| Hotline: 0983.970.780

Cây có múi: Lơi ra là thoái hóa

Thứ Tư 24/11/2021 , 18:56 (GMT+7)

HÀ TĨNH Hà Tĩnh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc bảo tồn nguồn gen, bình tuyển các giống cam sạch sâu bệnh; áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao tuổi thọ cây cam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) đánh giá, cam Hà Tĩnh không chỉ ngon, ngọt mà đã xây dựng được các vùng trồng tập trung, kết nối hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) đánh giá, cam Hà Tĩnh không chỉ ngon, ngọt mà đã xây dựng được các vùng trồng tập trung, kết nối hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ảnh: Thanh Nga.

Ngày 24/11, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã kiểm tra công tác phát triển, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi nói chung, cây cam nói riêng tại Hà Tĩnh.

Sau nhiều năm khai hoang, mở đất, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh trồng được hơn 7.900 ha cam, chủ yếu tập trung ở 4 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600 ha. Trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất trên 11,7 tấn/ha; tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh cũng đang triển khai mô hình sản xuất cam hữu cơ chuyển đổi năm thứ 2 với quy mô 3 ha tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang và xã Lộc Yên, huyện Hương Khê.

Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, hiện đã kết nối 1.611 hộ sản xuất, 278 hợp tác xã/tổ hợp tác.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT lấy Hà Tĩnh thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số trong sản xuất cam. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT lấy Hà Tĩnh thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số trong sản xuất cam. Ảnh: Thanh Nga.

Cổng thông tin hỗ trợ người dân thực hiện truy xuất nguồn gốc đảm bảo 5 yếu tố cần về thông tin sản phẩm gồm: Thông tin sản phẩm, giấy tờ chứng nhận liên quan, nhật ký sản xuất, nhật ký vận chuyển và giao dịch, hệ sinh thái tham gia truy xuất nguồn gốc.

Hệ thống này được thực hiện theo chuẩn quốc gia và chuẩn GS1, giúp nhà vườn quản lý toàn diện các hoạt động nội bộ như xuống giống, bón phân, xử lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, đóng gói, phân phối, tiêu thụ…

Nhà phân phối thu mua sản phẩm và người tiêu dùng khi quét mã truy xuất nguồn gốc gắn trên sản phẩm có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về nhà vườn, điều kiện canh tác, thông tin chi tiết của sản phẩm.

Trang trại cam hơn 30 ha của hộ ông Bùi Xuân Vinh và Bùi Xuân Hải ở thôn Yên Bình, xã Lộc Yên (Hương Khê) bình quân mỗi năm cho lợi nhuận trên dưới 500 triệu đồng. Đây là những vườn cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được dán tem truy xuất đến từng gốc cam. Người tiêu dùng chỉ cần một chiếc smatphone quét mã QR là có thể tường tận được toàn bộ quy trình cho ra đời quả cam như làm đất, dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh...

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Hà Tĩnh cần quan tâm sâu sát đến việc bảo tồn, phát triển nguồn giống chất lượng, sạch bệnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Hà Tĩnh cần quan tâm sâu sát đến việc bảo tồn, phát triển nguồn giống chất lượng, sạch bệnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thị trường cam của trại ông Vinh, ông Hải nay không chỉ bó hẹp ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mà còn cung ứng đến các siêu thị, cửa hàng hoa quả ở các tỉnh thành lớn như Vinh (Nghệ An); Hà Nội, Đà Nẵng...

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chủ lực trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cam và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2021; ban hành văn bản gửi các bộ, ngành trung ương, các tỉnh và tập đoàn phân phối, siêu thị lớn trong cả nước về thúc đẩy hợp tác, kết nối tiêu thụ cam. Đến nay, nhiều tỉnh và các nhà phân phối lớn đã liên hệ với các đơn vị sản xuất cam trên địa bàn để kết nối, tiêu thụ cam Hà Tĩnh.

Sở Công Thương Hà Tĩnh đã chủ trì kết nối với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Tập đoàn Masan (Vinmart), Coopmart khảo sát trực tiếp các vườn cam trên địa bàn các huyện để kiểm tra tiêu chuẩn, kết nối vào hệ thống siêu thị trong cả nước; tổ chức tập huấn, quảng bá và kết nối xây dựng gian hàng Cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử voso, postmart. Tổ chức hội nghị kết nối, quảng bá cam Hà Tĩnh năm 2021 quy mô toàn quốc...

Việc phát triển cây cam nói riêng, cây có múi nói chung ở Hà Tĩnh cần đi vào bền vững, đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Thanh Nga.

Việc phát triển cây cam nói riêng, cây có múi nói chung ở Hà Tĩnh cần đi vào bền vững, đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Thanh Nga.

Thị sát vùng trồng cam đặc sản Khe Mây, Trại giống bưởi Phúc Trạch (huyện Hương Khê), Trại thực nghiệm và Sản xuất Giống cây ăn quả và Cây lâm nghiệp Truông Bát, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sản xuất cây ăn quả có múi ngoài việc đặc biệt quan tâm nguồn giống, cần phải duy trì đầu tư chăm sóc, lơi ra là cây thoái hóa ngay.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, cam Hà Tĩnh không chỉ ngọt đậm, quả đẹp mà đã xây dựng được nhiều vùng trồng tập trung, liên kết tiêu thụ từ người sản xuất đến siêu thị, các sàn thương mại điện tử...

"Đây là tiền đề để áp dụng chuyển đổi số đồng bộ trên các vùng trồng cam trong toàn tỉnh. Muốn làm được như vậy, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ phối hợp với Hà Tĩnh và các đơn vị chuyên môn cần ngồi lại với nhau để lấy Hà Tĩnh làm thí điểm, vướng ở đâu, Bộ sẽ hỗ trợ tối đa đến đó", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý thêm, Hà Tĩnh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc bảo tồn nguồn gen, bình tuyển các giống cam sạch sâu bệnh; chuyển giao tiến bộ KH-KT để người sản xuất nâng cao tuổi thọ cây cam.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.