| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Người nuôi hà thất thu

Thứ Năm 13/02/2020 , 09:29 (GMT+7)

Những người mưu sinh bằng nghề nuôi hà tại xã Phù Long, huyện Cát Hải (Hải Phòng) đang có 1 năm kinh tế khá buồn khi việc nuôi trồng không thuận lợi và thất thu.

Hà sau khi thu hoạch được người dân ở thôn Nam, xã Phù Long đem tách vỏ và bán ngay 2 bên đường cho khách du lịch

Hà sau khi thu hoạch được người dân ở thôn Nam, xã Phù Long đem tách vỏ và bán ngay 2 bên đường cho khách du lịch

Chưa rõ nguyên nhân

Có mặt tại xã Phù Long những ngày đầu tháng 2, rất dễ để nhìn thấy những đống vỏ hà chất đầy 2 bên đường và cứ vài chục mét lại có từng tốp người đang tập trung tách vỏ hà sau đó bán trực tiếp cho người đi đường.

Theo người dân địa phương, gần 10 năm trở lại đây, nghề nuôi hà được xem là sinh kế của rất nhiều lao động tại xã Phù Long, nhất là phụ nữ. Tuy nhiên, gần đây việc nuôi hà của ngư dân ở đây gặp khó khăn, đặc biệt năm nay, người nuôi hà thất thu vì tỷ lệ bám ít và bị gầy hơn hẳn. Và vấn đề này chưa rõ nguyên nhân.

Vừa đưa dao tách vỏ hà cho khách, chị H., một người dân thôn Nam, xã Phù Long buồn bã cho biết: “Năm nay lại được giá tuy nhiên lại mất mùa. Năm ngoái có dây tôi được khoảng 4-5kg hà đã tách vỏ, nhưng năm nay có dây chỉ có 1-2 con bám. Chú xem tôi bóc cả chục bao tải rồi không biết được 5kg chưa”.

Bình thường mỗi dây sẽ thu về từ 4-5kg hà đã bỏ vỏ, nhưng năm nay trung bình mỗi dây chỉ có 1 vài con, thậm chí có dây không có

Bình thường mỗi dây sẽ thu về từ 4-5kg hà đã bỏ vỏ, nhưng năm nay trung bình mỗi dây chỉ có 1 vài con, thậm chí có dây không có

Cách chị H không xa, bà D cùng 5 người khác trong gia đình cũng đang tách vỏ hà, chia sẻ: "So với năm ngoái, năm nay, tỷ lệ hà chết thấp hơn chỉ bằng 1/3, nhưng không hiểu sao lại gầy, không được như trước đây. Thậm chí hà đã bám vào rồi nhưng không hiểu sao lại bị tẩy đi. Con hà sống môi trường phải sạch. Từ trước đến nay chưa bao giờ thấy việc hà bám vào rồi thì lại bị tẩy ra. Không biết môi trường nước có bị làm sao không".

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Giao – Chủ tịch UBND xã Phù Long cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 60-70 hộ nuôi hà, năm nay hà mất mùa như phản ánh là đúng, tuy nhiên hiện tại chưa có cơ sở nào để đánh giá thực trạng, nguyên nhân tại sao lại vậy.

“Nuôi thủy sản rất nhạy cảm, có nước thì hà béo, không có nước thì hà gầy. Còn nói về nguyên nhân tại sao thì xã chưa đủ điều kiện để kết luận được đâu” – ông Giao khẳng định.

Nhiều người muốn chuyển nghề

Xã Phù Long được biết đến như là 1 điểm dừng chân lý tưởng trên đường từ trung tâm thành phố Hải Phòng ra Cát Bà, có 3 mặt giáp biển với nhiều điều kiện lý tưởng cho loài hà sinh sống.

Hà được nuôi người dân 'nuôi' ở các giàn tre tại các bãi bồi ven sông, ven biển.

Hà được nuôi người dân 'nuôi' ở các giàn tre tại các bãi bồi ven sông, ven biển.

Trước đây, ngư dân thường khai thác hà trong tự nhiên, mỗi tháng chỉ những ngày nước cạn mới có hà để bán. Gần 10 năm trở lại đây, ngư dân đã chuyển sang nuôi hà và năng suất cao hơn hẳn, người dân cũng chủ động hơn trong thu hoạch, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên.

Tuy rằng vẫn gọi là nuôi hà nhưng thực chất quá trình nuôi gần như dựa hoàn toàn vào tự nhiên, từ nguồn giống đến nguồn thức ăn, người dân chỉ việc chọn những nơi phù hợp tại các bãi bồi ven sông, ven biển để làm giàn và treo vỏ hà đã được cạo sạch. Sau đó chờ những con nước thủy triều đem theo ấu trùng hà vào bãi bám vào và khi đã lớn thì thu hoạch.

Nuôi hà ngày càng khó khăn, nhiều ngư dân tại xã Phù Long đã tính đến việc đổi nghề

Nuôi hà ngày càng khó khăn, nhiều ngư dân tại xã Phù Long đã tính đến việc đổi nghề

Nguồn thu từ hà khá cao, nếu được mùa, mỗi dây hà có thể thu được từ 4-5kg phần ruột sau khi đã tách vỏ, đem bán có thể thu về trung bình khoảng 120.000đ/1kg. Với nhiều người, nuôi hà đã được xem là nghề chính và mang lại cuộc sống khá sung túc cho gia đình.

Trước thực tế ngày càng khó khăn trong việc nuôi hà, khi được hỏi đa số người dân làm nghề này tại xã Phù Long đều bày tỏ mong muốn được chuyển đổi nghề như đi làm công ty hoặc 1 nghề nào đó ổn định hơn.

“Bà con bây giờ nuôi không được, không hiểu do nguồn nước hay cái gì mà ngoài sông tôm cá cũng không còn nhiều, nếu không muốn nói là gần như hết. Khu vực này cả làng nuôi, bây giờ là nghề chính rồi. Nghề nghiệp không có, mong mấy con hà, giờ hà như thế này thì làm cái gì.

Bây giờ làng chị thất nghiệp nhiều, người trẻ đến người trung trung tuổi. Chỉ mong có 1 công ty nào đó để chuyển đổi nghề. Như nhà tôi 1 vụ hà chỉ được khoảng 10 triệu, nay thế này không biết lấy gì ăn” – Chị Nhung, một người dân thôn Ao Cối, xã Phù Long chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.