| Hotline: 0983.970.780

Hàn Quốc xây dựng NTM thế nào?

Thứ Tư 24/08/2011 , 10:37 (GMT+7)

NNVN xin được giới thiệu tới bạn đọc khái quát những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn của xứ sở Kim Chi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chuyên trách NTM, Nguyễn Đăng Khoa (người mặc áo sẫm màu) và đoàn công tác thăm Học viện Saenaul Undong

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo TƯ Chương trình MTQG về xây dựng NTM do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo chuyên trách Nguyễn Đăng Khoa dẫn đầu vừa kết thúc chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn tại Hàn Quốc. NNVN xin được giới thiệu tới bạn đọc khái quát những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển nông thôn của xứ sở Kim Chi.

PHONG TRÀO LÀNG MỚI

Trong chuyến công tác, đoàn gặp nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Lee Soo Sung, làm việc với Thứ trưởng Bộ Lương thực, Nông - Lâm - Ngư nghiệp Hàn Quốc, lãnh đạo các cơ quan Phát triển nông thôn, Tập đoàn Phát triển cộng đồng. Thăm Học viện Đào tạo Saemaul Undong, Trường Đào tạo Nông dân Canaan, Làng mới Buraemi và tiếp xúc với một số DN của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Quá trình tìm hiểu mô hình NTM Hàn Quốc cho thấy, từ những năm 1960, nông thôn nước này cũng lạc hậu không khác gì nước ta. Năm 1970, 80% người dân nông thôn Hàn Quốc vẫn phải sống trong nhà mái lá không có điện thắp sáng. Đời sống người dân nông thôn Hàn Quốc được mô tả là “ánh đèn dầu mái nhà rơm”. Sự thay đổi bắt đầu sau trận lụt lớn năm 1969, một số làng quê vững vàng vượt qua thiên tai nhờ biết đoàn kết giúp đỡ nhau. Thấy vậy, Tổng thống Hàn Quốc đã phát động Phong trào Làng  mới (SAEMAUL) vào năm 1970 nhằm khuyến khích người dân tự lực hợp tác giúp đỡ nhau phát triển nông thôn.

Năm đầu tiên triển khai, trong tổng số 35.000 làng, trung bình mỗi làng được Chính phủ cấp 355 bao xi măng. Toàn bộ kế hoạch đều do chính làng đó quản lý. Kết quả, 16.000 làng đã được cải thiện rõ rệt. Tới năm thứ hai, Chính phủ quyết định tiếp tục hỗ trợ những làng đã sử dụng có hiệu quả bằng cách cấp thêm cho mỗi làng 500 bao xi măng và một tấn thép. Nhờ đó, làng xã phát triển nhanh chóng, người dân nông thôn lấy lại được sự tự tin vốn có.

Năm thứ ba, Chính phủ quyết định chia 35.000 làng thành ba loại: “CỞ SỞ”, “TỰ LỰC” và “TỰ LẬP” tuỳ theo tốc độ phát triển. Mỗi loại làng sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp khác nhau, trong đó ưu tiên hỗ trợ các làng thuộc nhóm cơ sở để phát triển hạ tầng cơ bản, hỗ trợ các làng nhóm trung bình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các làng thuộc nhóm khá tập trung vào phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Chính phủ Hàn Quốc qui định, những làng tăng hạng sẽ được thưởng 2.000 USD…

Sau 8 năm triển khai phong trào Saemaul Undong, cơ bản Hàn Quốc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các tuyến đường liên thôn đạt hơn 42.000 km, đường nội đồng đạt gần 69.000km. Cục diện đời sống nông thôn hoàn toàn thay đổi. Các nhà dân ở khu vực nông thôn dần hiện đại, số hộ có điện tăng từ 27% lên 100%, tất cả các giếng nước được bơm bằng mô-tơ điện. Thu nhập bình quân của các hộ gia đình nông thôn tăng lên 3 lần (thu nhập của nông dân tăng lên 3.000 USD/người/năm so với vài trăm USD của 7 năm trước). Khu vực nông thôn Hàn Quốc trở thành xã hội năng động, có khả năng tự tích luỹ, tự đầu tư và tự phát triển.

Từ năm 1999 đến đầu năm 2000, chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng khoảng kinh tế - tài chính, Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy cần khôi phục khí thế của phong trào Saemaul Undong để lấy lại động lực mới đưa đất nước vượt qua khó khăn. Trong giai đoạn mới, phong trào Saemaul không chỉ dựa trên ba nguyên tắc truyển thống mà còn dựa trên nguyên tắc mới gồm ba chữ C (thay đổi/change, thách thức/challenge, và Sáng tạo/Create) và bốn phong trào thành phần: Green Korea (hướng tới xây dựng một đất nước xanh, bền vững và hài hòa với thiên nhiên, môi trường), Smart Korea (xây dựng một đất nước đầy tính sáng tạo, trưởng thành, có cá tính), Happy Korea (xây dựng một xã hội luôn hạnh phúc, luôn cười tươi và vui vẻ), và Global Korea (một đất nước chủ động hội nhập, có vị thế đáng kể trên trường quốc tế, có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chung của toàn thế giới).

Đây được coi là một giai đoạn phát triển mới về chất của Phong trào Saemaul Undong. Trọng tâm nhấn mạnh tới yếu tố tinh thần, trách nhiệm công dân, khôi phục nền kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường sống và giúp đỡ những người nghèo.

NGƯỜI DÂN LÀ CHỦ

Một lãnh đạo trong Chính phủ Hàn Quốc khẳng định, phong trào Saemaul Undong đạt được thành công, yếu tố quyết định chính là phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Do đó, mọi tiêu chí lựa chọn dự án mới đều xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, điều kiện sống của người dân được cải thiện, tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi lâu dài.

Thay đổi nhận thức được coi là vấn đề khó khăn hơn cả, do vậy thành công lớn của phong trào Saemaul Undong chính là góp phần thay đổi nhận thức của người dân Hàn Quốc, từ cán bộ phong trào đến người dân. Từ tâm lý bi quan, ỷ lại của những năm 1960, sau khi phát động phong trào, người dân nông thôn Hàn Quốc đã tự tin hơn, gắn bó với nông thôn hơn và quyết tâm tự thay đổi bản thân mình, sẵn sàng đóng góp vào thay đổi cộng đồng nơi họ sinh sống.

Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Lee Soo Sung nhấn mạnh: “Phong trào Saemaul không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà còn là một cuộc cải tổ về ý thức dựa trên tinh thần “đã làm là được”, “tất cả đều có thể làm được”, “nhất định phải làm”. Hay nói cách khác, phong trào Saemaul là một cuộc cải tổ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, cả về vật chất và tinh thần, cho cả cộng đồng chứ không chỉ đối với từng cá nhân đơn lẻ”

Lòng nhiệt tình và ý thức của người dân nông thôn đối với những dự án Saemaul đã tác động đến người dân thành thị và công nhân, khiến họ cũng sẵn lòng tham gia những chương trình tự thân vận động để cải thiện nơi làm việc và cộng đồng của mình. Hầu như người dân hiểu rằng, Saemaul không chỉ giới hạn ở vùng nông thôn mà còn là phong trào phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trên cả đất nước. Ông Lee Sang Mu, cố vấn đặc biệt của Chính phủ về Nông - Lâm - Ngư nghiệp, phát biểu: “Phong trào Saemaul thực chất là cuộc cách mạng về tinh thần, đánh thức khát vọng của nông dân".

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố dẫn đến thành công của phong trào Saemaul là chính sách khuyến khích cạnh tranh giữa các làng với nhau. Thời gian đầu, Chính phủ hỗ trợ xi măng cho tất cả các làng; những năm tiếp theo các làng được đánh giá triển khai tốt thì được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn, những làng thăng hạng sẽ được thưởng. Qua đó, đã tạo ra động lực thu hút sự tham gia của khu vực nông thôn.

Thêm nữa, việc tôn vinh và trao thưởng cho những địa phương thực hiện thành công cũng là một yếu tố thúc đẩy đáng kể. Chỉ trong 3 năm triển khai phân loại làng (1974-1976), số làng thuộc nhóm cơ sở (làng nghèo nhất) đã giảm từ 53,1% xuống còn 0,9%. Tổng thống Hàn Quốc đã đặt ra “Giải thưởng Saemaul” để trao cho những nhà lãnh đạo cộng đồng xuất sắc như những anh hùng của phong trào. Hàng năm, Chính phủ tổ chức trao giải cùng tiền thưởng cho những làng thực hiện dự án thành công và tổ chức những người lãnh đạo đó được gặp mặt Tổng thống.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm