| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt quy định về quản lý phụ phẩm trong trồng trọt

Thứ Năm 19/08/2021 , 08:52 (GMT+7)

Để quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn phụ phẩm trồng trọt, đã có nhiều quy định mới liên quan đến quản lý phụ phẩm.

Luật Trồng trọt (2018)

Nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, là trụ đỡ của nền kinh tế giúp ổn định xã hội nhất là trong thời điểm đại dịch Covid 19 đang bùng phát mạnh. Tuy nhiên, sản xuất trồng trọt cũng gây phát sinh lớn phụ phẩm, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.

Theo Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2020 của Bộ NN-PTNT, sản xuất trồng trọt nước ta phát sinh khoảng 91,1 triệu tấn phụ phẩm/năm, bao gồm 60 triệu tấn rơm rạ, vỏ trấu, 9.96 trỉệu tấn thân lá, lõi ngôm 12,2 triệu tấn thân lá, bã sắn, 5,82 triệu tấn ngọn, lá, bã mía và hàng triệu tấn chất thải từ thân lá, cành cà phê, chè,…

Tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp: lợi đủ đường.

Tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp: lợi đủ đường.

Để quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn phụ phẩm trồng trọt, đã có nhiều quy định mới liên quan đến quản lý phụ phẩm.

Ngày 19/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Trồng trọt (số 31/2018/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020. Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng đã được quy định chi tiết tại Điều 76, trong đó chỉ rõ phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường và lan truyền sinh vật gây hại, khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm hàng hoá.

Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Bộ/Ngành và các địa phương thực hiện việc thu gom, quản lý và xử lý phụ phẩm cây trồng phù hợp để không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế từ nguồn phụ phẩm trồng trọt.

Luật Bảo vệ môi trường (2020)

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (Luật số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020)  đã có những quy định cụ thể liên quan đến quản lý phụ phẩm nông nghiệp, trong đó chủ yếu liên quan đến phụ phẩm trồng trọt.

Tại Điều 58 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường nông thôn có liên quan đến quản lý phụ phẩm nông nghiệp. Khoản 4, Điều 61 quy định phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.

Khoản 6 Điều 61 cũng quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiêp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.

Nhà nước có chính sách khuyến khích các mô hình tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương triển khai các hoạt động về quản lý phụ phẩm trồng trọt theo quy định của pháp luật.

Các Chỉ thị, Thông tư

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch.

Đối với cấp ngành, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2019 quy định về thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng trong đó đã giải thích rõ phụ phẩm cây trồng là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng và việc xử lý phụ phẩm cây trồng là việc áp dụng giải pháp công nghệ hoặc biện pháp kỹ thuật phù hợp làm tăng hiệu quả sử dụng; không làm ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

Trong đó, đối với thu gom phụ phẩm cây trồng, tại Điều 4 Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định: (i) phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, phân loại theo mục đích sử dụng, không để lẫn với hóa chất, bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tạp chất vô cơ khác trong quá trình thu gom, vận chuyển; (ii) Việc thu gom, vận chuyển phụ phẩm cây trồng không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực canh tác, giao thông, không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại; (iii) nhà nước khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong thu hoạch, thu gom phụ phẩm cây trồng; khuyến khích sử dụng kỹ thuật, công nghệ ép, nén phụ phẩm trước khi vận chuyển; (iv) tàn dư, phụ phẩm cây trồng trong vùng dịch hại thực vật thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Đối với xử lý phụ phẩm cây trồng, Điều 5 Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT quy định: (i) phụ phẩm cây trồng được xử lý gồm cày vùi hoặc phay, ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống, vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng, che phủ đất, ủ làm phân bón hữu cơ truyền thống, phơi khô và các giải pháp, biện pháp xử lý khác; (ii) khuyến khích việc sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm cây trồng và (iii) việc xử lý phụ phẩm cây trồng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

Điều 6 Thông tư 19/2019/TT-BNNPTNT còn nêu rõ (i) khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hoặc làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác; và (ii) phụ phẩm cây trồng được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón, sản xuất sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của pháp luật có liên quan.

Các Đề án, chương trình

Ngoài ra, trong các đề án, chương trình của Bộ NN-PTNT, phụ phẩm cây trồng đã được đưa vào trong danh mục ưu tiên thực hiện. Cụ thể, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 819/QĐ-BNN-KHCN ngày 26/3/2016) cũng đưa ra các ưu tiên gồm (i) triển khai các mô hình tổng hợp như sản xuất lương thực và năng lượng (IFES) dựa trên sử dụng triệt để các phụ phẩm trồng trọt cho mục tiêu năng lượng, (ii) ưu tiên triển khai các hoạt động thu gom, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để sản xuất phân bón hữu cơ, than sinh học, vật liệu xây dựng, đệm lót, hàng thủ công mỹ nghệ từ canh tác lúa, mía, dừa, cà phê, chè, ngô,….

Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 891/QĐ-BNN-KHCN ngày 17/3/2020) cũng xác định ưu tiên (i) đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ tổng hợp (ủ compost bằng bã ngô, rỉ mật mía, sản xuất than sinh học, sản xuất phân bón hữu cơ, trồng nấm, sản xuất đồ thủ công mũ nghệ) để tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; (ii) ưu tiên phát triển công nghệ phối trộn chất thải trồng trọt, sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, than sinh học, vật liệu xây dựng; (iii) bổ sung tiêu chí xã nông thôn mới nói không với đốt rơm rạ và phụ phẩm ngoài đồng ruộng; (iv) phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm trồng trọt cho sản xuất nhiên liệu, năng lượng.

Như vậy, có thể thấy rằng đã có đủ cơ sở pháp lý, định hướng ưu tiên trong quản lý phụ phẩm cây trồng từ luật, chỉ thị của Thủ tướng, các văn bản hướng dẫn và chương trình, đề án của ngành để các địa phương có cơ sở chủ động triển khai các giải pháp quản lý phụ phẩm trồng trọt.

Song hành với các quy định, Chính phủ và các Bộ/Ngành cần có các cơ chế linh hoạt, phù hợp để hỗ trợ các địa phương triển khai chính sách, pháp luật về quản lý phụ phẩm cây trồng. Các địa phương cần có những nỗ lực, sáng kiến để đưa pháp luật, chính sách gần hơn với nông dân, để môi trường nông nghiệp ngày càng trong lành, không đốt rơm rạ và còn tạo ra giá trị kinh tế từ phụ phẩm cây trồng.

Xem thêm
Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất