| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn ha cam ở Hà Giang đồng loạt bị vàng lá

Thứ Ba 09/08/2022 , 18:18 (GMT+7)

Hơn 1.400ha cam tại các địa phương của tỉnh Hà Giang đồng loạt bị bệnh vàng lá khiến người trông cam hoang mang, lo lắng.

Hàng nghìn ha cam ở Hà Giang đồng loạt bị vàng lá. Ảnh: Đào Thanh.

Hàng nghìn ha cam ở Hà Giang đồng loạt bị vàng lá. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, qua rà soát sơ bộ tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 1.400ha cam sành có hiện tượng vàng lá, khô đầu cành, cây sinh trưởng phát triển kém. Diện tích bị bệnh nói trên tập trung tại huyện Bắc Quang với hơn 979ha của 1.146 hộ tại 20 xã, thị trấn. Diện tích cây bị ảnh hưởng chủ yếu ở giai đoạn cây từ 5 đến 10 tuổi. Các xã bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Vĩnh Hảo, xã Tiên Kiều, xã Vĩnh Phúc, xã Việt Hồng. Đây cũng là các xã vùng cam nổi tiếng của tỉnh Hà Giang.

Tại HTX Nông dân trồng cam sạch Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) có 18 thành viên với diện tích cam 320ha. Đến nay, đã có 6 hộ thành viên trong HTX có cam bị vàng lá, khô đầu cành, sinh trưởng phát triển chậm với diện tích khoảng 50ha.

Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông dân trồng cam sạch Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu năm, phần lớn diện tích cam của HTX đều xanh tốt. Tuy nhiên kể từ các trận mưa giai đoạn tháng 3, tháng 4/2022, bắt đầu xuất hiện bệnh vàng lá ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng phát triển của cây cũng như năng suất, chất lượng quả. Hiện nay, trung bình mỗi năm diện tích cam của HTX cho tổng sản lượng đạt hơn 3.000 tấn, tuy nhiên năm nay do bị bệnh vàng lá nên năng suất chỉ ước đạt khoảng 2.500 tấn.

Tại huyện Quang Bình, qua rà soát sơ bộ có 424ha thuộc 7 xã có hiện tượng cây cam bị vàng lá, sinh trưởng phát triển kém. Xã Hương Sơn là địa phương có diện tích cam bị nhiều nhất với trên 248ha, sau đó đến xã Tân Trịnh 58ha. Các diện tích bị vàng lá, sinh trưởng, phát triển kém chủ yếu là các diện tích cam sành đang cho thu hoạch.

Ngành chức năng tỉnh Hà Giang kiểm tra thực tế các vườn cam bị bệnh hại. Ảnh: Nguyễn Tuấn.

Ngành chức năng tỉnh Hà Giang kiểm tra thực tế các vườn cam bị bệnh hại. Ảnh: Nguyễn Tuấn.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Giang, qua kiểm tra và trao đổi trực tiếp với các HTX, hộ gia đình trồng cam cho thấy, những vườn bị hiện tượng vàng lá, khô cành, sinh trưởng phát triển kém là các vườn lâu năm, già cỗi, cây cam phát triển kém. Một số diện tích vẫn dùng thuốc diệt cỏ. Hiện tượng cây cam vàng lá, sinh trưởng phát triển kém bắt đầu xảy ra từ sau đợt mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022.

Trước tình trạng cam đồng loạt bị vàng lá ở Hà Giang, các chuyên gia cây ăn quả có múi thuộc Viện Nghiên cứu rau quả đã kiểm tra và nhận định nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá, cây sinh trưởng phát triển kém là do thiếu dinh dưỡng, cây cam chưa được đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng phân bón vô cơ quá nhiều…

Qua phân tích mẫu đất cho thấy, đất trồng cam tại các vùng cam của Hà Giang độ pH thấp (đất chua), làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển cây cam. Một số vườn cam bị vàng lá là do bệnh Greening và Tristeza; do nhóm nấm, tuyến trùng có trong đất trồng cam…

Việc trồng cam theo hướng hữu cơ là giải pháp bền vững nhất giúp phục hồi đất hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Việc trồng cam theo hướng hữu cơ là giải pháp bền vững nhất giúp phục hồi đất hiệu quả. Ảnh: Đào Thanh.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả đưa ra các giải pháp như đối với vườn bị vàng, thối rễ với mật độ thấp, cần thực hiện thoát nước tốt sau các trận mưa; cần tưới vườn đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng trở lại; phun thuốc trừ nấm bệnh Alpine 80WG và Ridomil Gold 68WG lên cây ăn quả có múi và toàn bộ vùng đất trồng cây ăn quả có múi; tưới thuốc trừ nhóm rệp sáp hại rễ Movento 150OD của Công ty Bayer, tuyến trùng hại rễ Syngenta Tervigo của Công ty Syngenta vào trong đất....

Đối với vườn bị vàng lá, thối rễ với mật độ cao, cần thực hiện tiêu hủy ngay những cây bị vàng lá, thối rễ nặng không có khả năng hồi phục ra khỏi vườn cây có múi, sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc nấm, thuốc trừ rệp sáp và tuyến trùng vào khu vực cây bị tiêu hủy để khống chế nguồn bệnh, rệp sáp và tuyến trùng lây lan.

Các vườn cam cần thực hiện thoát nước tốt sau các trận mưa; xới xáo nhẹ 5 đến 10cm vùng đất bốn xung quanh tán cây ăn quả có múi; tưới thuốc trừ nấm bệnh Alpine 80WG và Ridomil Gold 68WG; tưới thuốc trừ nhóm rệp sáp hại rễ Movento 150OD của Công ty Bayer, tuyến trùng hại rễ Syngenta Tervigo của Công ty Syngenta theo khuyến cáo của nhà sản xuất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày vào toàn bộ vùng đất trồng cây ăn quả có múi...

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.