Tính đến nay, toàn thành phố Hải Phòng đã tiêu hủy 180.413 con lợn dịch tả lợn châu Phi, thiệt hại ước tính khoảng 368,8 tỷ đồng. |
Theo thống kê, tính đến ngày 25/8/2019, tại thành phố Hải Phòng, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 18.925 hộ thuộc 13 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Dương Kinh, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và Lê Chân. Số lợn tiêu hủy gần 180.500 con, trọng lượng hơn 9.600 tấn, tổng thiệt hại khoảng 368,8 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, theo nhận định của cơ quan chức năng, đàn lợn thành phố sẽ tiếp tục giảm do người chăn nuôi không thể tái đàn trong thời gian dịch bệnh còn tiếp diễn, bên cạnh đó một số hộ chăn nuôi quy mô lớn cũng tạm thời ngừng tái đàn hoặc giảm quy mô nuôi so với trước đây.
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Chi cục Chăn nuôi & Thú y thành phố đã hướng dẫn các hộ dân các biện pháp phòng chống dịch như: chỉ sử dụng nước giếng khoan có xử lý Chlorine, tuyệt đối không sử dụng nước ao, hồ, sông, ngòi…, kể cả nước máy cho lợn ăn, uống, rửa chuồng, dụng cụ chăn nuôi và tắm cho lợn.
Đồng thời, đã xây dựng, in ấn, cấp phát 3.000 tờ rơi, 2.300 tài liệu hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để cấp phát, hướng dẫn biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đến tận các cơ sở chăn nuôi, trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Cùng với thành phố, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh các huyện, quận cũng đã in ấn, cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức và cá thể chăn nuôi lợn phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Trong thời gian tiếp theo, cùng với việc chỉ đạo các biện pháp để khống chế dịch, các bộ, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất theo hướng sắp xếp lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi nói chung.