Nhà báo Lê Ngọc Sơn |
Nhà báo Lê Ngọc Sơn cũng chia sẻ suy nghĩ khi ấn tượng với những chương trình hài mang tính cải tạo xã hội, mà để làm được những chương trình này người thực hiện phải là những nhà văn hoá, nhà bình luận tầm cỡ.
"Ngộ độc" bởi các chương trình nhảm nhí
Có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, trên nhiều kênh truyền hình, các chương trình hài hoặc mang yếu tố hài hước bắt đầu lấn lướt. Hàng loạt chương trình hài dần trở nên hời hợt, phá nát thẩm mỹ nghệ thuật. Muốn cười thì phải cù vào nách người xem. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi cho rằng đây là một thảm trạng mà nền văn hoá chúng ta đang đối mặt. Trên bình diện chung, ta có thể thấy một thực tế là những năm gần đây các chương trình giải trí mọc như nấm sau mưa. Có lẽ trong đặc thù sinh quyển trong xã hội của ta, những chương trình này dễ làm hơn so với các chương trình mang tính chính luận, lại nhận được tài trợ quảng cáo dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, chính thực trạng chương trình thì nhiều, mà nhân lực thực sự có chất lượng cho chương trình thì thiếu đã khiến cho thực trạng “muốn cười phải cù vào nách người xem”, như anh nói, trở nên phổ biến. Nó làm cho công chúng chết ngập trong một mớ các chương trình vô bổ, chết đói sự nhân văn, ngộ độc bởi những chương trình đó.
Hài có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của chúng ta: Hài, qua các phương tiện truyền thông, có thể giúp cho người ta quên đi sự mệt nhọc của cuộc sống bon chen thường nhật; nó cũng có thể là tiếng cười giễu nhại hiện thực cuộc sống, đấu tranh cho những bất công, vì sự nhân văn tiến bộ. Để làm nên một sản phẩm hài có chất lượng, ngoài năng khiếu của những người thực hiện, nó còn đòi hỏi một bề dày tri thức và văn hoá. Còn không, sẽ là những thứ cười dung tục.
Đơn cử, nhiều chương trình hài và diễn viên hài hay khai thác thậm chí lạm dụng yếu tố cười ở góc độ giới tính và dục tính, đến mức thô tục và trơ trẽn, thế nhưng không hiểu sao nó vẫn được các nhà đài cho phát sóng. Có lẽ áp lực kiếm tiền khiến các nhà đài phải sản xuất ra những chương trình này, phải cố bằng mọi giá nặn ra thứ được gọi là “hài” để kiếm quảng cáo, tài trợ.
Sự kiện Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long ra thông báo ngừng phát sóng các trò chơi truyền hình có sự xuất hiện của MC Trấn Thành (25/4/2017) với lý do chính là siết nội dung liên quan tới hài nhảm, hài tục có khiến anh ngạc nhiên không?
Về phương diện cảm nhận cá nhân, tôi quý mến sự hoạt ngôn của Trấn Thành. Nhưng dưới góc độ quan sát của một người làm nghiên cứu về truyền thông, tôi có xem vài chương trình khác của Trấn Thành, cảm giác anh này đang vắt kiệt vốn liếng ít ỏi để chạy xô các chương trình vậy. Nó chẳng khác nào một cái tóp mỡ mà đem ra rán đi rán lại các món ăn.
Tôi hoan nghênh quyết định này của Đài PT-TH Vĩnh Long. Một diễn viên hài khi nghe phản ứng từ dư luận không hài lòng về chất lượng diễn hài của mình, thay vì tiếp thu thì thách thức người xem kiểu “không thích xem thì tắt tivi đi” là một thái độ nghèo nàn văn hoá và thiếu cầu thị. Họ cần được trui rèn bởi quyền lực của công chúng, bằng cách tẩy chay. Chỉ khi rạp vắng người xem, tivi chẳng ai thèm bật, thì những người đó mới ý thức được việc luyện rèn và đầu tư vào chuyên môn là quan trọng đến thế nào.
Hài lên sóng vẫn là những công thức cũ mèm như giả gái, đồng tính… Thậm chí MC còn dùng những câu thoại tục tĩu để pha trò. Vì thế, có người đề xuất cần mở các lớp đào tạo MC nghiêm túc và khoa học. Anh nghĩ sao?
Như tôi đã phân tích ở trên, có lẽ yếu tố dục tính đang bị lạm dụng quá đà. Theo tôi, khai thác dưới góc độ dục tính chỉ thành công khi người pha trò phải là một người siêu phàm về văn hoá, gói gém thông điệp công phu, thanh nhã, tạo ra các lớp ẩn dụ. Còn không, kẻ phàm phu sẽ chỉ nói được những thứ tục tĩu. Tiếc rằng, phẩm chất phàm phu trong pha trò của các MC mà anh nhắc đến lại mang tính trội, nên chương trình được gọi là hài mà người xem lại muốn khóc vì… nhạt.
Nhà báo Lê Ngọc Sơn quê ở Lộc Hà - Hà Tĩnh, tốt nghiệp ngành báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội, tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị công, Khoa Chính phủ, Đại học Uppsala (Thụy Sĩ). Là tác giả sách "Đối thoại Chính khách - NXB tri thức 2007". Hiện anh đang làm nghiên cứu sinh về Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại CHLB Đức. |
Nhìn ở một khía cạnh khác, những chương trình có các MC nhảm nhí này sẽ gây hại cho công chúng trẻ. Khi những công chúng trẻ chưa định vị được chuỗi giá trị nào cần neo vào, trôi dạt giữa các hệ giá trị phức tạp… thì những chương trình hài tục tĩu sẽ phá hỏng tâm hồn và nhân cách họ, theo một cách nhẹ nhàng nhất - cười nhảm. Đôi khi người ta cười say mê một thứ nhảm nhí như thưởng thức một món ăn, thì lúc đó sự phá huỷ tâm hồn họ bởi các “virus cười nhảm” đã bắt đầu. Tôi tin rằng, những việc đó góp phần tạo ra những người trẻ “nhạt như nước ốc” về mặt tâm hồn.
Tiếng cười tục tĩu thường lạ lẫm với những nơi có bề dày văn hoá
Ở các quốc gia khác, chương trình hài của họ ra sao, thưa ông?
Tôi có theo dõi một số chương trình hài trên một số kênh truyền hình của Mỹ, Anh, và Đức, thì thấy rằng các diễn viên hài trên truyền hình có nền tảng văn hoá rất cao. Ở các chương trình này, cái cười đùa cũng vì thế mà sâu cay hơn. Những tiếng cười tục tĩu thường lạ lẫm với những nơi có nền văn hoá có bề dày, và thường bị tẩy chay ngay lập tức. Tôi ấn tượng với những chương trình hài mang tính cải tạo xã hội, mà để làm được những chương trình này người thực hiện phải là những nhà văn hoá, nhà bình luận tầm cỡ.
Nước Đức được biết đến là một quốc gia có nhiều người thông tuệ. Gần đây, nhà văn kiêm hoạ sĩ Wolf Erlbruch được ghi nhận với những tác phẩm hài hước và sâu sắc toàn cầu. Anh đang làm nghiên cứu sinh tại Đức, chương trình hài của quốc gia này biểu hiện như thế nào, thưa anh?
Với người nước ngoài, người Đức có vẻ lạnh, ít cởi mở, và khô khan. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được bức tường văn hoá ban đầu đó, tiếp xúc sâu với người Đức sẽ thấy họ là những vỉa trầm tích chứa đựng những tính cách và khí chất vui vẻ: một tộc người không chỉ thông minh về khoa học kỹ thuật, mà còn là một tộc người hay cười (và rất nhân văn, tất nhiên).
Đi trên tàu điện, hai người Đức không biết nhau, nhưng khi đã trải qua vài câu chuyện, là họ có thể chọc nhau cười. Chính tính cách đó của người Đức, khiến các chương trình hài có đất sống, chính bề dày văn hoá quyết định các sản phẩm hài của Đức (trên tivi và cả sân khấu) có chất lượng rất cao, một phần do yêu cầu từ đại chúng.
Trong tiếng Đức, có hai khái niệm để chỉ hài: "Comedy" và "Komödie". Khái niệm đầu tiên bê nguyên từ tiếng Anh, có hàm ý về những vở hài kịch truyền hình sau thời điểm nước Đức thống nhất (1990). Những vở hài kịch truyền hình này chuyên nghiệp và quen thuộc đến mức được coi như là biểu trưng của nền "công nghiệp giải trí hài".
Điểm đặc trưng của "Comedy" là lối diễn ứng biến trực tiếp với công chúng, châm biếm theo lối hiện đại, lối diễn sân khấu hoặc lối diễn trong các quán rượu (truyền thống), thậm chí du nhập nhiều phong cách tấu hài của các nước khác... Trong khi đó "Komödie" (từ gốc Đức) lại hàm ý nhắc tới các vở kịch hài và phim hài.
Với những trải nghiệm của mình, tôi tin tưởng mạnh mẽ lý thuyết rằng, những sản phẩm văn hoá mang tính sáng tạo (trong đó có hài) thường được sinh ra trên một nền tảng văn hoá cao. Cũng như nơi mảnh đất màu nỡ, sẽ mọc những chồi xanh mơn non và khoẻ mạnh. Nơi đó mỗi kịch tác gia và diễn viên, MC đều là những người đượm dầu xức văn hoá dân tộc của mình.
Tính hài hước Đức được cấu thành bởi nhiều quy ước với sự tương đồng trong nhận thức văn hoá. Đôi khi hài được lấy nguồn chất liệu từ... sự nghiêm túc. Hoặc lối chơi chữ dí dỏm mà thông tuệ của người Đức. Tuy nhiên, với những người mà tiếng Đức không phải là tiếng mẹ đẻ, thì chẳng dễ dàng gì để hiểu được tính hài hước Đức.
Tuy vậy, có nhiều vở hài của Đức lại được diễn bằng tiếng Anh. Một số chương trình hài của Đức bán bản quyền cho các kênh truyền hình nước ngoài. Trên nền văn hoá với nhu cầu thưởng thức tiếng cười, niềm vui, đã tạo ra một thị trường lớn cho công nghiệp giải trí hài ở Đức.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!