| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Khó xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm trong khai thác

Thứ Hai 15/03/2021 , 07:40 (GMT+7)

Dù cơ quan chức năng TP Hải Phòng đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau và thường xuyên để chống khai thác bất hợp pháp trên biển nhưng hiệu quả chưa thực sự cao.

Còn nhiều vi phạm 

Sau Tết Nguyên đán 2021, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã phối hợp với lực lượng biên phòng và trung tâm kiểm soát nghề cá ra quân đầu năm để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát việc ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật khi đi khác thác thủy sản với quyết tâm cao cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU.

Ghi nhận tại cảng cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ huyện Thủy Nguyên, nơi có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất Hải Phòng với số lượng hơn 200 chiếc, dù đã qua rằm tháng giêng (15/1 âm lịch), nhưng lượng thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản khá ít.

Lực lượng chức năng kiểm tra 1 tàu khai thác thủy sản tại cảng cá Ngọc Hải. Ảnh: Đinh Tùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra 1 tàu khai thác thủy sản tại cảng cá Ngọc Hải. Ảnh: Đinh Tùng.

Trong ngày đầu tiên kiểm tra một số tàu cá, lực lượng chức năng phát hiện 50% tàu cá vi phạm, hoặc thiếu thiết bị giám sát hành trình hoặc thiếu chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc không đủ biên chế trên tàu theo quy định.

Trong những trường hợp nói trên, điển hình như tàu HP-90828TS, tuy đăng ký là tàu cá nhưng thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, tàu này đang vận chuyển hàng hóa ra đảo Bạch Long Vĩ. Tàu này trước đây đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar (do Tổng cục Thủy sản hỗ trợ) nhưng nay không còn hoạt động, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, bỏ chạy khi lực lượng chức năng ra hiệu dừng tàu để kiểm tra.

Còn tại cảng cá chỉ định Ngọc Hải, trong ngày làm việc đầu tiên, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp tương tự, thậm chí có tàu còn không có giấy phép khai thác, không đủ điều kiện ra khơi đánh bắt và khai thác sai vùng quy định. Nguyên nhân cơ bản theo một số chủ tàu lý giải là mua lại tàu người khác chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, có người không biết chữ, kinh phí lớn hoặc chủ tàu cũ sau khi sang nhượng đã đi nước ngoài…

Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã có những biện pháp xử lý mềm dẻo, ngoài việc lập biên bản vi phạm, tuyên truyền nhắc nhở luôn tại chỗ, đã chỉ ra những giấy tờ, thủ tục cần phải hoàn thiện theo quy định và yêu cầu chủ tàu cam kết nếu còn vi phạm sẽ xử lý nhiêm theo quy định.

“Chúng tôi thực hiện các biện pháp để tuyên truyền cho chủ tàu, thậm chí xuống tận xã, tận nhà để làm việc với họ nhưng việc vi phạm vẫn diễn ra do nhiều lí do khách quan. Ví dụ như việc khai thác trái nghề, sai vùng, hiện nay vẫn còn tồn tại, chúng tôi đã có báo cáo nhưng hiện tại không thể khắc phục được ngay, ngư dân muốn chuyển đổi sang nghề khác thì phải có chi phí, có thời gian học tập hoặc đào tạo lại. Đấy là những cái bất cập mà ai cũng nhìn thấy mà không thể làm trong một sớm một chiều, chẳng lẽ đuổi dân lên bờ thì họ lấy gì ăn”, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết.

Cảng cá Ngọc Hải là một trong những cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Ảnh: Đinh Tùng.

Cảng cá Ngọc Hải là một trong những cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Ảnh: Đinh Tùng.

Khó xử lý dứt điểm

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, việc tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tàu cá được Chi cục thực hiện hết công suất, đã bố trí nhân lực trực 24/7 tại cảng cá Ngọc Hải thực hiện nhiệm vụ theo quy định, đồng thời phối hợp các bên liên quan, lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở chủ tàu cá/thuyền trưởng thực hiện các quy định về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản năm 2017.

Đồng thời, bố trí nhân lực trực Trạm bờ 24/24 thực hiện nhiệm vụ theo quy định và thông báo cho các chủ tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình biết và nghiêm túc thực hiện theo quy định. Riêng trong tháng 2/2021, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra, lập biên bản xác nhận 93 lượt tàu cá xuất/nhập bến tại cảng cá Ngọc Hải.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều tàu cá vi phạm Luật thủy sản và các quy định về khai thác thủy sản trên biển do nhiều nguyên nhân, hiện nay tàu hoạt động dịch vụ hậu cần Thủy sản, trong số tàu này có nhiều tàu không cập cảng mua, bán hàng mà mua hàng trực tiếp của các tàu cá đang đánh bắt trên biển và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên việc kiểm soát, đối chiếu hồ sơ, sản lượng mua bán chưa thực hiện được.

Mặt khác, do đặc thù của nghề khai thác, số lượng tàu cá của Hải Phòng không thường xuyên neo đậu tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn thành phố, do đó việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hải Phòng trực tiếp xuống tàu kiểm tra và tuyên tuyền cho ngư dân. Ảnh: Đinh Tùng.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hải Phòng trực tiếp xuống tàu kiểm tra và tuyên tuyền cho ngư dân. Ảnh: Đinh Tùng.

Đối với việc ghi chép báo cáo, nhật ký khai thác của ngư dân mặc dù đã được hướng dẫn thường xuyên nhưng do hoạt động khai thác thủy sản trên biển thường xuyên đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hơn nữa ngư dân có trình độ dân trí thấp, ít tiếp xúc với việc ghi chép nên việc ghi chép, khai báo còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác.

Hơn nữa, công tác quản lý hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn Hải Phòng còn nhiều bất cập do chưa có sự thống nhất về mô hình quản lý, trong khi việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cảng cá, bến cá mới chỉ thực hiện tốt tại cảng cá Ngọc Hải, các cảng cá, bến cá khác chưa thực hiện được.

Cũng theo Chi cục thủy sản Hải Phòng, Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản có nhiều điểm mới nhưng chưa thực sự đồng bộ, nhiều điểm trong luật chưa được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn nên gây khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, hiện tại, thành phố đang có 1.173 tàu cá, trong đó số tàu cá có Lmax từ 6m đến dưới 15 m là 774 chiếc, còn số tàu cá có Lmax từ 15m trở lên là 399 chiếc, trong số này, 100% tàu cá đã được kẻ biển số, đánh dấu tàu cá, còn số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 304/399 chiếc. Mặt khác, Chi cục thủy sản đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 749 tàu cá và cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho những người làm việc trên tàu 256/399 tàu cá.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.