Những cánh rừng ở huyện Lục Nam đã bị buông lỏng quản lý dẫn tới việc bị “xẻ thịt”. |
Theo tài liệu của NNVN, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn (địa chỉ tại xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng và được giao quản lý 3.246,8ha đất rừng.
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã để xảy ra những sai phạm hết sức nghiêm trọng về lĩnh vực đất đai, tài chính, thuê khoán dẫn đến tình trạng gây thất thoát tài sản Nhà nước và bản thân công ty ngập trong nợ nần.
Đầu tiên là quản lý đất đai. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn được giao quản lý gần 2.000ha đất rừng tự nhiên. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, việc buông lỏng quản lý của công ty đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm, phát vén ở tổng cộng 4 tiểu khu, 12 khoảnh, 145 lô với tổng diện tích 276,08ha. Theo quy định của pháp luật, việc để mất đất rừng tự nhiên, nếu áp dụng theo đơn giá mức thấp nhất là 17.152.000 đồng/ha về mức bồi thường thiệt hại thì việc Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn để mất diện tích rừng trên đã gây thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng.
Tương tự là vấn đề quản lý đất rừng sản xuất. Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn được giao quản lý 789,5ha, sau khi Nhà nước thu hồi vào năm 2015 thì còn lại 780,4ha, tuy nhiên, trong quá trình quản lý, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn để bị lấn, chiếm 60,8ha, gây thiệt hại hơn 4,256 tỷ đồng.
Với mức tổng thiệt hại gần 10 tỷ đồng, rõ ràng đã có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên trong một quá trình dài, những sai phạm vẫn cứ tồn tại, không hề bị kiểm tra, xử lý.
Được biết, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn là ông Nguyễn Văn Bình. Ngoài việc chịu trách nhiệm chính với việc để xảy ra hàng loạt vi phạm về quản lý đất rừng, ông Bình còn phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện các nội dung khác theo đúng quy định.
Cụ thể, theo quy định, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn có trách nhiệm xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt, đồng thời, hàng năm phải báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp, giám sát, tuy nhiên, Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn đã không thực hiện những nội dung này.
Cũng dưới thời ông Bình làm lãnh đạo Công ty Mai Sơn, công nợ phải trả của doanh nghiệp này lên đến hơn 10,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngân hàng hơn 7,5 tỷ, nợ lương hơn 1,6 tỷ, nợ bảo hiểm xã hội hơn 84 triệu, nợ Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt tiền thuê khoán 1,377 tỷ đồng...
Trong đó, với diện tích sản xuất kinh doanh là hơn 719ha nhưng thực tế, Công ty Mai Sơn chỉ tự tổ chức sản xuất hơn 84ha, còn lại giao khoán cho 33 tổ chức, gia đình, cá nhân. Năm 2015, việc Công ty Mai Sơn hợp đồng với Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt và ông Trần Xuân Sơn để khoán và thu tiền trước trên diện tích 322,7ha đã được xác định là sai quy định của pháp luật...
Trước hàng loạt sai phạm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái đã giao Thanh tra tỉnh Bắc Giang củng cố tài liệu, chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang để xem xét, làm rõ hành vi buông lỏng quản lý đất đai; cho thuê khoán đất rừng, thu tiền trước trái pháp luật gây thiệt hại vốn, tài sản Nhà nước của Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Công ty Mai Sơn để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Bắc Giang có 5 công ty lâm nghiệp, sau khi Công ty Lâm nghiệp Sơn Động giải thể, 4 công ty còn lại gồm Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn và Mai Sơn. Theo kế hoạch những công ty này sẽ chuyển đổi theo mô hình công ty TNHH 2 thành viên, trong khi những đơn vị khác đang từng bước thực hiện chủ trương này thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn đang gặp những khó khăn vì có quá nhiều sai phạm. |
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Giám đốc các sở NN-PTNT, Tài chính, TN-MT, Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện Lục Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm và tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan...
Tuy nhiên, những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có vẻ như chưa được thực hiện nghiêm túc? Đơn cử như việc xử lý kỷ luật cá nhân liên quan thuộc Sở NN-PTNT Bắc Giang quản lý.
Ngày 31/1/2020, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, ông Dương Thanh Tùng ký văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh này về kết quả kiểm điểm như sau: Sau khi xem xét trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan, tại buổi kiểm điểm, các cá nhân “được” kiểm điểm đã thấy rõ được trách nhiệm bản thân trên cương vị, nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn...
Đối với diện tích 276,08ha rừng bị phá, trách nhiệm chính thuộc chủ rừng và chính quyền địa phương, nhưng với vai trò cơ quan tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, phối hợp các lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật, mặc dù đã xử lý được nhiều vụ vi phạm, tuy nhiên tình trạng phá rừng vẫn xảy ra...
“Các cá nhân được kiểm điểm chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm, chưa tham mưu được cho chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Mai Sơn, việc điều tra xác định các đối tượng phá rừng hiệu quả chưa cao, tính răn đe phòng ngừa vi phạm còn hạn chế”, văn bản Sở NN-PTNT Bắc Giang nêu.
Tuy nhiên, cũng theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, sau khi kiểm điểm, căn cứ vào trách nhiệm và mức độ khuyết điểm của từng tập thể, cá nhân, cơ quan này xét thấy mức độ khuyết điểm chưa đến mức kỷ luật và yêu cầu các tập thể, cá nhân nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Thiết nghĩ, với những sai phạm tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn, ngoài trách nhiệm của chủ rừng, cần phải làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, cũng như trách nhiệm người đứng đầu theo đúng quy định.