| Hotline: 0983.970.780

Hạn, mặn khốc liệt: Thuê sà lan chở nước ngọt… cứu vườn cây!

Thứ Sáu 21/02/2020 , 17:38 (GMT+7)

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều nhà vườn tại ĐBSCL phải thuê sà lan chở nước ngọt về tưới cứu vườn cây ăn trái đang khô khát, héo rũ vì hạn, mặn…

Đoàn bác sĩ cây trồng xuống khảo sát vườn cây ăn trái tại vùng bị hạn mặn Bến Tre. Ảnh: Minh Sáng.

Đoàn bác sĩ cây trồng xuống khảo sát vườn cây ăn trái tại vùng bị hạn mặn Bến Tre. Ảnh: Minh Sáng.

Cả chục triệu mỗi sà lan nước ngọt

Những ngày tháng 2 này, vùng ĐBSCL, đặc biệt là các địa phương ven biển đang phải gồng mình chống hạn, mặn chưa từng có. Hạn mặn đang bủa vây và xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục, thậm chí cả trăm km. Các cống đập ngăn mặn phải đóng chặt khiến nhiều diện tích cây ăn trái đặc sản của vùng ĐBSCL đang bị “khát” giữa bốn bề… nước mặn.

Cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.600 ha vườn sầu riêng chuyên canh, chính vì hệ thống kênh rạch nơi đây chằng chịt, chưa có cống đập khép kín khiến nước mặn xâm nhập vào sâu các khu vực. Đặc biệt, nhiều vườn sầu riêng ven sông, rạch nước mặn đã thẩm thấu vào mương vườn, do không còn nước ngọt tưới khiến nhiều vườn sầu riêng đang “khát” và có biểu hiện bị vàng héo, cháy, rụng lá.

Vườn sầu riêng 2 ha của gia đình ông Dương Văn Đây, ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng như hàng trăm hộ dân khác ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp hiện trong tình trạng khát nước ngọt. “So với năm 2016, hiện nước mặn cao hơn gấp 3 lần, rất nguy hiểm cho vườn cây. Mấy ngày qua vườn sầu riêng nhà tôi đang cho trái thấy có biểu hiện bị xuống sức rất nhanh khiến tôi lo quá đến mất ăn mất ngủ!”, ông Đây chia sẻ.

Theo ông Đây, chỉ vài tuần nữa nếu không có nguồn nước ngọt tưới thì nhiều vườn sầu riêng sẽ bị rụng trái hết và chết trắng. Chính vì thế, những ngày qua ông Đây cùng nhiều nhà vườn khác phải tìm thuê sà lan chở nước ngọt từ nơi khác về để giải cứu vườn cây. Tuy nhiên, mỗi sà lan nước ngọt với chi phí cả chục triệu đồng chở về bơm vào vườn thì cũng chỉ tưới cầm cự được một thời gian ngắn.

Tương tự, tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Tám (sát sông Tiền) đã không thể lấy nước vào vườn để tưới từ gần một tháng qua khiến vườn cây bị nhiễm mặn tới 3,2 ‰. Mặc dù gia đình ông đã đắp bờ bao ngăn mặn nhưng do sát sông Tiền nên hàng ngày bị nước sông rò rỉ vào khiến ông phải tốn chi phí bơm nước mặn ra hàng ngày và đi mua nước ngọt về để tưới cứu vườn cây.

Các bác sĩ cây trồng tư vấn giúp nhà vườn trị bệnh vườn cây. Ảnh: Minh Sáng.

Các bác sĩ cây trồng tư vấn giúp nhà vườn trị bệnh vườn cây. Ảnh: Minh Sáng.

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Đỗ Quốc Khánh cho biết, việc các nhà vườn thuê sà lan chở nước ngọt trên thượng nguồn về trữ trong mủ bạt rải dưới dòng kênh để tưới cầm cự cho vườn cây là rất tốt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế trong giai đoạn cao điểm mùa hạn mặn này. Mặt khác, chính quyền xã tuyên truyền nhà vườn phải thường xuyên theo dõi đo độ mặn hàng ngày, chờ căn con nước từ 20 đến 25 âm lịch nếu nước mặn dưới 1%o thì tiếp tục trữ nước để tưới tiết kiệm cho vườn cây.

Tương tự, tại các xã có diện tích cây sầu riêng lớn nhất của huyện Cai Lậy như: Tam Bình, Long Trung, Hội Xuân, Phú An, Long Tiên… cũng đang khan hiếm nguồn nước ngọt. Theo nhận định của cán bộ địa phương, với những vườn cây nằm xa nguồn nước, xa sông rạch, sà lan không thể tiếp tế nước ngọt vào tới thì có nguy cơ chết trắng trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nước mặn đang xâm nhập sâu vào sông Tiền. Nước mặn 3%o đã lấn sâu cách cửa sông hơn 70km, đe dọa đến 79.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh. Đặc biệt, trên 30.000 ha, gồm sầu riêng, bưởi, xoài, chanh, nhãn… ở các xã ven sông Tiền, vùng cù lao thuộc huyện Cai Lậy đang bị nước mặn bủa vây, có nguy cơ thiệt hại nặng”.

Theo ông Pháp, thực tế đo nước dưới sông Tiền có độ mặn từ 1- 3%o bao trùm toàn bộ cù lao; trong khi đó, cây sầu riêng không thể chịu được nước mặn 1%o. Nước trong các mương vườn của dân hiện cũng đã cạn hết, hoặc nếu vườn nào còn dự trữ được chút nước thì bốc mùi thối vì lá cây héo rũ rụng xuống, nếu dùng nước này tưới cây sẽ rất nguy hiểm.

Đo độ mặn giúp nhà vườn chủ động kiểm soát nguồn nước tưới vườn cây. Ảnh: Minh Sáng. 

Đo độ mặn giúp nhà vườn chủ động kiểm soát nguồn nước tưới vườn cây. Ảnh: Minh Sáng. 

Xuống tận vườn giúp dân

Chúng tôi có dịp theo chân đoàn Bác sĩ cây trồng và cán bộ của Viện cây ăn quả miền Nam (Sofri) xuống khảo sát tại một số vùng trồng cây ăn trái trọng điểm khu vực ĐBSCL để tìm giải pháp giúp nhà vườn chống hạn, mặn.

Theo các nhà vườn, hàng ngày vẫn có đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở các địa phương tích cực đi thăm và kiểm tra độ mặn giúp nhà vườn kịp thời ứng phó với tình trạng nước mặn xâm nhập vào kênh mương trong vườn cây. Thậm chí, có những nhà vườn đã tự mua thiết bị đo độ mặn về tự “xử” nhằm chủ động các biện pháp cứu vườn cây nhà mình.  

Nhà vườn thuê sà lan chở nước ngọt về trữ để tưới cây. Ảnh: Minh Sáng. 

Nhà vườn thuê sà lan chở nước ngọt về trữ để tưới cây. Ảnh: Minh Sáng. 

Ghé vào thăm vườn sầu riêng của gia đình ông Đặng Ngọc Phước, ấp Định Lễ, xã Phú Đức, huyện Châu Thành (Bến Tre), hiện cả vườn sầu riêng (160 gốc) đang bị tình trạng héo đọt non và vàng rụng lá.

Ông Phước tâm sự: “Ngay sau tết, do tôi không kịp nghe thông báo hạn mặn xâm nhập nên đã lấy nước dưới kênh tưới cho vườn. Mấy bữa nay kiểm tra thấy vườn sầu riêng cứ ra đọt non là bị vàng héo dần và rụng cả lá non nên vội báo cho các bác sĩ Bệnh viện cây trồng (Viện Cây ăn quả miền Nam) xuống kiểm tra và tư vấn biện pháp xử lý”.

Theo ông Phước, chưa năm nào vườn sầu riêng của gia đình ông bị tình trạng này, nay được các bác sĩ cây trồng xuống tận vườn tiến hành đo độ mặn dưới kênh và “chẩn bệnh”, tư vấn các biện pháp kỹ thuật khắc phục làm ông rất phấn khởi.

Những bảng thông tin độ mặn xâm nhập được người dân treo để tự nhắc nhở nhau. Ảnh: Minh Sáng.    TS. Lê Quốc Điền, Bác sĩ Bệnh viện cây trồng:

Những bảng thông tin độ mặn xâm nhập được người dân treo để tự nhắc nhở nhau. Ảnh: Minh Sáng.

TS. Lê Quốc Điền, Bác sĩ Bệnh viện cây trồng: "Năm nay do mặn xâm nhập quá sớm đúng thời điểm nhà vườn xử lý vườn nên không kịp né mặn, khi cây bị nhiễm mầm bệnh lá rụng xuống lòng kênh phân hủy tạo ra axít hữu cơ. Do vậy, khi bà con dùng nguồn nước này tưới và thuốc phun lên cây thì vườn cây càng đổ bệnh".

 Tiếp tục khảo sát kiểm tra nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Châu Thành (Bến Tre), đoàn bác sĩ cây trồng và cán bộ Viện Cây ăn quả miền Nam đã nhiều lần phải dừng xe giữa đường vì liên tục gặp các nhóm nhà vườn đem các mẫu nước lấy từ mương vườn nhà mình đến để

nhờ đo độ mặn và nghe tư vấn các biện pháp kỹ thuật phòng chống xâm nhập mặn và trị bệnh.

Nhà vườn đem mẫu nước tại kênh trong vườn nhà mình đến nhờ đoàn bác sĩ cây trồng đo độ mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Nhà vườn đem mẫu nước tại kênh trong vườn nhà mình đến nhờ đoàn bác sĩ cây trồng đo độ mặn. Ảnh: Minh Sáng.

TS. Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Viện CĂQ miền Nam cho biết: “Qua khảo sát thực tế thấy nhiều vườn cây ăn trái đang bị tình trạng suy kiệt do nhà vườn tiến hành làm rải vụ quá dày, xử lý vườn liên tục khiến cây trồng không có thời gian nghỉ sẽ dẫn đến tình trạng bệnh tấn công, cây “đột quỵ” sớm”.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Tiền, Phó phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết: “Hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều gặp khó khi tình trạng hạn mặn đến quá sớm, đột ngột và kéo dài, bắt đầu từ tháng 1 đến nay độ mặn liên tục tăng ở mức cao. Hơn nữa, lượng nước trữ trong mương vườn của bà con đến nay đã dần cạn kiện và nhiễm mặn khiến hầu hết các vườn cây đều đang thiếu nước tưới trầm trọng”.

Theo ông Tiền, hiện nay hầu hết các dòng kênh chính trên địa bàn huyện đều bị nhiễm mặn từ 3%o trở lên. Địa phương cũng đã tổ chức được 31 điểm khảo sát đo mặn hàng ngày và thành lập nhóm thông tin về phòng chống hạn mặn cập nhật thông tin thường xuyên và thông báo trên hệ thống tin cms cũng như đài truyền thanh giúp bà con chủ động ứng phó.

“Thực tế trong đợt hạn mặn vừa qua, nhiều nhà vườn còn khá chủ quan và bị động trong việc phòng chống và chăm sóc vườn cây. Sầu riêng là cây rất mẫn cảm với nước nhiễm mặn, chỉ cần tưới nước có độ mặn cao hơn 0,2 g/l (0,2‰) sẽ gây hại cho cây. Khi bị nhiễm mặn lá sẽ bị cháy khô, rụng, chết nhánh, chết cây. Cần phải có thông tin dự báo hạn mặn sớm hơn nữa, giúp nông dân chủ động ứng phó để “tự cứu mình trước” trước khi địa phương có giái pháp xử lý”. TS.Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam cho biết.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm