Giới trẻ phương Tây cởi mở
Hai tổ chức tư vấn là Quỹ Bertelsmann (Mỹ) và Quỹ Marshall (Đức) vừa đồng chủ trì công bố một báo cáo điều tra thực hiện ở 11 nước phương Tây về cách nhìn nhận một loạt vấn đề quốc tế nổi bật, từ biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 đến các quốc gia hay khu vực nóng như Trung Đông, Trung Quốc.
Một kết quả thú vị được nhấn mạnh trong báo cáo ghi nhận giới trẻ phương Tây trong độ tuổi 18 - 24 có cái nhìn thoáng và tích cực hơn nhóm lớn tuổi hơn họ về Trung Quốc. Điều đó trái ngược với kết quả chung cho thấy tỷ lệ lớn nhất từ 11.000 người được lấy ý kiến vẫn có quan điểm tiêu cực về vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mới đây, trong một sự kiện tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi toàn thể đảng viên và truyền thông nhà nước chung sức “kể những câu chuyện tốt về Trung Quốc” và nhấn mạnh đến nhu cầu “kiến thiết môi trường dư luận bên ngoài thuận lợi”.
Theo báo cáo có tựa đề Khuynh hướng xuyên Đại Tây dương (Transatlantic Trends), trên một nửa số người được điều tra nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ với lựa chọn nước này có ảnh hưởng không tốt trên bình diện toàn cầu. “Đặc biệt tại Canada, Mỹ, Đức và Anh, giới trung niên chia sẻ với quan điểm chung của chính phủ”, báo cáo cho biết.
Tại Canada và Đức, trong khi bình quân cả nước thì lần lượt là chỉ có 27 - 28% thiện cảm với Trung Quốc, nhưng công dân trong độ tuổi 18 - 24 thì cùng có 42% đánh giá Trung Quốc là đối tác. Tại Anh, tỷ lệ chung “toàn dân” là 20% nhưng nhóm thanh niên độ tuổi trên có 29%. Các tỷ lệ tương tự tại Mỹ là 15% và 25%.
Quan điểm kém tích cực nhất đến từ nhóm công dân Đức và Thụy Điển, hai nước chiếm 2 vị trí đầu với tỷ lệ đánh giá tiêu cực về ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu lần lượt là 67 - 69%. Những người dân được hỏi ở Thụy Điển đa số ủng hộ chính phủ có đường lối cứng rắn với Trung Quốc về lĩnh vực nhân quyền. Nhìn chung, ở các lĩnh vực khác như an ninh mạng hay biến đổi khí hậu thì vai trò của Trung Quốc cũng không được công dân phương Tây ủng hộ.
Năm ngoái, Viện nghiên cứu Pew đặt trụ sở ở Mỹ cũng có một cuộc điều tra dư luận tương tự và cho kết quả tương tự. Một tỷ lệ cao công dân thế hệ thiên niên kỷ cởi mở hơn thế hệ từ 40 tuổi trở lên.
Benjamin Barton - Phó Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế từ Đại học Nottingham Malaysia nói rằng ông không ngạc nhiên về quan điểm của giới trẻ trong các báo cáo. “Dù có chiến tranh thương mại hay nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập trật tự thế giới mới, tôi nghĩ rằng giới trẻ ở phương Tây vẫn thích Trung Quốc bởi họ nhìn thấy ở nước này một vai trò dẫn dắt tương lai cũng như định hình thế giới trong tương lai mà họ hiện diện”, Barton nói.
Barton lưu ý, ở nhiều nước phương Tây, hiện giờ giới trẻ được nghe nhiều đến việc Trung Quốc là quốc gia thách thức và đã sáng ngang với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, trái ngược với thế hệ lớn hơn trải qua một thời gian dài nhìn nhận Trung Quốc là quốc gia khép kín, chậm phát triển.
Tẩy chay Olympic mùa đông
Trong ngày 7/6, một nhóm chính trị gia châu Âu và Bắc Mỹ khởi động chiến dịch lập pháp chung kêu gọi tẩy chay chính trị đối với Thế vận hội mùa đông 2022. Chiến dịch diễn ra tại 10 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, nhằm thuyết phục Quốc hội, chính phủ và các quan chức dân cử khác từ chối lời mời tham dự sự kiện sao năm tới.
Tại Mỹ, một dự thảo nghị quyết được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks hậu thuẫn, kiến nghị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kích hoạt cơ chế khẩn cấp tìm kiếm địa điểm thay thế Trung Quốc. Quan điểm này được Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ủng hộ.
Tại Nghị viện Châu Âu, 10 quốc gia thành viên sẽ đệ trình văn bản yêu cầu Hội đồng Châu Âu đặt vấn đề xem EU có nên hay không gửi một phái đoàn tham dự Thế vận hội, đồng thời ra khuyến nghị đến cộng đồng các nhà tài trợ châu Âu cân nhắc khi ký hợp đồng. Italy và Thụy Sĩ còn có động thái yêu cầu được truyền thông đầy đủ về các vấn đề quan tâm lẫn sự kiện Olympics tại Trung Quốc.