| Hotline: 0983.970.780

Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín

Thứ Ba 12/03/2024 , 06:05 (GMT+7)

Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

Con đường độc đạo vào hang Táu.

Con đường độc đạo vào hang Táu.

Người ta thường kêu ca rằng cuộc sống bây giờ quá nhiều thứ quyến rũ, mạng xã hội, các thú ăn chơi phù phiếm tràn lan và có sức lôi kéo ghê gớm. Ai cũng khao khát muốn sống chậm lại một tí nhưng lại chẳng biết dừng lại bằng cách nào. Cho đến một ngày, người ta nghe về một thung lũng kì lạ, nơi ấy sẽ cho người ta một cuộc sống khác…

Cũng như tôi, khi đã ngồi ngây ra một lúc trước màn hình, ngắm những bức ảnh trên một diễn đàn phượt, không gian trong veo xanh mướt, nắng vàng như mật trên đồng cỏ nằm lọt giữa những chân núi, đây đó một vài cái cây như điểm tô cho khung cảnh hữu tình, vài con vật tung tăng dạo chơi và kiếm ăn thong thả. Đó là lần đầu tiên tôi biết về Hang Táu

Nơi bảo tồn kí ức cổ xưa

Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc với duy nhất một lối vào. Cả thung lũng là một màu xanh mướt, trở nên ảo diệu khi ánh nắng rót mật lên từng ngọn cỏ. Phía cuối của thung lũng, theo hẻm núi có một chiếc hang nhỏ, hang này có tên là Hang Táu. Bởi thế, sau này, cần một tên gọi cho phần đất bình địa ngoài kia thì người ta đã gọi theo tên cái hang đó. Vậy là Hang Táu ra đời. Một cách giải thích khác, theo tiếng Mông, Hang Táu còn có nghĩa là “lòng chảo, bãi bằng”, cũng giống với cái cách để người ta mô tả về khoảnh đất đặc biệt ấy.

Lạc vào chốn bình yên.

Lạc vào chốn bình yên.

Là một địa danh nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch nhưng về diện tích Hang Táu rất nhỏ, nhỏ đến nỗi người ta lúng túng không biết gọi nó là gì. Xã mà nó thuộc về là xã Chiềng Hắc của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Hang Táu thuộc bản Tà Số, vốn chỉ là một cụm dân cư khoảng hai chục hộ nằm biệt lập trong núi cách trung tâm bản dễ đến gần chục cây số. Đồng bào người Mông từ bản chính vào Hang Táu đi làm nương, trồng cây ngô cây lúa mà cứ sáng đi tối về thì mệt quá, tốn công quá, nên một vài người có sáng kiến dựng căn chòi nhỏ, tối ngả lưng ngủ lại, sáng mai làm tiếp.

Ở lại thì phải nấu phải nướng, phải có những dụng cụ sinh hoạt, mỗi thứ phát sinh một tí theo thời gian. Rồi thì chòi cũng được nâng cấp chắc chắn và đẹp lên, cũng chẳng thua nhà là mấy. “Thung lũng hoang vắng” dần dần đã ấm hơi người. Từ chỗ chỉ đi làm nương, một số người trẻ lấy vợ lấy chồng rồi chọn Hang Táu để xây dựng cuộc sống mới. Bãi cỏ rộng lớn khắp thung lũng là chỗ để chăn thả trâu bò, là sân chơi của lợn, của ngan, của chó, của gà. Cả lòng thung rộng chỉ có vài bóng cây cho người nghỉ, trâu bò tránh nắng nằm nhai cỏ. 

Cả quá trình ấy tóm gọn thì nhanh nhưng diễn ra cũng phải trong vòng hơn hai chục năm nay. Cuộc sống cứ trôi đi bình yên như thế cho đến một ngày, đâu đó trên cõi mạng người ta bỗng sửng sốt trầm trồ về vẻ đẹp nguyên sơ ở nơi này, cứ như là những người Mông ở Hang Táu đang sở hữu một báu vật.

Ngoài cảnh đẹp bình dị mà cuốn hút thì người ta còn ca ngợi đây là nơi “cuộc sống ba không”: Không điện, không sóng điện thoại, không Internet. Người ta nói về nó không phải sự một sự cảm thương về sự lạc hậu, mà nói về nó như một sự thèm khát, như những giá trị độc đáo cần bảo lưu. Không điện, không điện thoại, không mạng thì sao? Thì buộc người ta phải li khai với những gì cần điện, những gì cần sóng điện thoại, những gì cần mạng mẽo. Những gì của đời sống hiện đại bỏ hết, vứt hết, cất hết. Bỏ hết thì cuối cùng thừa ra cái thằng người, cái thằng người vốn ngày ngày cắm mặt vào điện thoại, máy tính thì giờ cắm mặt vào đâu? Phải nhìn cái cây cái con, phải trông lên trời, ngó xuống đất, phải chạy nhảy trên cỏ mà nô đùa. Hang Táu dung chứa được tất cả những điều đó, áp đặt tất cả những điều đó bằng một quyền năng giản đơn mà bí ẩn. Hang Táu đã cảm hoá bằng sự trinh nguyên mà dịu dàng, vùng cổ tích có thật ấy đã kéo con người về lại với những gì chính họ đã đánh mất. Người ta tìm về Hang Táu như một nơi bảo tồn kí ức hoang sơ của con người.

Thiên nhiên hoang sơ. 

Thiên nhiên hoang sơ. 

Mùa A Choa chính là một trong những người khai sơn phá thạch ở Hang Táu, hay có thể gọi là “thành viên sáng lập”. Theo trí nhớ của người đàn ông trung niên này, từ những năm tám mươi của thế kỉ trước, khi anh mới mười tuổi đã vào Hang Táu cùng chị gái để làm nương và ngủ lại nơi này. Căn chòi nhà anh cũng là một trong những căn chòi đầu tiên tại Hang Táu. Người Mông có tập tính di cư, cứ dăm mùa rẫy, khi đất bạc màu là lại đi tìm cánh rừng mới để làm lại từ đầu. Nhưng đất ở Hang Táu tốt hơn các nơi khác, thung lũng cỏ năm này qua năm khác vẫn xanh ngun ngún, vì thế bà con ở đây đã gắn bó lâu dài với nó. Những người đàn ông, đàn bà dân tộc thiểu số thường mang dáng vẻ già trước tuổi, nhưng với Mùa A Choa và những người Mông ở Hang Táu lại như ngược lại. Sinh năm 1975 nhưng nhìn anh chỉ như thế hệ 8X, 9X, mái tóc cột sau gáy đầy vẻ phong trần, Choa điềm đạm nói về những ngày khai sơn lập địa với lối diễn đạt rành rọt.

Theo số liệu của “Trưởng hang” Mùa A Choa, bây giờ, trung bình mỗi ngày có tới 200-300 khách đến với Hang Táu. Bởi thế, thung lũng nhỏ ngày nào cũng như ngày hội. Quanh năm “nhà có việc” như thế thì cuộc sống nó không còn như trước nữa. Mọi thứ đã thay đổi, đã vận hành theo một cách khác, thì tư duy nó cũng phải khác đi. Bây giờ, người Mông ở Hang Táu không chỉ là những người làm nương trỉa bắp gieo lúa nữa mà còn là những người Mông làm du lịch. Khắp thung lũng nhỏ rộng chừng một héc ta là những đàn lợn mẹ, lợn con, những chú gà tha thẩn kiếm ăn, những chú ngan vịt lặp ngụp ở những vụng nước bên những phiến đá tai mèo. Xa xa là những con bò, trâu an nhiên gặm cỏ. Tất cả chúng như không cần biết đến sự có mặt của con người.

Thấy tôi chăm chú quan sát những vật nuôi trong đồng cỏ xanh mát, anh Mùa A Giáng nói như giải thích, ban đầu chỉ là chúng tôi vào ở tạm để đi làm thôi, rồi thì tận dụng cơm thừa, tận dụng ngô lúa làm ra khi thu hoạch nuôi thêm con chó, con gà, vừa cho vui vừa để phục vụ cho cuộc sống của chúng tôi tại khu canh tác. Dần dần khi người ở thường xuyên hơn thì vật nuôi cũng có thêm, lợn, trâu bò và cả ngựa… Bây giờ thì chúng vừa góp phần tạo nên cảnh quan bình yên cho Hang Táu, vừa làm mẫu chụp ảnh, vừa là nguồn thực phẩm tại chỗ phục vụ du khách trong một mức độ có thể. Chị Vàng Thị Pua đang dở tay hướng dẫn một nữ du khách những đường thêu trên chiếc váy Mông ngẩng lên kể với tôi, khi có nhiều khách du lịch đến với Hang Táu, ban đầu các hộ dân bảo nhau dệt thổ cẩm, làm bánh của người Mông cho du khách xem, rồi những con vật nuôi được thì có thể thịt làm cơm cho du khách, vì thế bà con cũng có thêm thu nhập.

Chung tay gói ghém miền cổ tích

Mọi thứ diễn ra một cách ngẫu nhiên, nhưng rồi đến một ngưỡng nào đó thì cần có sự can thiệp để giữ gìn sự ngẫu nhiên ấy. Khi lượng khách ồ ạt kéo đến, rất dễ dẫn đến tình trạng hỗn độn, mất kiểm soát thì mọi thứ lại nằm ngoài tầm tay của những bà con người Mông chân chất. Để du lịch tự phát chuyển hoá thành du lịch chuyên nghiệp cần đến sự vào cuộc của chính quyền và các ban ngành.

Thực ra thì những năm gần đây, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cũng là một xu hướng khá phổ biến, và Mộc Châu, mảnh đất “chuyên nghề du lịch” cũng đã nắm bắt xu hướng này để có những định hướng phát triển với những mô hình hiệu quả. Bản Tà Số cũng đã vận dụng loại hình này, bước đầu cho những kết quả và kinh nghiệm.

Nơi thư giãn tuyệt vời.

Nơi thư giãn tuyệt vời.

Cái khó của Hang Táu đến từ nhiều phía, thứ nhất là về cơ chế, người ta không thể vận hành du lịch như doanh nghiệp, bởi đất là đất nông nghiệp, đất rừng, các hộ cũng không có giấy phép kinh doanh du lịch dịch vụ. Cách tháo gỡ ở đây cũng như nhiều mô hình du lịch cộng đồng khác, đó là thành lập hợp tác xã để cộng đồng bản địa tự quản, coi du lịch như một sản phẩm tương tác giúp nâng cao chất lượng sống của đồng bào. Tự quản nhưng phải có giám sát, định hướng, cũng như hỗ trợ những điều kiện để mô hình không chệch hướng, đảm bảo những tiêu chí nhất định.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch xã Chiềng Hắc chia sẻ, xã đã hướng dẫn để bà con tại Hang Táu có thể vận hành bộ máy đón tiếp khách hướng tới sự phát triển bền vững và bảo tồn các giá trị hiện có. Đầu tiên là việc thành lập các tổ xe ôm, tổ tiếp khách, tổ nấu nướng… Xã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mời giáo viên về giảng dạy cho bà con các kĩ năng làm du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự vệ sinh...

Những định hướng khác cũng đã được cơ quan văn hoá, những người làm du lịch Mộc Châu khuyến cáo địa phương để đưa ra những lời khuyên với du khách. Như việc cho tiền trẻ em chẳng hạn. Chị Đinh Thị Hường - Trưởng phòng Văn hóa huyện Mộc Châu nói rằng, địa phương nhắc nhở du khách tuyệt đối không làm điều này, vì lúc đầu là thiện tâm nhưng dần dần sẽ thành điều kiện, gieo cho trẻ em những thói quen không tốt, dễ dẫn đến việc vui vẻ với những người cho, thái độ, vòi vĩnh với những người không chịu móc ví.

Những nếp nhà của dân bản địa.

Những nếp nhà của dân bản địa.

Tất cả những nỗ lực đó đã được đền đáp. Đến nay, dù lượng khách đến Hang Táu ngày một đông thì mỗi người khi đặt chân đến thung lũng này vẫn bắt gặp một khung cảnh như những ngày đầu, như những gì họ thấy trên những tấm ảnh huyền thoại lưu truyền trên mạng. Có thể nói đó là thành công ban đầu của những người làm du lịch Mộc Châu.

Nhìn vẻ mặt hân hoan trong tĩnh lặng của những người trẻ khi đến với Hang Táu tạm xa cuộc sống thường nhật sẽ thấy, niềm vui và hạnh phúc vốn vẫn hiện diện thuần thiết trong cuộc sống bản nguyên của con người, chỉ là người ta đã đi quá xa nó mà thôi. Và muốn “gặp lại” nó, bạn hãy một lần về Hang Táu, dù lưu lại qua đêm hay chỉ ở đây vài tiếng thôi, bạn sẽ được trải nghiệm một thế giới khác, một miền cổ tích còn phong kín.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm