| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Cá nuôi chết hàng loạt

Thứ Tư 04/08/2010 , 07:00 (GMT+7)

Nguyên nhân là do cá bị nhiễm khuẩn Streptococcus agalactiae. Vi khuẩn này gây bệnh cho cá làm tổn thương chính ở mắt khiến mắt cá bị lồi khi bị nhiễm nặng.

Hơn 1 tuần qua, tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện, thị xã Tứ Kỳ, Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn… tỉnh Hải Dương xuất hiện hiện tượng cá rô phi chết hàng loạt và có nguy cơ lây lan sang các vùng nuôi thủy sản của các huyện khác trong tỉnh.

Nguyên nhân là do cá bị nhiễm khuẩn Streptococcus agalactiae. Vi khuẩn này gây bệnh cho cá làm tổn thương chính ở mắt khiến mắt cá bị lồi khi bị nhiễm nặng. Qua kiểm tra mẫu nước cho thấy, mật độ Colliforms cao hơn giới hạn cho phép, độ pH cao, ô-xy hòa tan trong ao có sự phân tầng. Nguồn nước tại các ao nuôi thủy sản có cá chết đều bị ô nhiễm hữu cơ; ô-xy trong ao thiếu trầm trọng.

Hiện nay, cá bị nhiễm khuẩn Streptococcus agalactiae đang có xu hướng lây lan nhanh do thời tiết nắng nóng cộng với việc người dân vứt xác cá bừa bãi, xử lý cá chết không theo hướng dẫn làm lây lan bệnh sang nguồn nước cung cấp cho các hộ nuôi cá khác trong vùng. Ở nhiều địa phương, người dân chăn nuôi lợn, vịt ngay trên các ao nuôi cá. Nhiều hộ cho cá ăn phân lợn, phân vịt nên cá dễ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Lượng thải đáy ao lớn, yếm khí hoạt động mạnh tạo khí độc trong môi trường nước ảnh hưởng tới sức đề kháng của cá.

Chi cục Thủy sản Hải Dương đã hướng dẫn các hộ dân thực hiện công tác phòng, trị bệnh, xử lý môi trường ao nuôi và thu gom cá chết, chôn lấp theo đúng quy định. Khuyến cáo nông dân không vứt xác cá chết bừa bãi ra các bờ mương, sông, hồ gây ô nhiễm nguồn nước làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Khi cá chết cần nhanh chóng dùng thuốc có hiệu quả trị bệnh cao, như: Imekana-ADE, Doxycyline, EnroFloxacine… trộn vào thức ăn cho cá.

Ngoài ra, nông dân cần dùng thuốc Vicato để xử lý môi trường ao nuôi. Cùng với việc điều trị bệnh cho cá, để lứa cá nuôi tiếp không bị nhiễm bệnh, nông dân cần chú ý tẩy rửa ao trước chu kỳ nuôi, nạo vét bùn đáy, lấp hang hốc rò rỉ, mua cá giống tại các địa chỉ có uy tín. Tắm cho cá trước khi thả bằng dung dịch muối ăn pha nồng độ 2-3%; định kỳ thay nước cho ao nuôi, không bón phân tươi cho ao nuôi. Loại bỏ thức ăn thừa trước khi cho cá ăn thức ăn mới.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 10 nghìn ha nuôi thủy sản, trong đó có 265 hộ nuôi cá rô phi có cá bị nhiễm bệnh với diện tích 115,34ha. Diện tích cá chết đã lan rộng trên 5 huyện. Trong đó, huyện Tứ Kỳ bị thiệt hại nhiều nhất với 214 hộ nuôi trên diện tích hơn 90 ha ở 8 xã với gần 140 tấn cá rô phi đã chết. Xã Nam Tân (Nam Sách) có 40 hộ nuôi cá rô phi với diện tích 23 ha đã có gần 120 tấn cá chết, ước tính nông dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất