| Hotline: 0983.970.780

Hai tỉnh phối hợp bảo vệ công trình an ninh Quốc gia

Thứ Bảy 16/11/2019 , 09:51 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng đã có những chuyển biến tích cực, nước lòng hồ đã trong trở lại.

Việc tuần tra, kiểm soát lòng hồ được tăng cường thường xuyên nhằm phát hiện sai phạm.
Đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cụ thể là sự phối hợp theo quy chế giữa hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh trong công tác bảo vệ công trình an ninh uốc gia này.
Theo lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương, việc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, thăm dò và khai thác khoáng sản tại hồ Dầu Tiếng liên quan đến nhiều Sở, như TN-MT, GTVT, KH-ĐT. Vì vậy, công tác quản lý cũng gặp không ít khó khăn.
 
Cụ thể, qua phối hợp kiểm tra thực tế, Sở TN-MT hai tỉnh này đã phát hiện nhiều trường hợp khai thác cát không phép là do các hợp đồng gia công giữa các chủ giấy phép và chủ bến bãi. Nên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những quy định chặt chẽ hơn, nhằm chấm dứt hoàn toàn việc ký kết các loại hợp đồng gia công khai thác cát.
 
Bên cạnh đó, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng chỉ đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện phục vụ khai thác cát của các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản; kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động các bến bãi không gắn với giấy phép khai thác khoáng sản, không phù hợp với quy hoạch bến thủy nội địa và tình hình thực tế.
Thực hiện chỉ đạo này, các sở, ngành và địa phương tùy theo chức năng tham mưu, quản lý đã phối hợp rà soát hoặc tự rà soát các loại giấy phép được cấp trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.
 
Sau thời gian phối hợp thực hiện quyết liệt, ngành chức năng hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương đã phát hiện số lượng phương tiện bơm hút, vận chuyển cát trên địa bàn không trùng khớp. Cụ thể, phía Tây Ninh báo cáo Bình Dương có 46 tàu hút và vận chuyển cát, nhưng Sở GTVT Bình Dương lại báo cáo con số này là 64. Nguyên nhân có sự chênh lệch này được xác định là do các chủ phương tiện lợi dụng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh, mặt hồ rộng, địa hình phức tạp để giấu phương tiện.
 
Dọc bờ hồ, rất nhiều bảng nội quy bảo vệ hồ, góp phần nâng cao ý thức người dân. Ảnh: PL
 
Trên cơ sở báo cáo, tham mưu của các ngành chức năng, UBND hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thống nhất: Chỉ những phương tiện đã đăng ký, gắn với giấy phép khai thác khoáng sản mới được phép hoạt động trong hồ Dầu Tiếng, các phương tiện còn lại phải di dời khỏi lòng hồ. Thực hiện tinh thần này, lực lượng công an đã nỗ lực tuần tra, truy quét. Kết quả, đã xử lý hàng chục vụ vi phạm, phạt hành chính số tiền gần 2 tỷ đồng, bắt giữ hàng loạt phương tiện bơm hút và vận chuyển cát trái phép.
 
Với quyết tâm cao, phối hợp vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương, việc lập lại trật tự khu vực lòng hồ Dầu Tiếng đã đạt được một số kết quả nhất định: Nhiều bến bãi đã tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn việc tập kết kinh doanh cát; một số tàu thuyền đã di dời khỏi lòng hồ hoặc được kéo lên bờ; xe chở quá tải, gây bụi, tiếng ồn làm hư hỏng đường xá đã từng bước được khắc phục và đi vào nề nếp; chủ các giấy phép khai thác khoáng sản đã và đang khắc phục những tồn tại trong hoạt động khai thác cát. Đặc biệt, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã phấn khởi, tin tưởng vào các cấp chính quyền.
 
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản, lập lại trật tự, an toàn cho công trình hồ Dầu Tiếng, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT rà soát hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi và Luật Khoáng sản để thống nhất về việc cấp các loại giấy phép hoạt động khoáng sản, hoạt động bến bãi, hoạt động của các phương tiện trong lòng hồ cũng như việc xử lý vi phạm (nếu có); đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ và địa phương trong việc cấp giấy phép, kiểm tra các hoạt động trong hồ.
 
Khi cơ quan chức năng “siết” hoạt động khai thác cát trái phép, nhiều ghe hút cát phải nằm “án binh bất động”. Ảnh: PL
 
Bên cạnh đó, Sở TN-MT hai tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện ven hồ như Dầu Tiếng (Bình Dương), Dương Minh Châu, Tân Châu (Tây Ninh), chỉ đạo UBND các xã ven hồ Dầu Tiếng, cùng các ban ngành: GTVT, Công an, Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, phát hiện sớm những sai phạm trong công tác bảo vệ hồ để chấn chỉnh, xử lý ngay từ khi mới hình thành, bảo đảm không để tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ảnh hưởng đến an toàn công trình.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.