| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng và Quảng Ninh đang là 'cái nôi' cải cách của nền kinh tế

Thứ Năm 23/06/2022 , 06:16 (GMT+7)

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc đã nhận định như vậy. Ông cho rằng Hải Phòng và Quảng Ninh là nơi xứng đáng nhất để thử nghiệm cho cải cách liên tỉnh, liên vùng.

Ngày 22/6, tại Quảng Ninh, Diễn đàn kinh tế - tài chính 2022 với chủ đề: "Tạo đột phá, phát huy nguồn lực phát triển vùng Đông Bắc Bộ" đã được tổ chức.

Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng diễn đàn.

Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng diễn đàn.

Tới dự diễn đàn về phía các tỉnh, thành phố có: ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

Diễn đàn có sự tham dự của các diễn giả: Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; PGS, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia...

Quảng Ninh, Hải Phòng là 2 nhà vô địch...

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đây là diễn đàn đầu tiên nói về phát triển khu vực Đông Bắc Bộ và vai trò của 2 địa phương lớn là Hải Phòng và Quảng Ninh.

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá rất cao về thành quả cải cách kinh tế của Quảng Ninh, Hải Phòng

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá rất cao về thành quả cải cách kinh tế của Quảng Ninh, Hải Phòng

"Nhắc đến vai trò khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tôi muốn dùng hình ảnh khác, trong vùng kinh tế trọng điểm cần đảm bảo có vai trò của 'đôi cánh' đột phá là Hải Phòng và Quảng Ninh. Cho đến nay Hải Phòng và Quảng Ninh đang là cái nôi cải cách của nền kinh tế và động lực của phát triển kinh tế của Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nói.

"Hai nhà vô địch cải cách đang ở đây", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh bởi Hải Phòng và Quảng Ninh mấy năm nay liên tục là "quán quân" trong cải cách và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân.

Với các cơ chế đặc thù, theo tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Hải Phòng và Quảng Ninh là nơi xứng đáng nhất để thử nghiệm cho cải cách liên tỉnh, liên vùng. Điều đó khẳng định vị thế của 2 địa phương.

Những lợi thế là tiềm năng thế mạnh của 2 địa phương này cũng được nhắc đến nhiều, như: 2 địa phương nằm ở cửa biển, cận biên, có sân bay và gần Hà Nội. Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc cho rằng đó là những lợi thế rất quan trọng cho các dự án đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, kết nối giao thông ở 2 địa phương đang tạo thuận lợi cho mọi kế hoạch thu hút nguồn nhân lực và vận chuyển hàng hóa.

Thêm nữa, khu vực này có chất lượng nguồn nhân lực cao nhất, có các trung tâm đào tạo chất lượng cao, có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế. Đây được cho là những lợi thế để Quảng Ninh và Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới.

Đây cũng là điểm kết nối giữa Việt Nam - ASEAN và Đông Bắc Á; là khoảng cách rất thuận lợi để trở thành tâm điểm cho các giao dịch, phát triển logistics...

Tuy nhiên, nêu ý kiến tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng tình cho rằng, sự liên kết với nhau giữa các địa phương còn yếu, như liên kết về thể chế, chính sách, kết nối chuỗi giá trị...

PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nói mặc dù đây là 2 "ngôi sao" về cải cách và tăng trưởng nhưng vấn đề liên kết vùng trong khu vực vẫn còn mờ nhạt. 

Do đó, các chuyên gia đề xuất, nên tăng cường ban chỉ đạo hoặc hội đồng vùng; có thể thành lập hội đồng doanh nghiệp vùng để có cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào sự phát triển vùng bên cạnh các nhà đầu tư chiến lược, để có thể "nắm tay nhau", đưa ra các khuyến nghị chính sách, xây dựng các chiến lược để phát triển kinh tế vùng.

Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ hợp tác, phát triển toàn diện

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết Quyết định số 198/2014/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: "Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, phát biểu tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, phát biểu tại diễn đàn.

"Vì được coi là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nên từ năm 2009, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ký các chương trình hợp tác, phát triển toàn diện giữa 2 địa phương để cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ", ông Nguyễn Đức Thọ cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Hải Phòng, được sự quan tâm, định hướng của Trung ương, trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng được đầu tư xây dựng mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Điều này đã góp phần khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và sắp tới sẽ nối thông đến cửa khẩu Móng Cái, kết nối với trục cao tốc Lào Cai - Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, tạo ra vành đai giao thương quan trọng giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với Trung Quốc và thế giới.

Cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới.

Cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là cây cầu lớn nhất cả nước và đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới.

Cũng theo lãnh đạo TP Hải Phòng, trong thời gian tới, một số dự án kết nối hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng sẽ tiếp tục được triển khai, hoàn thành như: Dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10; Dự án tuyến đường cao tốc ven biển nối 7 địa phương: Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An.

Cùng với các dự án kết nối hạ tầng giao thông, các địa phương đã tích cực phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản.

Thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác, phát triển du lịch thông qua việc liên kết, hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch tới khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối; tích cực triển khai liên kết hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, tạo không gian phát triển chung giữa ba địa phương Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 11 tháng đạt gần 235 triệu USD

Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

DT Group nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Khánh Hòa Việc DT Group được vinh danh với giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã khẳng định cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, uy tín và chất lượng của thương hiệu rong nho.