| Hotline: 0983.970.780

Hai người bị ngộ độc khi ăn 'ốc lạ' ở Khánh Hòa đã xuất viện

Thứ Sáu 18/09/2020 , 16:12 (GMT+7)

Ngày 18/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, hai người bị ngộ độc khi ăn ốc bùn bóng và ốc bùn răng cưa đã được chữa khỏi và xuất viện.

Nhóm người ở huyện Vạn Ninh ăn ốc bùn bóng và ốc bùn răng cưa. Ảnh: VHDHNT

Nhóm người ở huyện Vạn Ninh ăn ốc bùn bóng và ốc bùn răng cưa. Ảnh: VHDHNT

Theo đó, 2 người trên là anh Hồ Văn N. (21 tuổi), xã Vạn Thạnh và anh Trần Quốc T. (22 tuổi) xã Vạn Khánh, đều thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Theo bác sỹ Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, lúc nhập viện 2 bệnh nhận này trong tình trạng tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim… nên được nhanh chóng đưa vào hồi sức và chữa trị.

Bác sỹ Kỷ khuyến cáo, khi ăn ốc mà có triệu chứng bị tê môi, tê miệng mọi người phải vô viện sớm; đồng thời cố gắng nôn ói ra liền.

Trước đó như Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, vào lúc 9 giờ, ngày 11/9, anh Nguyễn Văn T. (23 tuổi) ở thị trấn Vạn Giã cùng với các anh Hồ Văn N. (21 tuổi) xã Vạn Thạnh, Trần Quốc T. (22 tuổi) xã Vạn Khánh (đều trú ở huyện Vạn Ninh) đi đánh bắt cá trên biển huyện Vạn Ninh và có lặn bắt được một túi ốc biển không rõ loại. Sau đó, nhóm người này có ghé vào một gia đình người quen ở đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho phân nửa túi ốc trên.

Đến 16 giờ cùng ngày, 3 người lấy số ốc còn lại ra luộc ăn và có triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, tê môi, tê tay sau nửa tiếng đồng hồ ăn ốc.

Đến 19 giờ, anh Nguyễn Văn T. có triệu chứng trở nặng nên được đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, anh T. đã tử vong trước khi vào bệnh viện. Hai người còn lại được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hòa.

Liên quan loài ốc gây ngộ độc trên, Viện Hải dương học Nha Trang đã xác định trong số 30 cá thể ốc biển thu thập thì có 29 cá thể thuộc loài ốc bùn răng cưa (tên khoa học Nassarius papillosus) và 1 cá thể thuộc loài ốc bùn bóng (tên khoa học Nassarius glans).

Từ kết quả phân tích, các mẫu vật của 2 loài ốc bùn đều chứa độc tố Tetrodotoxin với độc tính cao, gấp 21,7 - 77,7 lần giới hạn cho phép về an toàn thực phẩm biển. Vì vậy chỉ cần ăn 5-10 cá thể ốc kể trên là đủ gây ngộ độc tử vong cho người bình thường.

Tetrodotoxin là độc tố thần kinh đã được biết đến trong nhiều loài cá nóc biển Việt Nam. Độc tố Tetrodotoxin tấn công hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao, với triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 20-60 phút. Với biểu hiện như lê lưỡi, tê môi, chóng mặt, nhức đầu, đau thắt vùng bụng, nôn mửa, khó nói, nuốt khó, mất cân bằng vận động, co giật, sùi bọt mép... Trường hợp nặng nạn nhân có thể tử vong do liệt cơ hô hấp...

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.