Vận động viên Triều Tiên đến Hàn Quốc ngày 25/1. Ảnh: AFP. |
Hai người đàn ông Triều Tiên không rõ danh tính đang ở tại khu phức hợp thể thao cách Seoul hơn 50 km về phía nam, nơi một nhóm nữ vận động viên khúc côn cầu trên băng Hàn Quốc và Triều Tiên đang tập luyện chung dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Sarah Murray.
Theo các quan chức thể thao Hàn Quốc, bộ đôi này đã ăn, ở cùng và theo sát 13 vận động viên và huấn luyện viên Triều Tiên Pak Chol Ho khi họ luyện tập. Hai người này rất ít nói.
"Tôi không biết họ là ai. Họ không tập luyện và cũng không bao giờ tham gia các cuộc họp đội tuyển. Tôi không nghĩ họ là những quan chức phụ trách khúc côn cầu", quan chức Hàn Quốc nói.
Sự có mặt của hai người này đặt ra câu hỏi về an ninh tại sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra vào tuần sau, sau khi phái đoàn Triều Tiên được bổ sung vào phút chót.
Một quan chức Bộ Thể thao Hàn Quốc cho biết hai người đàn ông này được liệt kê nhiệm vụ là "hỗ trợ kỹ thuật", tức là có thể bao gồm mát xa cho các vận động viên hay phân tích video, nhưng ông không biết tên họ.
Ho không nằm trong danh sách 46 vận động viên Triều Tiên và nhân viên huấn luyện được Uỷ ban Olympic Quốc tế chấp thuận cho đến tranh tài tại Olympic mùa đông 2018, phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc cho biết ngày 2/2.
Không rõ hai người này đã vượt qua cuộc kiểm tra an ninh và lý lịch như thế nào khi đi qua Khu Phi quân sự để sang Hàn Quốc ngày 25/1. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng không nắm rõ thông tin về vấn đề này.
Tuần trước, một trong hai người đã can thiệp để cắt ngắn cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Hàn Quốc với huấn luyện viên Triều Tiên.
Mặc dù danh tính của bộ đôi này vẫn còn là điều bí ẩn, một nghị sĩ Hàn Quốc nhận được báo cáo thường xuyên từ cơ quan tình báo nói rằng ông biết khá rõ họ thực sự làm gì. Ông cho biết Triều Tiên thường điều các nhân viên an ninh đi theo để quản lý, giám sát phái đoàn.
Giới chuyên gia lo ngại về kịch bản người trong phái đoàn Triều Tiên cố gắng đào tẩu khi dự Olympic, khiến chính phủ Hàn lâm vào thế khó, không biết phải bàn giao họ lại cho Triều Tiên hay chấp nhận họ - điều sẽ làm Bình Nhưỡng nổi giận.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kịch bản này khó xảy ra vì Triều Tiên chắc chắn đã phải chọn lọc người trong phái đoàn cẩn thận và sẽ theo dõi sát hoạt động của họ.
"Đó là thủ tục mà Triều Tiên luôn làm", nghị sĩ nói.