiệp, khai thác các tiềm năng của địa phương. Mong muốn của dự án là xây dựng bản Hua Tạt thành nơi tiếp xúc và trải nghiệm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Mông.
Dự án được khởi động vào năm 2008, với những nghiên cứu thực địa để triển khai vào những năm sau đó, cho đến nay đã trải qua 15 năm, trong đó những sản phẩm cụ thể đã vận hành được xấp xỉ 10 năm, bước đầu chứng minh tính hiệu quả, hình thành nên những giá trị mới. Tráng A Chu chính là một trong những cá nhân được tham gia dự án này. Dưới sự tư vấn của các chuyên gia dự án, homestay của anh với cách thiết kế đậm bản sắc Mông cũng như đạt được những tiện ích nhất định trong nghỉ dưỡng, sinh hoạt và trải nghiệm, dung hòa được mọi yếu tố văn hóa - dịch vụ - chất lượng để có thể phát triển bền vững.
Đi vào hoạt động từ năm 2015, A Chu Homestay đã hoạt động ổn định tới hôm nay với lượng khách đều đặn cả trong nước và nước ngoài. Nhiều đoàn phượt khi đến Sơn La đã chọn A Chu Homestay làm nơi lưu trú, ngoài khách cá nhân, cơ sở kinh doanh này còn có khách đoàn kí kết ổn định với các công ty du lịch. Mô hình này cũng đã được một số địa phương tham quan, học hỏi, từ những địa phương ở gần như Yên Bái, Lai Châu đến những địa phương ở xa như Đồng Tháp cũng về Sơn La tìm hiểu kinh nghiệm của Tráng A Chu.
Không bỏ cuộc
Để một mô hình thành công cần có sự tính toán đường dài, và nhất là không bỏ cuộc. Sự khởi nghiệp mang tính phong trào, cả thèm chóng chán rất nguy hiểm. Một mô hình tiên phong nếu thành công sẽ có tác dụng truyền cảm hứng, nhưng nếu thất bại thì cũng như một bài học, một tiền lệ cho những người sau.
Theo chân Tráng A Chu, Thào A Su, một chàng trai Mông khác trên đất Mù Cang Chải của Yên Bái cũng đã học tập đầu tư, xây dựng một homestay trên chính mảnh đất gia đình đang sinh sống, vốn là địa thế đẹp ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, nơi có view vàng ngắm toàn cảnh thung lũng Mù Cang Chải trong mùa lúa chín.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện của Đại học Thái Nguyên, Thào A Su về quê vừa tính khởi nghiệp vừa cưới vợ. Cưới nhau xong, vợ chồng Su tập trung xây dựng homestay của gia đình. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vợ chồng A Su bàn nhau để chị Lù Thị Tàng, vợ anh, xuống Hà Nội học một lớp dạy nấu ăn 6 tháng. Trong thời gian đó A Su sẽ triển khai xây dựng homestay. Chàng trai người Mông tìm đến các bản du lịch khác ở Sơn La, Hòa Bình, trong đó có A Chu Homestay để học hỏi cách làm.
Lực cản đầu tiên chính là bố mẹ. Khi A Su đi học đại học mẹ anh đã không đồng ý vì sợ học xong con không về, A Su phải trốn đi. Bây giờ học xong trở về khởi nghiệp thì bố mẹ lại lo vay ngân hàng làm cái nhà to thế không trả được. “Bố mẹ làm ruộng thì con cũng cứ làm ruộng thôi, làm nhà to sau này ai ở...”, mẹ A Su bảo con trai. A Su đã trình bày kế hoạch làm nhà để đón khách du lịch, dung hòa cả làm nông và làm dịch vụ, đến mùa làm ruộng vẫn làm ruộng, đến mùa trồng ngô vẫn trồng ngô, đến mùa du lịch thì đón khách. Nhưng bố mẹ anh vẫn rất lo lắng, nhất là khi thấy anh mượn mấy bộ giấy chứng nhận sử dụng đất của họ hàng để thế chấp vay tiền ngân hàng. Tất nhiên giấy chứng nhận sử dụng đất của gia đình A Su cũng đã để ở ngân hàng từ trước đó, nhưng vì giá trị đất ở đây thấp nên một giấy chứng nhận cũng chỉ vay được 50 triệu đồng, vì thế phải mượn thêm của bà con để vay được nhiều hơn.
Tự mình lên kế hoạch, tự thiết kế, tháng 6/2018 A Su bắt đầu khởi công công trình. Đến tháng 9/2019, homestay của vợ chồng anh đã tạm hoàn thành, có thể đón khách. Nhưng vợ chồng Thào A Su - Lù Thị Tàng không gặp may như vợ chồng Tráng A Chu - Hàng Thị Sua. Cuối năm 2019 đại dịch Covid ập đến, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, mọi hoạt động đóng băng. Vợ chồng A Su đã phải trải qua thời gian khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Homestay làm xong đắp chiếu để đấy, số tiền vay ngân hàng không nằm trong diện ưu đãi, phải trả lãi 11% một năm. A Su đành chuyển phương án hai, chăm chỉ trồng lúa, trồng ngô và chờ đợi. Kiếm được đồng nào gom góp trả lãi ngân hàng đồng ấy, A Su đã sống những ngày tháng thấp thỏm, bất an. Nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.
Thời gian đại dịch anh nhẩn nha hoàn thiện cảnh quan của homestay, trồng cây và trang trí các tiểu tiết. Nhưng chờ mãi dịch không hết, nhiều lúc A Su đã nản chí nghĩ đến việc từ bỏ. Mấy trăm triệu đi vay là một tài sản lớn với đồng bào miền núi, mỗi kì lãi ngân hàng giục giã khiến lòng dạ anh như lửa đốt.
Từ khi homestay của chàng trai người Mông Thào A Su đi vào hoạt động, bản Tà Chí Lừ trở nên tấp nập bởi những đoàn khách trong nước và quốc tế. La Pán Tẩn như được đánh thức. Một hai gia đình khác cũng đang học tập mô hình của A Su để cùng phục vụ du khách.
A Su suy tính, nếu bỏ ngang không làm nữa thì vừa bị chê cười vừa không có cách gì để trả đống nợ đã vay. Anh bình tâm phân tích, rằng không phải mình làm không tốt mà là do dịch không ai đi đâu được, khách không đi du lịch được thì không thể đến với mình được, vậy nên mình sẽ phải kiên trì chờ đến khi hết dịch. Và cuối cùng thì niềm tin của Thào A Su đã được đền đáp. Khi dịch tạm yên, mọi hoạt động trở lại bình thường, lượng khách đến Mù Cang Chải đông dần, và A Su Homestay dần trở thành điểm dừng chân của họ. Đến lúc đó A Su mới thở phào như trút được một nửa gánh nặng.
Bây giờ thì cơ ngơi của vợ chồng Thào A Su đã trở nên nổi tiếng. A Su Homestay được cho là homestay cao nhất ở Mù Cang Chải có view panorama cực đỉnh ở độ cao lí tưởng ngắm ruộng bậc thang. Đứng ở sân nhà A Su, ngày đẹp trời, phóng tầm mắt có thể nhìn trọn vẹn huyện Mù Cang Chải trong đó có thị trấn huyện lị. Từ homestay của A Su, tầm mắt của du khách có thể bao trọn thế giới ruộng bậc thang mỗi mùa một vẻ đẹp khác nhau khiến ai nấy trầm trồ như lạc vào một cảnh giới khác.
La Pán Tẩn là xã có diện tích ruộng bậc thang nhiều nhất của huyện Mù Cang Chải. Lãnh địa ruộng bậc thang này luôn thu hút lượng lớn khách ghé thăm. Việc A Su dựng homestay như một sự liền mạch để giới thiệu vẻ đẹp bản địa này. Trước đó chỉ 5 năm có rất ít người lên đến bản, kể cả dân phượt. Khoảng cách từ bản Tà Chí Lừ nhà A Su xuống đến quốc lộ chỉ 6km, đây là một thuận lợi lớn để hút chân du khách.
Dám nghĩ, dám làm và làm được là những nét mới ở một bộ phận giới trẻ các dân tộc thiểu số. Sự tiện ích của mạng xã hội và những kết nối online đã giúp họ tận dụng để học hỏi kĩ năng, vận dụng cho việc xây dựng mô hình của cá nhân mình, củng cố niềm tin và bản lĩnh cá nhân, dám theo đuổi đến tận cùng để thành công. Sự bền bỉ của Thào A Su đã cho kết quả tốt. Số tiền vay để đầu tư vợ chồng anh đã trả được một phần, A Su Homestay đã mở ra một tầm nhìn hút hồn du khách và cũng mở ra một viễn cảnh tươi sáng với cặp vợ chồng trẻ người Mông trên đỉnh trời Mù Cang Chải.
Tri thức và sự hậu thuẫn
Tráng A Chu và Thào A Su đều là những chàng trai người Mông tốt nghiệp đại học. A Chu học Công nghệ thực phẩm, còn A Su học Kỹ thuật công nghiệp. Đó là xuất phát điểm tốt để họ khởi nghiệp, với vốn kiến thức thâu nạp trong trường đại học cùng với những hiểu biết xã hội hơn hẳn những đồng bào ở bản là những điểm tựa tốt. Nhưng như vậy cũng vẫn chưa đủ. Họ vẫn cần những sự hậu thuẫn để có thể đi xa. Rất may cho họ là đã gặp được sự hỗ trợ tốt từ những dự án xã hội, gặp được người có tâm và có tầm tư vấn, giúp đỡ. Đó chính là bảo hiểm cho sự thành công bền vững. Trong sự phát triển của nhiều bản du lịch cộng đồng khắp cả nước, người ta vẫn nhắc đến một cái tên quen thuộc. Đó là ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam (Community Based Tourism - CBT). Hai chàng trai người Mông này cũng vậy, ông Bình chính là ân nhân đã chìa bàn tay ra với họ.
Từng gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP), với tâm huyết của mình trong việc giúp người dân thoát nghèo từ chính những giá trị văn hóa họ đang sở hữu, ông Bình đã xây dựng công ty với sứ mệnh mà ông theo đuổi. Với khu vực đồng bào người Mông, ông tư vấn cho người dân giữ gìn tôn tạo nếp văn hóa Mông đặc trưng. Khi xây dựng homestay, các yếu tố văn hóa được khai thác, như hoa văn, họa tiết trên trang phục, các loại nông cụ, các vật dụng đan lát bằng vật liệu tre truyền thống được sử dụng để thiết kế, trang trí, cơ sở lưu trú cũng là những nếp nhà lợp mái tranh xưa cũ đông ấm hè mát, hài hòa với thiên nhiên. Du khách đến bản Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La) nơi dự án ông Bình triển khai sẽ được trải nghiệm cảm giác thư thái, sống chậm, hòa hợp với tự nhiên. Theo ông, đó chính là giá trị cốt lõi chạm tới cảm xúc du khách.
Đời sống dân bản Hua Tạt đã đổi thay rõ rệt từ ngày trở thành điểm du lịch, thu hút du khách ghé thăm, những sản phẩm họ làm ra như đồ thổ cẩm, đan lát, đồ mĩ nghệ được trình diễn và bán ngay tại bản. Tùy từng trường hợp cụ thể, ông Bình giúp họ nâng cấp nhà ở thành homestay hoặc làm mới dựa trên kết cấu nhà ở sẵn có tại địa phương, lồng ghép tinh tế các vật liệu tre, gỗ, đá hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, trồng thêm các loại cây trái, hoa lá bản địa tạo nên một không gian có tính nghệ thuật.
Mối quan ngại lớn nhất của ông Dương Minh Bình trước đây là các mô hình homestay của bà con đang xây dựng còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức tính toán cân nhắc bài bản và chưa đi vào thực chất nên cách đây chục năm, các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ, ít đạt được mục đích cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa. Mọi thứ hiện nay đã khác. Bên cạnh việc chú trọng khai thác yếu tố truyền thống, các hoạt động dịch vụ còn lồng ghép thông điệp gìn giữ văn hóa, bảo vệ môi trường. Họ đã nhận được sự trợ giúp để từ vốn văn hóa có thể phát triển bền vững.
Những người như Tráng A Chu, Thào A Su chính là những mắt xích đột phá, như biểu tượng của sự dám thay đổi và thành công, là hình mẫu cho cộng đồng.
Bà con dân tộc thiểu số cũng chưa được làm quen nhiều với đời sống tiện nghi, để đầu tư thiết kế, xây dựng các điểm nghỉ dưỡng đạt được những tiện ích tối thiểu. Họ đã được học tập, tham quan thực tế để hiểu vấn đề, nhận thức được sự cần thiết phải đầu tư tiện ích. Sau nhiều năm kiên trì cầm tay chỉ việc, tập huấn, hướng dẫn, đặc biệt là thông qua một số mô hình điểm thành công, cộng đồng thiểu số đã đạt tới một mặt bằng mới về nhận thức. Chủ nhân của những nếp nhà sàn đã biết cải tạo nâng cấp chuyển hóa công năng căn nhà sẵn có của mình thành nơi lưu trú đẹp đẽ, tiện dụng, phù hợp với sinh hoạt hiện đại.
Giờ đây, nhiều homestay ở các vùng xa xôi hẻo lánh, trên núi cao hay bên suối xa đồng bào đã biết cách chế biến những loại rau quả, thức ăn bản địa cho hợp khẩu vị du khách. Họ cũng biết cách tổ chức, hướng dẫn du khách tham quan, khám phá những nét văn hóa bản địa, hòa vào cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, thậm chí còn tham gia vào một số hoạt động xã hội, thiện nguyện sở tại. Những sự chung tay đó đang làm thay đổi cuộc sống, thay đổi bộ mặt các làng bản theo hướng phát triển và bảo tồn.
Thế giới đủ chỗ cho mọi khác biệt, và cũng chính những khác biệt làm nên sự đa dạng của thế giới này. Trong sự đa dạng đó, những đặc sắc văn hóa nếu biết khai thác đúng hướng sẽ là những tài sản hữu hình thắp sáng những vùng đất.