Hồi sinh sông Hán
Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sông Hán trở thành biểu tượng ô nhiễm của Hàn Quốc. Seoul thời đó tập hợp đầy đủ các yếu tố gây ô nhiễm nặng, từ chất thải công nghiệp đến sinh hoạt. Nước thải từ các nhà máy dệt, nhà máy sô cô và nước thải sinh hoạt là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm.
Thời điểm đó, cá chết ngập 2 bên bờ sông, các loại chim, gia cầm cũng không thể sinh sống ở đây. Nhận thấy sự cần thiết của việc hồi sinh sông Hán, chính quyền Seoul đã thảo luận và lập ngân sách. Mục tiêu là đưa sông Hán trở thành biểu tượng mới của Seoul.
Chính quyền Seoul chi tiêu số tiền này rất hợp lý, phân bổ ra nhiều giai đoạn làm sạch, trải qua nhiều năm.
Năm 1982, Hàn Quốc khởi động dự án làm sạch sông Hán với ngân sách 470 triệu USD, kéo dài trong 5 năm. Ông Kim In Sik, Giám đốc công ty cấp nước Seoul khi đó nói: “Sông Hán giống như quần áo của người dân Seoul, thứ mặc lên người hàng ngày thì phải sạch sẽ.
Dự án này được áp dụng trên hơn 30 km sông Hán chảy qua Seoul bao gồm 4 giai đoạn. Trong đó có cải tạo đường cao tốc, xây 4 nhà máy xử lý nước thải, lên kế hoạch nạo vét, kiểm soát mực nước trong mùa khô cũng như mùa lũ và xây dựng các công trình giải trí, cây xanh dọc dòng sông.
Kết quả đầu tiên của dự án quy mô này là vào Olympics năm 1988, sông Hán được chọn làm nơi tổ chức môn đua thuyền.
Giờ đây, khi đi từ sân bay Incheon về trung tâm Seoul, bạn sẽ được nhìn thấy dòng sông Hán đẹp tuyệt vời. Ngoài làn nước sạch, chính quyền còn xây lối đi bộ, đường xe đạp, công viên và nhà hàng dọc bờ sông. Dòng sông với những cây cầu càng lung linh hơn vào ban đêm, khi đèn đóm được bật sáng.
Cứu suối Cheonggyecheon
Là một nhánh của sông Hán, nhưng suối Cheonggyecheon lại có một câu chuyện rất khác. Sau chiến tranh, dòng suối dài 9km chảy qua trung tâm Seoul này trở thành nơi định cư của người dân. Áp lực dân số 2 bên bờ khiến chính quyền thành phố buộc phải xây một con đường cao tốc dài 5,6km lên phía trên suối, biến Cheonggyecheon thành một cống ngầm tự nhiên khổng lồ.
Tuy nhiên, đến năm 2003, thị trưởng Seoul khi đó là ông Lee Myeong-Bak quyết định loại bỏ con đường phía trên suối Cheonggyecheon, làm sạch cống và khôi phục dòng chảy.
Dự án trị giá 281 triệu USD khi đó trở thành chủ đề bàn tán của công chúng Seoul, đa số cho rằng đây là quyết định hài hước, sự phản đối đến từ người dân và thương nhân trong khu vực. Tuy nhiên, quyết định cứng rắn và đúng đắn này buộc những người sinh sống và buôn bán 2 bên đường buộc phải di tản.
Và rồi, khi dòng suối được hồi sinh vào năm 2005, người dân Seoul và các du khách đã phải kinh ngạc. Kể từ đó, mỗi năm có ít nhất du khách từ 30 quốc gia khác nhau đến thăm suối Cheonggyecheon.
Nhờ dự án, nhiệt độ trung bình của khu vực giảm 3,6 độ so với những nơi khác ở Seoul. Nó cũng hồi sinh đường đi bộ 2 bên suối nối các khu vực Bukchon, Namchon và Daehangro. Ngoài ra, việc hủy đường cao tốc cũng khiến lưu lượng xe vào nội đô giảm, tăng số lượng người sử dụng phương tiện công cộng.
Giờ đây, khi đến thăm Cheonggyecheon, du khách sẽ thấy một dòng suối trong sạch, cá bơi, chim hót khắp nơi. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được bố trí dọc 2 bên bờ, bên cạnh đó là khu vực dã ngoại, tập thể dục cho người dân.
Hàng năm, chính quyền Seoul còn tổ chức lễ hội đèn lồng trên dòng suối để thu hút thêm khách du lịch. Suối Cheonggyecheon từ chỗ bị cống hóa đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Seoul.
Theo Reuters, chỉ trong nửa đầu năm 2017, Trung Quốc phải chi đến 100 tỷ USD cho gần 8.000 dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước trên toàn quốc. Trong đó, có 343 địa điểm ô nhiễm được xác định, nguyên nhân đa phần do nước thải công nghiệp không được kiểm soát và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vô tội vạ. Trong năm 2017, chính quyền Bắc Kinh cũng bổ nhiệm hơn 200.000 vị trí quản lý các dòng sông trên cả nước. Những người này là một phần của hệ thống quản lý mới, được ra đời nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm của các quan chức địa phương có sông chảy qua. Ở Trung Quốc, nước sông được chia thành 6 cấp để đánh giá độ sạch. Cấp độ ô nhiễm nặng nhất được gọi là ‘dưới mức 5’, ở cấp độ này, nước được miêu tả là ‘đen và hôi thối’, không thể sử dụng cho dù là phục vụ công nghiệp. Tháng 9/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, trung ương sẽ cấp cho 20 thành phố khoản ngân sách trị giá 80 triệu USD/năm cho tới 2020 để giải quyết tình trạng nước đen và hôi thối ở sông ngòi. Sau đó, các địa phương sẽ được khuyến khích sử dụng các nguồn lực tại chỗ như sự đóng góp của doanh nghiệp hay người dân. Hiện nay, Trung Quốc đang khẩn trương tìm cách đối phó với ô nhiễm nước vì nó không chỉ đe dọa đến nhu cầu sinh hoạt mà còn không đủ chất lượng cấp cho công, nông nghiệp. Reuters dẫn số liệu chính thức của Trung Quốc cho biết, năm 2018, có 70% mẫu nước của quốc gia này đáp ứng được nhu cầu sử dụng của con người, tăng 2,1% so với năm 2017. Ngoài ra, số sông ngòi mất hết chức năng, coi như đã ‘chết’ của Trung Quốc cũng giảm từ 8,3% trong năm 2017 xuống 6,9% trong năm nay. |