Một cánh đồng khô cằn vì hạn hán ở bang New South Wales, Australia. (Ảnh: EPA) |
Mellissa Conomos có một trang trại gia súc rộng hơn 1 km2 ở Gunnedah, tây bắc bang New South Wales, Australia. Những tháng cuối năm 2018, tình trạng hạn hán khiến bà gặp không ít khó khăn. “Lũ gia súc sống trên đất cát”, bà nói. “Bạn phải đưa cừu trưởng thành khỏi những con non mới sinh bởi chúng biết chúng không thể nuôi con trong điều kiện như thế”.
Theo BBC, Gunnedah là một trong rất nhiều nông dân bị ảnh hưởng bởi thời kiết khô hạn kéo dài ở tây Australia, được so sánh với đợt “hạn hán thiên niên kỷ” đã tàn phá quốc gia này những năm 2000.
Conomos đã phải bán một nửa đàn bò Angus đen của mình, cùng với 30 con cừu. “Một số người phải cho gia súc ăn vỏ cam, tình trạng tồi tệ đến như vậy đấy”, bà chia sẻ.
Hình ảnh những đồng cỏ trơ trụi và động vật chết vì đói khiến người dân Australia hoảng sợ. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh cứu trợ hạn hán là “yêu cầu cấp thiết nhất của quốc gia” lúc bấy giờ.
Một nhà thơ từng mô tả Australia là “quốc gia cháy nắng... vùng đất của hạn hán và mưa lũ”. 70% diện tích đất liền ở đây được phân loại khô cằn hoặc bán khô cằn, đồng nghĩa nó nhận được lượng mưa hàng năm ít hơn 500 mm.
Chỉ một nửa diện tích đất Australia được dùng cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả trong những năm thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng vẫn thấp hơn đáng kể so với những quốc gia khác.
Nhờ tính tháo vát và liên tục đổi mới, hầu hết nông dân Australia vẫn duy trì được cuộc sống, tối đa hóa lợi nhuận khi thời tiết tốt và chuẩn bị đối phó với hạn hán bằng cách để dành tiền và dự trữ thức ăn gia súc. Số khác tìm cách “canh tác trên sa mạc” . Họ không muốn rời khỏi các trang trại đã được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình.
“Thực tế là khí hậu Australia cực kỳ thất thường với thời gian hạn hán ngày càng kéo dài”, John Daley, giám đốc điều hành viện chính sách Grattan, nhận xét. “Tình hình hiện nay không phải quá bất thường. Vậy nên nếu bạn không thể vượt qua hạn hán, diễn ra theo những cách rất dễ đoán, bạn phải tự hỏi mình vì sao”.
Ngày nay, nông nghiệp Australia có giá trị khoảng 45 tỷ USD (2016-2017), với hơn 3/4 là sản lượng xuất khẩu. Những người bên ngoài thường ngạc nhiên khi biết rằng sản phẩm nông nghiệp của Australia còn bao gồm lúa và bông ưa nước.
Linda Botterill, giáo sư chính sách công tại Đại học Canberra cho rằng nông nghiệp là “một phần bản sắc dân tộc” của Australia vì thế những người nông dân luôn được hỗ trợ tối đa.
Trên khắp đất nước, vô số sự kiện gây quỹ cho nông dân được tổ chức. Chuỗi siêu thị Coles hồi tháng 8 năm ngoái còn tổ chức gây quỹ viện trợ nông dân chịu hạn hán. Cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từng khẳng định các quỹ hỗ trợ hạn hán nhằm mục đích giúp khôi phục những gia đình nông dân gặp khó khăn, không nhằm vực dậy các doanh nghiệp thất bại.
Tuy nhiên, theo ông Peter Harris, chủ tịch Ủy ban Năng suất, cơ quan tư vấn kinh tế chính của chính phủ liên bang Australia, cho rằng hàng thế kỷ viện trợ hạn hán đã ngốn nhiều tỷ USD nhưng không giúp ích gì nhiều cho nông dân và những biện pháp tương tự đang được thực hiện “sớm muộn cũng thất bại”.
Greg Jerry, chủ một trang trại chăn nuôi gia súc ở New South Wales, đứng bên cạnh xác một con bò chết vì hạn hán. (Ảnh: FT) |
Những thách thức mà nông dân phải đối mặt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi mà tình trạng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán thường xuyên và trầm trọng hơn, làm thay đổi chu kỳ mưa và biến nhiều vùng đất nông nghiệp trở nên khô cằn, không thể canh tác.
Phát ngôn viên đảng Lao động đối lập Australia Joel Fitzgibbon từng cảnh báo Thủ tướng Morrison rằng ông sẽ “khiến nông dân lâm vào cảnh thất bại” nếu không thừa nhận biến đổi khí hậu là một nhân tố gây nên nạn hạn hán hiện nay và tìm cách để “giảm thiếu ảnh hưởng cũng như thích nghi”.
Để đối diện với những thách thức trong tương lai, nông dân cần dữ liệu tốt hơn về thời tiết, thổ nhưỡng cũng như các loại cây trồng chịu hạn tốt, theo giáo sư Barry Pogson, nhà sinh vật học tại Đại học Quốc gia Australia.
Ông đang nghiên cứu các cách can thiệp vào hệ gen để truyền tín hiệu khiến cây trồng bước vào chế độ sinh tồn nhanh hơn, sau đó khôi phục chúng về chế độ tăng trưởng khi hạn hán giảm xuống, qua đó khiến cây trồng cho năng suất cao hơn.
John Freebairn, giáo sư kinh tế tại Đại học Melbourne, nhận định nông dân nên quyết định họ nên canh tác, nuôi trồng như thế nào.
“Nếu họ nghĩ họ có thể đẩy lợi nhuận lên cao, với công nghệ hay bất cứ thứ gì, vào có thể thực hiện nó, điều đó thực sự tốt”, ông nói. “Nhưng chúng ta không nên trợ cấp cho họ”.
Theo Mellissa Conomos, tình trạng khô hạn hiện nay còn tồi tệ hơn đợt “hạn hán thiên niên kỷ” trước đây. “Tôi chưa bao giờ thấy cảnh cả quận khô cằn đến thế”, bà cho biết.
“Nông nghiệp luôn là một canh bạc nhưng hiện tại, chúng tôi sống qua ngày và chỉ biết cầu nguyện, hy vọng mưa sẽ trút xuống”, Conomos nói.